Tăng cường thanh tra đột xuất đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm

14:12 | 20/10/2020
(LĐTĐ) Từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ; đẩy mạnh công khai doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố hình sự với doanh nghiệp vi phạm…
Quyết tâm xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp Tiên phong trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin Hà Nội: Tăng cường xử lý các vi phạm về bảo hiểm
Tăng cường thanh tra đột xuất đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa chủ trì giao ban về công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); có gần 13 triệu người tham gia tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số).

So với cuối năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tăng trưởng dương. Riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến hết tháng 4 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019, nhưng đến nay đã đạt trên 844.741 người, tăng 381.638 người so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước đã chi 171.411 tỷ đồng cho 8.343.061 người hưởng bảo hiểm xã hội; 11.135 tỷ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng, bảo hiểm xã hội một lần và bảo hiểm thất nghiệp đều tăng.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu… Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm;

Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ (hết tháng 9/2019, số thu toàn ngành đã đạt 72,4% kế hoạch năm); tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khoảng 19.899 tỷ đồng (bằng 4,93% số phải thu và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019).

Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành đã thực hiện thanh tra- kiểm tra theo kế hoạch tại 3.155 đơn vị, đạt 59,09% kế hoạch, trong đó: Thanh tra chuyên ngành đóng là 791 đơn vị, đạt 53,8% kế hoạch; kiểm tra là 2.117 đơn vị; thanh tra kiểm tra liên ngành là 247 đơn vị, đạt 41,76% kế hoạch. Ngoài việc thực hiện thanh tra kiểm tra theo kế hoạch, trong 9 tháng đầu năm toàn ngành đã tổ chức thực hiện 1.384 cuộc thanh tra kiểm tra đột xuất tại 1.808 đơn vị.

Qua thanh tra chuyên ngành đóng, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền phải truy đóng là 44.759 triệu đồng; phát hiện 13.772 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 56.733 triệu đồng.

Ngoài ra, qua công tác thanh tra kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm xã hội số tiền 2.889 triệu đồng do thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định; thu hồi về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp số tiền 1.749 triệu đồng do thanh toán, chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định; thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế số tiền 39.189 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định…

Thông tin về viêc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Vụ Pháp chế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, đã có 34/63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 67 đơn vị tới cơ quan Công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố mà chỉ được xem xét, giải quyết.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thu trong hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm, cũng như đảm bảo quyền lợi của người tham gia, tại Hội nghị Giao ban trực tuyến tháng 10/2020 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan Thuế để rà soát các nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ, sử dụng các biện pháp, đôn đốc, bám sát dòng tiền, sức khỏe doanh nghiệp; đẩy mạnh công khai doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố hình sự với doanh nghiệp vi phạm./.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này