Bị tai nạn lao động được hưởng quyền lợi gì?

22:08 | 12/10/2020
(LĐTĐ) Người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc thì có được bồi thường không? Mức bồi thường được quy định như thế nào?
Đòi bồi thường tai nạn lao động có phải nộp lệ phí không? Gia đình bị hại không khiếu kiện thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Bạn đọc [email protected] hỏi: Em trai tôi năm nay 23 tuổi có đi làm trong công ty khai thác đá. Thời gian em làm tại công ty là 10 tháng nhưng chỉ được ký bản thỏa ước lao động tập thể chứ không được ký hợp đồng lao động. Vào 9/2019, trong khi em trai tôi đang làm việc thì không may bị đá ở trên rơi xuống gây thương tích nặng và được đưa vào viện cấp cứu.

Tại đây, em phải phẫu thuật cắt bỏ 1/3 chân phải. Trong thời gian này, bên phía công ty có hỗ trợ tiền viện phí cùng gia đình tôi cho tới ngày em ra viện. Tuy nhiên sau đó, khi em trai tôi phải lắp chân giả thì phía công ty chỉ hỗ trợ 1/3 số tiền (tổng số tiền hỗ trợ là 32 triệu đồng).

Do tình hình sức khỏe và cuộc sống của em tôi đang gặp nhiều khó khăn nên gia đình có đề nghị công ty hỗ trợ thêm cho em nhưng không được đồng ý. Vậy bây giờ gia đình tôi cần phải làm gì?

Câu hỏi của anh, Luật sư Đào Văn Tài – Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau: Đầu tiên, theo quy định tại Điều 73 Bộ luật lao động năm 2012: Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Như vậy về bản chất pháp lý, thỏa ước lao động tập thể có tính chất là một hợp đồng vì thỏa ước lao động tập thể được giao kết dựa trên sự thỏa thuận của các bên dưới hình thức một văn bản viết, được pháp luật bảo vệ và công nhận. Vì vậy, em trai anh hoàn toàn có cơ sở pháp lý và được pháp luật bảo vệ trong quá trình lao động tại công ty này.

Thứ 2, theo Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Như vậy, em trai anh được xác định đã bị tai nạn lao động trong quá trình lao động.

Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2012, công ty nơi em trai anh làm việc có nghĩa vụ thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. Đồng thời, công ty phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012.

Để được bồi thường theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012, gia đình cần nhờ tổ chức giám định mức độ suy giảm sức khỏe lao động của em trai anh.

Theo đó, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

Thứ 3, trong trường hợp công ty không giải quyết yêu cầu của em trai anh thì em trai anh có thể yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải để giải quyết tranh chấp lao động. Trong trường hợp hòa giải không thành, em trai anh có thể gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này