Xét xử đại án BIDV: Ông Trần Bắc Hà chỉ đạo chi nhánh Hà Thành phải cho Công ty Trung Dũng vay tiền

18:47 | 27/10/2020
(LĐTĐ) Sáng 27/10, phiên xử sơ thẩm đại án BIDV tiếp tục với phần xét hỏi liên quan đến hành vi vi phạm trong việc cấp tín dụng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) xảy ra tại BIDV chi nhánh Hà Thành.
Xét xử đại án BIDV: Các bị cáo khai đồng ý giải ngân vì sợ bị cách chức Xét xử đại án BIDV: Các dự án của Công ty Bình Hà đã tái khởi động và mang lại lợi nhuận

Phạm tội dưới sức ép của Trần Bắc Hà

Theo cáo trạng, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... nhưng tháng 8/2011, các bị cáo các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo trên đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay, dẫn đến còn dư nợ hơn 600 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.

Xét xử đại án BIDV: Ông Trần Bắc Hà chỉ đạo chi nhánh Hà Thành phải cho Công ty Trung Dũng vay tiền
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng. (Ảnh chụp màn hình)

Cùng với đó là tháng 11/2011, Công ty Trung Dũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ gần hết hạn mức được cấp, các chỉ tiêu tài chính càng ngày càng xấu nhưng các bị cáo vẫn đề xuất để BIDV phê duyệt phát hành L/C (chúng thư bảo lãnh) theo món cho Công ty Trung Dũng để nhập khẩu phôi thép, thép phế.

Sau khi phát hành L/C, các bị cáo tại BIDV chi nhánh Hà Thành không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt, giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý hàng hóa mà không kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp tự ý bán toàn bộ lô phôi thép, thép phế là tài sản bảo đảm cho khoản phát hành L/C…, dẫn đến dư nợ hơn 260 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Hành vi của các bị cáo tại BIDV chi nhánh Hà Thành đã gây thiệt hại cho BIDV tổng số tiền hơn 860 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) thừa nhận, năm 2011, khi được cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng có một số điều kiện chưa đủ, song việc quyết định là của Hội sở chính. Ngoài ra, Trung Dũng là khách hàng uy tín, được BIDV xếp hạng A, việc cấp hạn mức tín dụng năm 2011 là tái cấp, bị cáo chưa nhìn ra các rủi ro tiềm ẩn nên vẫn đề xuất tái cấp.

Đối với việc phát hành L/C cho Trung Dũng, bị cáo Chính khai ban đầu, khi doanh nghiệp đề nghị cấp L/C, bị cáo đã từ chối. Sau đó bị cáo báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Trần Bắc Hà thì ông Hà vẫn chỉ đạo cho mở L/C.

Ông Chính thừa nhận mình trách nhiệm liên đới trong vụ án nhưng việc bản thân có các hành vi sai phạm trên là do thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà và tin tưởng vào cán bộ cấp dưới.

Cũng thừa nhận sai phạm của mình, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) cho biết, bản thân ông đã có những sai phạm trong quá trình đề xuất cho vay, thực hiện cho vay và quản lý sau vay, chịu trách nhiệm cá nhân đối với sai phạm tại BIDV chi nhánh Hà Thành liên quan đến các khoản vay của Công ty Trung Dũng.

Tuy nhiên, ông Giáp cho rằng bản thân ông chịu áp lực thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà vì trước đó ông Hà đã buộc Giám đốc chi nhánh điều chuyển công tác của các Phó Giám đốc chi nhánh và giao cho bị cáo phụ trách quan hệ khách hàng thay cho một phó giám đốc khác do người này có ý kiến dừng giải ngân. Khi Công ty Trung Dũng đề nghị phát hành L/C, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo nên ông Giáp và cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng phải thực hiện.

Còn đối với bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng), tai, phiên tòa, bị cáo này khai trong quá trình vay vốn của BIDV chi nhánh Hà Thành, công ty thanh toán tất cả các khoản vay trước năm 2011 cho chi nhánh Hà thành, còn sau năm 2011 thì chưa thanh toán hết.

Về các khoản vay của Công ty, bị cáo căn cứ báo cáo từng năm để đề nghị vay vốn ngân hàng. Với những khoản vay vốn được bị cáo sử dụng vào hoạt động của doanh nghiệp, bị cáo hoàn toàn không chiếm dụng. Bị cáo cũng cho biết thêm, sau khi vay vốn một thời gian, do gặp khó khăn chung của thị trường thép nên doanh nghiệp bị lỗ vốn, không đủ tiền thanh toán cho ngân hàng. Còn về mối quan hệ với ông Trần Bắc Hà, bị cáo cho rằng, bị cáo chỉ là doanh nghiệp, mọi hoạt động đều thông qua chi nhánh Hà Thành, doanh nghiệp của bị cáo vẫn “chưa đến lượt” để quan hệ với ông Hà.

Trước phần trả lời mập mờ, vòng vo của ông Dũng, Hội đồng xét xử cho rằng ông Dũng đang cố tình xem thường sự thông minh của Hội đồng xét xử vì trong tài liệu điều tra đã thể hiện rõ việc ông Trần Bắc Hà rất sâu sát với Công ty Trung Dũng, từng có công văn riêng chỉ đạo chi nhánh Hà Thành phải cho Công ty Trung Dũng vay tiền.

Dựng cháu họ lên làm Tổng Giám đốc

Cũng trong sáng ngày thứ hai xét xử vụ án, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ hành vi của các bị cáo trong các sai phạm xảy ra tại Công ty Bình Hà.

Trả lời Hội đồng xét xử Trần Anh Quang (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, cháu họ ông Trần Bắc Hà) trình bày, bản thân là lái xe cho Trần Duy Tùng (con trai ông Hà). Nhiệm vụ của bị cáo này là theo dõi, giám sát việc bán bò nhưng bị cáo không có chuyên môn.

Xét xử đại án BIDV: Ông Trần Bắc Hà chỉ đạo chi nhánh Hà Thành phải cho Công ty Trung Dũng vay tiền
Bị cáo Trần Anh Quang. (Ảnh chụp màn hình)

Theo bị cáo Quang, khi thành lập Công ty Bình Hà, bị cáo không biết mình là cổ đông, sau đó đến tháng 8/2016, Trần Duy Tùng có nhờ bị cáo đứng pháp nhân Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà thì bị cáo mới biết.

Đến lượt mình, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) khẳng định không chỉ đạo việc thu tiền bán bò. Theo lời khai của bị cáo Dũng, tháng 10/2016, Trần Duy Tùng thống nhất với Hội đồng quản trị thông qua số phiếu của 2 cổ đông góp vốn cho Tùng (là Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh) đã bãi miễn chức danh Tổng Giám đốc của Dũng và đưa Trần Anh Quang lên thay.

Do Trần Anh Quang không quyết toán được một số công việc với các Nhà thầu mà trước đây Dũng đã ký kết nên Tùng đã bổ nhiệm lại chức danh Tổng Giám đốc của Dũng để hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán với các nhà thầu. Việc Dũng làm Tổng Giám đốc chỉ là trên danh nghĩa, còn Tùng trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty Bình Hà.

Với hành vi chiếm đoạt tiền bán bò, cơ quan công tố cho rằng theo quy định, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ.

Do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai Trần Bắc Hà, Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của BIDV là hơn 149 tỉ đồng.

Sau khi phạm tội, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế; đồng thời ra Quyết định tách vụ án hình sự và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này