Lấy chăm lo, bảo vệ đoàn viên làm thước đo hoạt động

12:17 | 03/11/2020
(LĐTĐ) Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động là yêu cầu thực tiễn cấp bách của tổ chức Công đoàn trước xu thế hội nhập, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hoạt động công đoàn có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít thách thức, khó khăn.
Không ngừng hỗ trợ công nhân lao động nâng cao trình độ chính trị, học vấn Công đoàn Thủ đô đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến thăm, tặng quà cơ sở phục vụ Tết thuộc ngành Thương mại Hà Nội
Lấy chăm lo, bảo vệ đoàn viên làm thước đo hoạt động
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến báo cáo đề dẫn tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở".

Để góp phần tìm giải pháp cho yêu cầu này, mới đây, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở" và đã thu được những ý kiến trao đổi tâm huyết, xác đáng. Trực tiếp chủ trì hội thảo, đồng chí Ngô Văn Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã dành cho phóng viên Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện xung quanh mục đích, ý nghĩa và những nội dung thu được từ Hội thảo nói trên.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, xin đồng chí đánh giá đôi nét về tình hình chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trên địa bàn Thủ đô hiện nay?

Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuyến: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hiện đang chỉ đạo 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 8.899 công đoàn cơ sở với 608.630 đoàn viên công đoàn; trong đó khu vực nhà nước có 3.419 công đoàn cơ sở, với 194.882 đoàn viên; khu vực ngoài nhà nước là 5.480 công đoàn cơ sở, với 413.748 đoàn viên công đoàn.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản triển khai chỉ đạo thực hiện trong hệ thống công đoàn Thủ đô, hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chức năng của tổ chức công đoàn.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các công đoàn cơ sở trong toàn thành phố đã năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; ngày càng thực chất, có chiều sâu, bám sát vào nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn cơ sở còn bộc lộ những tồn tại, trong đó, nội dung sinh hoạt công đoàn cơ sở, phương thức hoạt động công đoàn ở một số nơi chưa thực sự thu hút được đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Vẫn còn tình trạng hành chính, hình thức trong hoạt động công đoàn, hoạt động còn dàn trải, chưa lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo.

Những năm qua, mặc dù bình quân hàng năm số công đoàn cơ sở của thành phố Hà Nội được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ khá cao (khu vực hành chính, sự nghiệp đạt 91,93%, ngoài khu vực nhà nước đạt 52,8% trở lên); tuy nhiên vẫn còn gần 0,07 % số công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và 5,5% công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước xếp loại yếu; gần 10% số công đoàn cơ sở hoạt động không ổn định hoặc phải dừng hoạt động, cho thấy cần nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

Phóng viên: Như đồng chí đã nói, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động công đoàn cơ sở vẫn còn những tồn tại. Vậy nguyên nhân của thực trạng trên là gì, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuyến: Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên được xác định là do một số cấp uỷ, chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, đặc biệt công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế về chất lượng, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, lý luận nghiệp vụ công đoàn chưa đáp ứng được nhiệm vụ; chưa am hiểu sâu về văn bản luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động, còn lúng túng trong việc thực hiện kỹ năng thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể; đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, chưa dành nhiều thời gian, công sức đầu tư cho hoạt động công đoàn; cán bộ công đoàn cơ sở đặc biệt khu vực ngoài nhà nước thường xuyên biến động; các công đoàn cơ sở lớn không có cán bộ công đoàn chuyên trách…

Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp lý còn thiếu, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm, chưa đủ sức răn đe; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật lao động và quyền công đoàn của các cơ quan chức năng Nhà nước chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Đáng nói, có một số cán bộ công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, phụ thuộc hoàn toàn vào chủ sử dụng lao động về vấn đề tiền lương, việc làm; không dám đứng ra đấu tranh bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức lao động khi bị vi phạm.

Lấy chăm lo, bảo vệ đoàn viên làm thước đo hoạt động
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Phóng viên: Từ thực trạng nói trên, Liên đoàn Lao động Thành phố đã có nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, trong đó có việc tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn mục đích, ý nghĩa của Hội thảo?

Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuyến: Từ thực trạng hoạt động công đoàn ở cơ sở, trước xu thế hội nhập quốc tế, mới đây, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”hướng hoạt động về cơ sở, để tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn Thủ đô khẳng định và phát huy những kết quả đã đạt được, cùng nhau thảo luận tìm ra các giải pháp, khắc phục những hạn chế, khó khăn, chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực của Liên đoàn Lao động Thành phố thực hiện Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ ngày 06/01/2011 về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”; Đề án số 03/ĐA-LĐLĐ ngày 08/9/2016 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về “Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở” giai đoạn 2016-2020; thực hiện chủ đề năm 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về "Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở".

Phóng viên: Từ mục đích, ý nghĩa như trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung gì, thưa Phó Chủ tịch? Theo đồng chí, giải pháp cốt lõi nhất thu nhận được từ Hội thảo để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở là gì?

Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuyến: Với mục đích, ý nghĩa thiết thực, Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 90 đại biểu đến từ 45 Công đoàn cấp trên, 11 công đoàn cơ sở. Từ định hướng của Liên đoàn Lao động thành phố, tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi 10 nội dung, trong đó, tập trung vào các nội dung như thực trạng hoạt động công đoàn cơ sở;

Quy chế phối hợp hoạt động giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động; việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ công đoàn, công đoàn bộ phận và công đoàn cơ sở; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Hội nghị người lao động; việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; Vai trò của công đoàn cơ sở trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, đoàn viên công đoàn…

Tất cả các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động công đoàn cơ sở, từ tâm huyết của cán bộ công đoàn, rất thẳng thắn, trách nhiệm, toàn diện và đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu, tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Trong đó, giải pháp cốt lõi được đề xuất là Công đoàn cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó lấy việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên - lao động làm thước đo các hoạt động.

Bên cạnh đó, mục tiêu khác mà công đoàn cơ sở cần hướng đến là phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động, từ đó vừa tập hợp, cuốn hút được người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa có được sự ủng hộ phối hợp của chủ doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố ghi nhận những ý kiến này và giao các ban chuyên môn xem xét, nghiên cứu, tham mưu xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Liên đoàn Lao động thành phố về xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh để chỉ đạo thực hiện không chỉ trong năm 2020 mà còn trong những năm tiếp theo.

Đồng thời, từ các ý kiến trao đổi tại hội thảo, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng sẽ có những đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền; điều chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, góp phần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, thúc đẩy phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn Thủ đô không ngừng phát triển, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này