Tư duy mới về chính sách lao động, việc làm trong định hướng phát triển đất nước

20:07 | 03/11/2020
(LĐTĐ) Mục tiêu của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chính là phát triển con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân. Do đó, chính sách lao động, việc làm có vai trò quan trọng và quyết định đầu tiên giải quyết vấn đề con người, thực hiện quan điểm đầu tư cho con người là đầu tư phát triển.
Lấy ý kiến các tổ chức thành viên vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc Cần có chính sách đồng bộ, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng 4 chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 2/2017

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm như vậy, khi góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 2/11.

Tư duy mới về chính sách lao động, việc làm trong định hướng phát triển đất nước
TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, chính sách lao động, việc làm đã được thể hiện rất rõ trong Cương lĩnh và Hiến pháp. Cụ thể, trong Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020, nêu rõ: Xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân; tạo môi trường, điều kiện để lao động có việc làm, thu nhập tốt hơn, có chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ tạo động lực phát triển, điều chỉnh thu nhập hợp lý; khuyến khích làm giàu hợp pháp, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa các vùng miền; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: Quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Điều 23); Quyền bình đẳng nam, nữ (Điều 26); Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Điều 35); Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 57).

Góp ý cụ thể vào văn kiện, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tại đoạn cuối của định hướng 5 (Trang 23) dự thảo nêu: “... quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, đây chính là nội hàm của hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bao phủ toàn dân, với tư duy mới về lao động và việc làm bền vững, dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Như vậy, cần thể hiện rõ nội dung trên như sau: “.. phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, với 3 trụ cột chính là phòng ngừa rủi ro dựa trên cơ sở phát triển việc làm và giảm nghèo bền vững, bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản; giảm thiểu rủi ro thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng - bền vững và khắc phục rủi ro nhằm thực hiện tốt nhất ưu đãi xã hội (chính sách người có công), trợ giúp thường xuyên và đột xuất cho các nhóm đối tượng yếu thế”.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi: Việc làm bền vững chính là khát vọng cho người dân, người lao động trong quá trình làm việc, lao động, thể hiện ở 4 điểm cơ bản: Một là, việc làm với đầy đủ quyền con người, đúng với trình độ cá nhân; hai là, làm việc trong các điều kiện được chấp nhận, bình đẳng và có cơ hội phát triển để hoàn thiện các kỹ năng cá nhân; ba là, làm việc có bảo hiểm, an toàn tại nơi làm việc, phòng ngừa được những rủi ro, đảm bảo lưới an sinh xã hội; và cuối cùng là làm việc có đối thoại thông qua tự do hiệp hội và tham gia xây dựng các chính sách đối với Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, mục tiêu của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chính là phát triển con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân. Do đó, chính sách lao động, việc làm có vai trò quan trọng và quyết định đầu tiên giải quyết vấn đề con người, thực hiện quan điểm đầu tư cho con người là đầu tư phát triển.

Chính sách lao động, việc làm phải góp phần giải phóng sức lao động, gắn với thị trường lao động hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế và các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã tham gia, tạo điều kiện để Việt Nam được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, vì các vấn đề phi thương mại (các tiêu chuẩn về lao động, môi trường...) đã trở thành một trong các nội dung cơ bản trong thị trường lao động mà các thành viên phải tuân thủ.

Chính sách lao động, việc làm phải được điều chỉnh theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp không chỉ đối với thị trường trong nước mà hướng tới các thị trường quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn sâu. Hỗ trợ để từng bước chuyển dịch việc làm cho lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, hướng đến việc làm bền vững.

Theo đó, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, văn kiện nên thiết kế lại là xây dựng thị trường lao động hiện đại, bảo đảm việc làm bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bao phủ toàn dân với 3 trụ cột cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: Thị trường lao động hiện đại là thị trường hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế chính sách về thị trường lao động; thứ hai là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và gia tăng thu nhập; thứ ba là kết nối thị lao động quốc tế và thứ tư thúc đẩy chuyển dịch lao động.

“Đây là những biểu hiện đậm nét của thị trường lao động hiện đại. Từ đó, chúng ta mong muốn xây dựng người lao động và mọi người dân của chúng ta có việc làm - đó chính là lưới bao phủ đầu tiên để người dân không bị rơi vào rủi ro”, TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này