Khắc ghi những lời dạy của Bác Hồ

13:27 | 08/10/2020
(LĐTĐ) Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII diễn ra trong bối cảnh Thành phố vừa tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Tại thời điểm diễn ra sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Thành phố này, mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động càng thấm nhuần, khắc ghi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước và những lời dạy, lời căn dặn của Người với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô về xây dựng Đảng, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh!
Sắt son những lời dạy của Bác Hồ Vẹn nguyên những lời dạy của Bác Hồ Vẹn nguyên những lời dạy của Bác Hồ về cần, kiệm, liêm, chính
Khắc ghi những lời dạy của Bác Hồ
Bác Hồ trò chuyện với các cháu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội, vào năm 1956. Ảnh: TTXVN

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng mới của toàn dân. Nhìn lại chặng đường 72 năm qua, có thể khẳng định mọi thành quả của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ và nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua...

Do đó, mỗi người lao động, dù là lao động trí óc, lao động sản xuất, hay lao động quản lý có lòng yêu nước, yêu chế độ đều nhận thức được. Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc”.

Xét một cách toàn diện, mục đích của thi đua yêu nước là làm cho đất nước giành được độc lập, tự do, giàu mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó phong trào thi đua yêu nước cần phát huy sức mạnh của toàn dân, tạo được sự tham gia tích cực của nhân dân, làm cho thi đua yêu nước trở thành phong trào hành động cách mạng của nhân dân, của mọi tầng lớp xã hội. Người chỉ rõ: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to”.

Tuy nhiên, thi đua không được rập khuôn, máy móc, vì thế Bác chỉ rõ: Nội dung thi đua phải gắn với nhiệm vụ của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng, đó là thi đua tăng gia sản xuất, thi đua thực hành tiết kiệm… thi đua khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cách thức thi đua phải phong phú, đa dạng nhằm gom góp sáng kiến, rút ra kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Mức độ thi đua là phải nâng cao dần mãi mãi.

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua ái quốc của Người, Đảng, Nhà nước đã có những phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Và điều quan trọng, những phong trào thi đua yêu nước suốt hơn 7 thập kỷ qua đều tập hợp sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân “chung lưng, đấu cật”, đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, của Tổ quốc làm nên những thắng lợi trên mọi mặt trận.

Với Hà Nội - Thủ đô của đất nước, vinh dự là thành phố được Bác Hồ sống và làm việc đến khi Người trút hơi thở cuối cùng (9/1969), nên được Bác đặc biệt quan tâm. Những lời dạy của Người về phong trào thi đua yêu nước, về xây Đảng bộ và hệ thống chính quyền Thủ đô mãi là Kim Chỉ Nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô hướng đi.

Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Chính phủ và Bác Hồ cũng chuyển về Hà Nội làm việc. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Hằng tháng ít nhất một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành.

Người không những đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các cấp chính quyền về vấn đề tăng gia sản xuất, đắp đê phòng chống lũ lụt, chống hạn để phát triển kinh tế mà còn lưu ý những vấn đề liên quan đến giáo dục, xây dựng cuộc sống mới, quản lý hộ khẩu... để xây dựng và phát triển Thủ đô. Người gửi thư và mong Hội đồng nhân dân thành phố “sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ”…

Tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội ngày 25/4/1959, Người khẳng định quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”. Ở đó, “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.

Để “Hà Nội có thể làm gương mẫu cho cả nước noi theo”, các cấp “lãnh đạo phải quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”; “cán bộ, đảng viên phải luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác”. Đồng thời, phải “đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người”.

Người cho rằng, then chốt của công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh chính là xây dựng chi bộ, bởi “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, Đảng bộ “bốn tốt” ở khu vực ngoại thành Hà Nội, ngày 18/12/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải viết rõ 10 nhiệm vụ đảng viên ở các nơi khai hội, làm việc để hằng ngày đảng viên nhớ nhiệm vụ của mình mà phấn đấu thực hiện.

Tiếp đó, Người nêu tóm tắt 6 tiêu chuẩn đảng viên và chỉ rõ yêu cầu “cần phải liên hệ mật thiết với quần chúng, phải nêu cao tinh thần chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, gương mẫu trong mọi công tác và trong đời sống”.

Khắc ghi lời dạy của Người về phong trào thi đua yêu nước; khắc ghi lời dạy và sự quan tâm của Bác Hồ đối với Thủ đô, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn học tập những tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, đoàn kết một lòng xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Những năm qua, Hà Nội luôn tự hào là địa phương tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước, trong đó phải kể đến các phong trào do tổ chức Công đoàn phát động, như “phong trào sáng kiến, sáng tạo”, “phong trào giỏi việc nước, giỏi việc nhà”, “…luyện tay nghề”. Những phong trào này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế Thành phố và đất nước.

Kỷ niệm 72 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc đúng vào thời điểm tiến hành Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân Thủ đô “khắc cốt, ghi tâm” những lời dạy của Người về thi đua yêu nước; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để Hà Nội thực sự xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục và là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước./.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này