Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài:

Trung tâm Dịch vụ việc làm giai đoạn này không còn phù hợp

16:01 | 24/10/2020
(LĐTĐ) Thảo luận về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thời gian qua có kết quả tốt, tuy nhiên trong giai đoạn này có thể không còn phù hợp. Thậm chí nhiều đại biểu cho rằng, nên để thị trường làm nhiệm vụ này và Nhà nước không cần phải trực tiếp thực hiện…
Phát huy vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động trong thời kì mới Giảm bớt gánh lo cho công nhân lao động Phối hợp thực hiện chính sách thuế và thu kinh phí công đoàn

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đã có 94 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường.

Trung tâm Dịch vụ việc làm giai đoạn này không còn phù hợp
Quốc hội thảo luận tại về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Qua thảo luận cho thấy, về cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến và yêu cầu Cơ quan soạn thảo gửi bổ sung báo cáo, giải trình để chỉnh lý dự thảo Luật ; đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 46 (tháng 7/2020) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sau khi có ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp ngày 23/10, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau: Về đối tượng áp dụng; Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ; Về tiền dịch vụ; Về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động...

Nêu quan điểm về dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị, Quốc hội cần cân nhắc về việc có nên giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quan điểm của đại biểu, đối với những công việc nào xã hội có thể đảm đương được thì nên cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, bởi thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt và nếu triển khai theo phương án này sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đã được cấp phép.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng Đảng và Nhà nước có chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng cần được hoàn thiện đầy đủ theo quy luật của kinh tế thị trường. Trong Dự thảo Luật cho phép chủ thể không mang yếu tố thị trường tham gia thực hiện các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng. Hơn nữa, trên thực tế, trong giai đoạn này, chúng ta cần có các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng không nhất thiết phải thực hiện hỗ trợ người lao động thông qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm công lập.

Vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng cũng như giải quyết việc làm nói chung thời gian qua đã có kết quả, nhưng giai đoạn hiện nay có thể không còn phù hợp. Bởi người lao động có nhiều lựa chọn, cơ hội để đi làm việc ở nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm cũng rất phong phú, đa dạng, hiệu quả, không thực sự cần đến sự hỗ trợ của các Trung tâm Dịch vụ việc làm công lập. Đại biểu cho rằng, nên để thị trường thực hiện nhiệm vụ này, Nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện, do vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ quy định này.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này