Chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp

13:59 | 29/10/2020
(LĐTĐ) Được đánh giá là địa phương đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay, đời sống văn hóa, nếp ứng xử trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tại thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) nhiều người dân đã chung tay thay đổi diện mạo từ ngõ, xóm, phố với mục tiêu tiến tới phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát huy vai trò của công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới Nông dân với phong trào thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới

Diện mạo thay đổi từ thôn, xóm

Để tạo nên nét đẹp của làng quê ngoại thành, người dân thôn An Hiền (trước đây gọi là thôn An Vọng), xã Hoàng Diệu, đã xây dựng hiệu quả nếp sống văn minh, góp phần duy trì và phát triển bản sắc văn hóa địa phương. Nhờ vậy, từ một thôn nghèo của xã Hoàng Diệu, đến nay, đường làng ngõ xóm của thôn An Hiền đã được mở rộng, ô tô vào đến từng nhà; 100% nhà ở dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; hệ thống thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, 10 năm liên tục thôn được công nhận là thôn văn hóa tiêu biểu của huyện, thôn “trắng” tệ nạn xã hội và đến nay đã không còn hộ nghèo.

Chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp
Tại thôn An Hiền, người dân luôn chung tay, đóng góp tạo nên diện mạo hiện đại, văn minh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, lãnh đạo thôn cũng phát động người dân trồng mới hàng trăm cây xanh tại các điểm công cộng, dọc đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Tất cả các cột điện đều có pano tuyên truyền về đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội. Ông Trần Quang Huy – Bí Thư Chi bộ thôn An Hiền, cho biết, việc ông tâm đắc nhất là đã vận động được hơn 100 hộ dân hiến trên 3.000 m2 đất “vàng” để xây dựng sân vận động. Ông Huy chia sẻ, ông về thôn làm bí thư năm 2010. Năm 2011, ông vận động người dân hiến đất để làm sân vận động. Nhưng công việc cực kỳ khó khăn vì khu đất này nằm ở vị trí đắc địa giữa làng, trị giá hơn 10 tỉ đồng.

Sau đó, ông Huy đã tích cực đến từng nhà tuyên truyền, giải thích với bà con để họ đồng ý sẵn sàng hiến đất, chỉ đền bù tổng là 15 triệu đồng đối với thiệt hại về các loại hoa màu. Chỉ vài tháng sau, các hộ đã đồng ý và mọi người còn góp thêm hơn 100 triệu đồng để thôn lấy quỹ mua sắm trang phục, dụng cụ tập luyện thể thao. “Khi ấy, thôn làm gì có tiền, nên tôi về nhà nói với vợ đưa 15 triệu đồng để giải quyết việc tập thể. Vợ tôi ngần ngại và lo nhỡ sau này thôn không có tiền trả. Tôi nói với vợ vì đây là việc lớn, vận động được người dân đồng tình không phải dễ, nên phải chớp thời cơ làm cho bằng được. Vậy là vợ tôi đồng ý đưa 15 triệu đồng đi giải quyết đền bù cho dân”, ông Huy nhớ lại.

Nhắc đến ông Huy, người dân thôn An Hiền nhớ nhất là “kỳ tích” ông quy tập được 306 ngôi mộ của làng đã bị vùi lấp mấy chục năm bởi một trận lụt. Để làm đẹp quê hương và thực hiện chủ trương quy tập nghĩa trang, xây dựng nông thôn mới, ông Huy vẫn đến từng ngõ, gõ từng nhà kiên trì vận động người dân và phải mất gần 3 năm thuyết phục. Ông Huy cho biết, muốn làm được việc này phải được người dân đồng thuận tuyệt đối, một người không đồng ý cũng không làm được. Do vậy, thôn đã họp không biết bao nhiêu cuộc họp, lúc đầu chỉ có 10 gia đình đồng ý.Sau đó, ông Huy đã viết hơn 100 bức thư gửi từng gia đình để thuyết phục. Mỗi lá thư như một lá phiếu để người dân ký xác nhận. Cùng với đó, ông Huy công khai kế hoạch quy tập và xây dựng nghĩa trang, công khai thiết kế, ngày giờ thực hiện và phân công trách nhiệm. “Tôi phải làm đến tận cùng của sự dân chủ, để ai cũng thấy đó là công việc của mình và cuối cùng đã được 100% người dân đồng ý. Không chỉ có vậy, tôi đã vận động xã hội hóa được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nghĩa trang”, ông Huy kể.

Không ai đứng ngoài cuộc

Để xây dựng thôn An Hiền ngày càng văn minh, giàu đẹp, nhiều năm qua, ông Huy đã cùng cán bộ thôn tích cực tham gia vận động được hàng trăm triệu đồng để trồng cây xanh những nơi công cộng; bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, tranh tường bích họa. Đặc biệt, có những tập tục của làng quê từ lâu đời cũng được ông vận động người dân đổi mới để thực hiện nếp sống văn minh như việc mừng thọ được tổ chức tập thể 6 năm nay, không còn cảnh mọi người phải chạy khắp làng đi mừng thọ. Đó là chưa kể những “giới nghiêm” trong làng của ông là không có quán ăn, cửa hàng internet, nơi dễ dàng phát sinh các tệ nạn xã hội.

Ông Trần Quang Huy – Bí thư Chi bộ thôn An Hiền cho rằng văn hóa làng là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. “Tôi nghĩ, có được những kết quả tốt đẹp đó chính là nhờ vào nhân dân. Cán bộ và chính quyền chỉ là những người đứng ra để tập hợp, đoàn kết sức mạnh của chính nhân dân mà thôi. Người dân thôn An Hiền đã đồng hành và giúp tôi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh người công bộc của dân”, ông Huy cho biết.

Trước tình hình văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư xuống cấp, ông Huy đã cùng lãnh đạo chính quyền và chi bộ vận động để xây dựng thư viện cho thôn với trị giá 270 triệu đồng. Ông cũng vận động được hơn 2.000 đầu sách. Thư viện thôn đã được Giám đốc Thư viện quốc gia về thăm và được Thư viện Hà Nội thường xuyên mang sách về trao đổi. Số người đọc rất đông, chủ yếu là thanh thiếu niên. Để duy trì hoạt động của thư viện, một cán bộ hưu trí ở địa phương cũng đã tình nguyện ra làm thủ thư và phục vụ miễn phí.

Nhờ sự chung tay đóng góp của đội ngũ cán bộ và người dân trong thôn, nhiều năm nay, thôn An Hiền luôn được công nhận là thôn văn hóa, sạch đẹp và đoàn kết. Các hộ dân ở An Hiền đều có mức sống khá và giàu. Đời sống văn hóa được nâng cao, an ninh chính trị, an toàn, trật tự xã hội được ổn định. Chia sẻ kinh nghiệm dẫn dắt các phòng trào và huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, ông Huy cho hay: Chỉ cần cán bộ có ý tưởng tốt và đưa ra để mọi người được bàn luận dân chủ ở nhiều cấp, khi người dân đồng thuận thì mới triển khai thực hiện. Khi thực hiện mọi việc, các cán bộ, đảng viên phải miệng nói, tay làm và phải chủ động đi đầu làm gương để người dân noi theo.

“Ở thôn An Hiền, các cán bộ, đảng viên luôn là “lá cờ” đầu trong mọi phong trào.Trước mỗi công việc lớn, nhỏ, người đứng đầu chi bộ phải hướng đến lợi ích chung, việc gì có lợi cho dân thì làm cho bằng được. Nhất là vấn đề liên quan đến kinh phí, tiền bạc rất nhạy cảm. Kinh nghiệm của chúng tôi là lấy xã hội hóa làm nền tảng để thực hiện. Trong quá trình làm công việc thôi luôn minh bạch, công khai mọi thứ”, ông Huy khẳng định./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này