Để hoa nhài mãi ngát hương

08:29 | 10/10/2020
(LĐTĐ) Trải qua 1010 năm chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị đặc sắc, vừa có nét riêng vừa mang tính dân tộc. Trong đó, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thể hiện qua nếp sống, lề lối ứng xử thanh lịch luôn được khẳng định giá trị trong dòng chảy bất tận của văn hóa dân tộc gắn với câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Vậy để “hoa nhài mãi ngát hương”, chúng ta cần làm những gì? Lao động Thủ đô đã lược ghi một số ý kiến đóng góp của nhân dân góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Có nhiều thành tựu văn hóa dân gian chuẩn bị đón 1010 năm Thăng Long Hà Nội Tủ sách Thăng Long Hà Nội: Giá trị không thể thay thế của nguồn tư liệu phương Tây Tỏa sáng Văn hóa - Du lịch Thủ đô
Để hoa nhài mãi ngát hương
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Cao Tiến

Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Văn hóa lâu đời của Hà Nội ngày càng được bồi đắp thêm

Để hoa nhài mãi ngát hương
Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng

Là một người nhiều năm làm nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng, tôi luôn dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến một tình cảm đặc biệt. Nếu nghiên cứu sâu về Hà Nội qua các thời kì, chúng ta sẽ thấy dù sống trong tình hình nào, người Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa phong nhã của dân Kẻ Chợ mà ca dao xưa đã bao lần ngợi ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Câu ca bất hủ đó có ý chỉ về sự phồn hoa của chốn kinh đô, đồng thời cũng là ca ngợi tính cách thanh lịch của người Hà Nội dường như đã thành chuẩn mực, “khuôn vàng, thước ngọc”. Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua sự lịch lãm, mềm mại, hiếu khách, giản dị nhưng rất cao sang… Người Hà Nội hào hoa, tinh tế từ cái ăn. Người ta ăn để thưởng thức, ăn như một thú tao nhã do đó miếng ngon Hà Nội đã trở thành sức hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu.

Đến cái mặc, cách ở, rồi đến cách đi lại cũng thể hiện sự tài hoa và tinh tế đi vào thơ, ca, nhạc họa. Trong đó tác phẩm “Thăng Long thành hoài cổ” của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan đã khắc họa cách đi lại của người Hà Nội rất riêng, một nét không hỗn độn xô bồ, lịch thiệp: “Lối xưa xe cộ hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Người Hà Nội biết cách giao tiếp, ứng xử với nhau trong giao thông. Họ biết nhún mình, tôn trọng người khác, mềm mỏng “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Văn hóa đẹp nhất của Hà Nội có thể nói đến văn hóa giao tiếp giữa người với người. Người Tràng An trong văn hóa giao tiếp có sự tôn trọng, nhã nhặn, hiếu khách nhưng có sự chừng mực, không xô bồ, không khách khí. Điều đó được thể hiện ở trong công sở, trong giao thông, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy, dù không phải sinh ra ở Hà Nội nhưng nhiều người vẫn dành cho Hà Nội một tình cảm đặc biệt, một tình yêu khó có thể nói thành lời.

Không chỉ vậy, người Hà Nội có thêm một vẻ đẹp nữa là giao tiếp giữa con người với cảnh vật. Họ biết nâng niu trân trọng vẻ đẹp của một thoáng thu sang, một thoáng lá vàng bay hay một tiếng chim kêu… Bất kì cảnh sắc nào của Hà Nội cũng làm xao động, tạo nên một chất thơ. Và người Hà Nội cũng rất hào phóng mở rộng lòng đón nhận những cảm xúc đó của thiên nhiên. Bởi Hà Nội chính là Thành phố hòa bình mang đậm vẻ đẹp có chiều sâu của những giá trị văn hóa “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Nhưng nếp sống, lối sống không phải là bất biến, văn hóa của người Hà Nội cũng nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, nằm trong quy luật kế thừa, giao lưu và tiếp biến. Có một câu hỏi khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, đó là những giá trị chuẩn mực của văn hóa Tràng An có còn được như xưa, hay còn lại là bao nhiêu. Phải thừa nhận rằng Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có rất nhiều những biến đổi. Có cái thay đổi theo chiều hướng tích cực, có cái thay đổi không tích cực. Tuy nhiên Hà Nội cũng có một màng lọc tự nhiên rất tinh tế, chính những tinh hoa, sự thanh lịch đã giúp cho người Hà Nội chọn lọc, tiếp nhận những giá trị phù hợp với mình. Chính những văn hóa nội sinh, đặc trưng của Hà Nội đã biến đổi những giá trị bên ngoài du nhập vào để những văn hóa lâu đời của Hà Nội ngày càng được bồi đắp thêm. Hà Nội thâu hóa các giá trị của vùng miền và làm giàu lên cho chính mình. Do đó, Hà Nội vẫn là Thủ đô của các làng nghề truyền thống; của hơn 1000 lễ hội, của các trung tâm văn hóa - giáo dục,… Đồng thời, Hà Nội cũng là Thủ đô đang vươn lên mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa. Sự kết hợp hài hòa của đô thị xưa với đặc trưng là 36 phố phường với đô thị hiện đại trở thành nét đặc trưng không nơi nào có được như ở Hà Nội.

Đến nay, cư dân Hà Nội có sự thay đổi về cơ bản. Người Hà Nội gốc có lẽ không còn nhiều, nhưng bất kì ai sống ở Hà Nội đều là công dân của của mảnh đất này. Tất cả đều phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn tinh hoa của văn hóa Hà Nội. Muốn làm được điều đó thì trước hết chúng ta phải học cách ứng xử thật tốt, với chính mình, mọi người và với xã hội. Đặc biệt là phải biết trân trọng những hệ giá trị tốt đẹp, đắp xây góp phần làm cho Hà Nội đẹp hơn, xanh sạch, trở thành nơi đáng sống.

Bà Nguyễn Mai Anh - Chuyên viên Ban tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội:

Tuổi trẻ Thủ đô hòa nhập nhưng không hòa tan

Để hoa nhài mãi ngát hương
Bà Nguyễn Mai Anh

Hà Nội là trái tim của cả nước. Nét đặc trưng nhất làm nên thương hiệu văn hóa của Hà Nội là nếp sống thanh lịch văn hóa, giản dị nhưng rất tinh tế. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, nét thanh lịch của người Tràng An còn được thể hiện ở sự nhạy bén chấp nhận khoa học công nghệ, những tiên tiến trong văn hóa quốc tế.

Đứng trước những công nghệ hiện đại, những nét văn hóa độc đáo của các quốc gia trên thế giới, người Hà Nội không quay lưng mà đưa chúng trở thành một phần của cuộc sống để tạo nên sự đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận, người Hà Nội luôn giữ cho mình những giá trị cốt lõi để hòa nhập nhưng không hòa tan, mở cửa đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới nhưng không đánh mất đi những nét đẹp vốn có của ông cha để lại.

Là một nữ thanh niên trẻ Thủ đô, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Tràng An. Chúng ta đang ở trong cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”, các luồng thông tin tác động đến người trẻ hàng ngày, hàng giờ, nhất là với bộ phận thanh niên, do đó, để gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, bản thân những người trẻ phải hiểu được đâu là giá trị văn hóa truyền thống mà mình cần phải gìn giữ, đâu là các giá trị văn hóa tiên tiến ở các quốc gia khác, những vùng lãnh thổ khác mà mình có thể tiếp nhận được nhưng sẽ dung hòa văn hóa để hòa nhập nhưng không hòa tan. Dù bạn có đi đâu, làm gì nhưng vẫn phải khẳng định được nét khác biệt và đặc biệt của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Cùng đó, việc gìn giữ nét văn hóa thanh lịch không chỉ là việc của thế hệ trẻ mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Thời gian tới, các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc Thành phố và các đoàn thể chính trị xã hội cần tiếp tục phối hợp, từ đó đưa ra các biện pháp cụ thể hóa việc gìn giữ văn hóa truyền thống phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Trước kia, chúng ta có thể thông qua các hội thảo tìm hiểu về nét đẹp của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi, nhưng trong thời đại hiện nay cần sự ứng dụng khoa học công nghệ vào trong việc truyền tải, gìn giữ những giá trị trên. Chúng ta có thể mở các cuộc thi trực tuyến; cuộc thi sân khấu hóa; xây dựng ứng dụng, phần mềm để người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung và bạn bè quốc tế thông qua đó tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống, từ đó đưa những nét đẹp thanh lịch của người Tràng An mãi trường tồn với thời gian.

Ông Vũ Ngọc Thân - Đảng viên phường Trung Liệt, quận Đống Đa:

Cư xử đúng mực gìn giữ nét thanh lịch người Tràng An

Để hoa nhài mãi ngát hương
Ông Vũ Ngọc Thân

Năm 1989, tôi mới bắt đầu lên Hà Nội công tác. Do đặc thù công việc, tôi có dịp đi qua rất nhiều khu phố, con ngõ nhỏ chật chội, nhưng ấm áp thương yêu của Hà Nội. Nơi đó có chiếc loa phường cũ kĩ hàng ngày vang lên những thanh âm đầy tự hào, nhưng cũng đầy nhớ nhung khắc khoải: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”... Nơi đó có cây bàng già lá đỏ vẫn cần mẫn bốn mùa luân chuyển thay lá, hứng chịu bao nếp bụi thời gian bên vệ đường. Nơi có những con người bình dị, sống tình cảm chan hòa, vẫn giữ được những nét đẹp của người Hà thành xưa. Dưới tán bàng bình yên ấy, bác thợ già làm nghề cắt tóc đã mấy chục năm nay, hiền từ ấm áp mỉm cười với tất cả mọi người, đuôi mắt bác đã hằn in nhiều nếp nhăn của những vệt thời gian nhọc nhằn xuôi ngược...

Vậy mà cũng đã hơn 30 năm học tập và công tác ở mảnh đất này, với tôi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình vậy. Chỉ tiếc rằng, bây giờ Hà Nội không còn giữ được nhiều những nét quyến rũ mà bây giờ chỉ còn gợi lại những hoài niệm trong các bài hát về mùa thu của Trịnh Công Sơn, Phú Quang…

Hiện nay, bối cảnh và tình hình thế giới cũng như trong nước đã có nhiều thay đổi, sự hội nhập mang tính toàn cầu và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đã và đang tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của văn hóa nước ta. Người Hà Nội đích thực vẫn vừa thanh lịch vừa thông minh, sắc sảo hơn. Nhưng trong quá trình “mở cửa” cùng không ít những sản phẩm văn hoá “lạ” du nhập vào Thủ đô ta, làm xuất hiện không ít những lối sống kém văn hoá, xoá đi nét đẹp của con người ở đất Kinh kì.

Nhận diện những thách thức và xu thế phát triển của văn hóa Việt Nam sẽ giúp chúng ta định hình được hướng đi phù hợp trong thời kỳ mới. Để gìn giữ những truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người, tuỳ thuộc vào sự cố gắng để trở thành người Tràng An thanh lịch. Trong gia đình, chúng ta cần kính trọng người trên, nhường nhịn kẻ dưới. Trong quan hệ với hàng xóm, láng giềng, mỗi người đều cần tôn trọng lẫn nhau, cần cư xử đúng mực ăn nói, hành động lịch sự, nhã nhặn... Cả hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn những hành động đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt, những việc làm hay vì cộng đồng... chúng ta thế hệ con cháu cần phải giữ gìn nét thanh lịch của ông cha để lại và hơn thế nữa là những truyền thống, phong tục tốt đẹp, không để những nét đẹp truyền thống phôi phai dần theo ngày tháng.

Bà Đoàn Thị Quỳnh Nga - Thạc sĩ ngành Truyền thông Marketing (du học sinh tại Vương quốc Anh):

Mang niềm tự hào về mảnh đất Thăng Long đi đến mọi nơi trên thế giới

Để hoa nhài mãi ngát hương
Bà Đoàn Thị Quỳnh Nga

Mảnh đất Kinh kỳ Thăng Long đã 1010 năm tuổi. Trải qua quãng thời gian rất dài ấy, một kinh thành xưa và những con người của mảnh đất Rồng thiêng ấy đã xây dựng cho mình một phong thái rất riêng – hào hoa, thanh lịch.Đến nay, mặc dù dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi, có những vội vã, bon chen thì người Hà Nội vẫn cố gắng gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch trong nếp sống hàng ngày. Tôi đã có dịp ghé qua nhiều gia đình người Hà Nội gốc, sự nề nếp, chất văn hóa vô cùng tự nhiên đã ngấm sâu vào máu của mỗi thành viên trong gia đình, rồi được truyền từ đời này sang đời khác.

Chính điều này đã khiến cho chúng tôi, những người con của Hà Nội khi tạm rời xa mảnh đất thân thương lòng luôn khắc khoải nhớ đến những truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ người Hà Nội đã gây dựng và lan tỏa. Mặc dù đã có cơ hội đến nhiều đất nước trên thế giới, đặt chân đến nhiều Thủ đô với những nền văn hóa khác nhau, nhưng thẳm sâu trong tim tôi vẫn luôn khắc khoải tình yêu quê hương, nỗi nhớ nhung Hà Nội thâm trầm và đầy cổ kính.

Sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, mở cửa với bạn bè năm châu nhưng chúng tôi cũng không quên phổ biến văn hóa dân tộc cho bạn bè quốc tế. Tôi đã mang câu chuyện về văn hóa đậm nét của Hà Nội 36 phố phường với những chiếc xích lô leng keng, câu chuyện về những di tích, về người Hà Nội kiên cường trong các cuộc chiến cho những người bạn quốc tế.Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mặc dù ở xa nhưng du học sinh Việt Nam vẫn cố gắng tổ chức một cái Tết ấm cúng có sắc đào Nhật Tân, bày biện một mâm cỗ với đầy đủ món ăn truyền thống để mọi người hiểu hơn về ẩm thực cầu kì, tinh tế của người Kinh kì. Và trong tương lai, thông qua các phương tiện hiện đại, chúng tôi mong muốn lan tỏa hơn nữa những hình ảnh của Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại đến đông đảo bạn bè quốc tế hơn.

Thiết nghĩ, chúng ta đang tiến gần đến đại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội, mỗi người, dù là sinh ra và lớn lên ở đâu, nếu đã mang trong mình tình yêu với Hà Nội, chúng ta cũng cần biết trân trọng và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn truyền thống thanh lịch của Thủ đô có nghìn năm văn hiến. Là những người trẻ tuổi, mang trong mình trái tim nhiệt huyết và khát khao đóng góp sức mình cho xã hội, thế hệ trẻ sẽ tiên phong làm điều đó.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng:

Gìn giữ, phát huy nét đẹp trong từng lời ăn, tiếng nói

Để hoa nhài mãi ngát hương
Bà Nguyễn Thị Kim Chi

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” – Không phải tự dưng câu tục ngữ trên lại xuất hiện trong những cuốn sách giáo dục cho trẻ em khi các em còn nhỏ. Những điều trên luôn đúng với mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, dạy cho chúng ta biết ứng xử đúng mực với những người xung quanh.

Đối với người Hà Nội xưa, việc rèn lời ăn, tiếng nói luôn được coi trọng. Theo đó, ngay từ nhỏ, những giá trị đạo đức đã được các gia đình rèn luyện cho các con. Những đứa trẻ sẽ được dạy cách tôn trọng ông bà, cha mẹ từ khi mới học nói, ngay cả trong những bữa cơm hàng ngày, các con cũng phải học cách mời chào ông bà, cha mẹ và các anh chị em trong nhà để thể hiện sự kính trọng.

Nét đẹp trong lời ăn, tiếng nói của người Tràng An không chỉ được thể hiện ở trong phạm vi gia đình mà còn được thể hiện trong cách đối nhân xử thế. Với quý khách phương xa, người Tràng An thể hiện sự mến trọng. Trong những cuộc trò chuyện, người Tràng An phải suy xét trong từng câu nói, từng hành động để không phạm húy với người đối diện.

Cùng với nét đẹp trong việc tôn trọng giữ gìn nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử người Tràng An cũng rất coi trọng ý tứ trong khi ăn uống. Người Việt xưa thường có câu “Ăn trông nồi/ Ngồi trông hướng” nhằm răn dạy cho con cháu về việc giữ gìn ý tứ khi ăn. Khi ngồi cùng một mâm cơm, các thành viên trong gia đình phải biết kính trên nhường dưới; biết nhường biết nhịn; nhai nuốt từ tốn, trông trước nhìn sau; phải biết cùng nhau tạo dựng không khí ăn uống đầm ấm, chan hòa, vui vẻ...

Tuy nhiên, hiện tại, những nét đẹp trong lời ăn tiếng nói của người Tràng An đang ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Tình trạng con cái buông lời sỗ sàng, bất kính với ông bà, cha mẹ cũng đã xuất hiện. Với đặc trưng là nơi cư trú của nhiều dân cư ở các tỉnh thành khác nhau nên việc gìn giữ gìn nét đẹp tinh hoa của người Tràng An cũng thêm phần khó khăn.Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, trong xã hội hiện đại ngày nay, cha mẹ vẫn luôn là tấm gương phản chiếu cho các con. Nếu như trong các gia đình, phụ huynh không tôn trọng nhau, không tôn trọng bề trên thì con cái ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, để nét đẹp trong lời ăn tiếng nói của người Tràng An được gìn giữ và phát huy, mỗi gia đình nên bắt đầu từ cách rèn giũa lời ăn, tiếng nói của từng thành viên trong gia đình, từ đó đưa những nét đẹp trong lời ăn, tiếng nói lan rộng trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống, tạo dựng người Tràng An thanh lịch, văn minh.

P. Ngân- M.Phương- L.Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này