Ẩn họa mất an toàn lao động trên các công trường xây dựng

Kỳ 3: Cần nâng chế tài xử phạt

13:30 | 08/10/2020
(LĐTĐ) Mặc dù đã có nhiều cảnh báo cùng biện pháp ngăn chặn, xử lý, song hiện nay, tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải có chế tài mạnh để tăng tính răn đe đối với nhà thầu, đơn vị thi công và cơ quan giám sát.
Kỳ 2: Thực trạng đáng báo động Ẩn họa họa mất an toàn lao động trên các công trường xây dựng

Nguyên nhân từ nhiều lỗ hổng

Thời gian gần đây, trên địa trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra tai nạn lao động tại các công trình xây dựng. Trong đó, thương tâm nhất vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào tối 30/7 làm 4 người tử vong. Câu hỏi đặt ra là tại sao dù thấy trước được những hậu quả đau lòng do mất an toàn lao động tại các công trường xây dựng nhưng các vụ tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra.

Kỳ 3:  Cần nâng chế tài xử phạt
Người nhà nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại số 16 Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: Lê Thắm)

Theo ông Tạ Văn Dưỡng (Trưởng ban Chính sách pháp luật – Liên đoàn Lao động Hà Nội), Hà Nội đang trong giai đoạn thị hoá cao, tốc độ xây dựng nhiều. Trước đây chỉ xây dựng nhà 2-3 tầng thì nguy cơ tai nạn lao động thấp, nhưng nay xây dựng những nhà 40-60 tầng thì rõ ràng nguy cơ ngày càng gia tăng.

Ông Dưỡng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động trong ngành xây dựng nói riêng và trong lĩnh vực khác nói chung, phần lớn do chủ sử dụng lao động là các doanh nghiệp, nhà thầu, chưa thật sự nhận thức đúng và quan tâm công tác giám sát, huấn luyện, trang bị kiến thức về an toàn lao động.

Thực tế, phần lớn người lao động hiện nay chưa được đào tạo bài bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm; Nhiều người không biết cách sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dẫn đến xem thường những quy định bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, việc chưa phân chia rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến đên tình trạng mất an toàn xây dựng trong lĩnh vực xây dựng chưa được khắc phục.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đầu tiên đối với việc đảm bảo an toàn trong thi công công trình xây dựng thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Bởi trước khi khởi công, thi công xây dựng công trình, nhà thầu sẽ tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

Bên cạnh đó, nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; nhà thầu có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường.

Trong quá trình thi công, nhà thầu có ban quản lý, tổ giám sát yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế việc xác định cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vụ tai nạn giao thông gây chết người do thi công công trình lại là vấn đề nan giải. Hơn nữa, luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cụ thể chứ không phải với pháp nhân (công ty, tổ chức) trong khi tại các công trình việc phân chia trách nhiệm thường không được rõ ràng.

“Có khá nhiều những vụ tai nạn do nhà thầu xây dựng làm ẩu, vô trách nhiệm gây ra nhưng hầu như những vụ việc trên đều bị “chìm xuồng”, chỉ dừng lại ở việc bồi thường dân sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng gia tăng” – ông Dưỡng cho biết.

Xử nặng để tăng tính răn đe

Kỳ 3:  Cần nâng chế tài xử phạt
Theo các chuyên gia cần phải nâng chế tài xử phạt để hạn chế tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng. (Ảnh: Lê Thắm)

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, theo các chuyên gia, hiện nay, chính sách bồi thường về an toàn lao động ở nước ta vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, theo luật sư Bùi Thế Vinh, Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai thi công. Nhưng Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

“Mức quy định này chưa đủ răn đe đối với những đơn vị nhà thầu thi công, vì 30 tháng tiền lương chỉ tương ứng với trên 100 triệu đồng. Nếu quy định phải bồi thường từ 2 – 3 tỷ đồng/vụ việc, tôi cho rằng, đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm hơn đối với việc đảm bảo an toàn lao động” – luật sư Bùi Thế Vinh phân tích.

Cùng đó, theo Luật sư Vinh, ngoài tăng mức bồi thường các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, không để doanh nghiệp bưng bít thông tin, đẩy người lao động vào thế bị động, nguy hiểm. Khi xảy ra tai nạn phải tiến hành khởi tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Phương Loan, Văn phòng Luật sư Phạm Hải cho rằng, ngoài việc nâng cao chế tài xử phạt đối với đơn vị thi công công trình, cũng cần phải xử lý mạnh tay hơn đối với những cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động xây dựng. “Luật Xây dựng cũng đã phân quyền cho Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân hành chính cấp quận, huyện ở các tỉnh, thành phố. Vì vậy, để xảy ra những sự việc trên, rõ ràng Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện cũng phải chịu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước trên địa bàn hành chính của mình, theo phân cấp” – Luật sư Loan chia sẻ.

Có thể thấy, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động. Bên cạnh những lỗ hổng từ phía người sử dụng lao động và các đơn vị liên quan thì sự chủ quan lơ là của chính bản thân thân người lao động cũng là một nguyên quan trọng đẩy tình trạng tai nạn lao động gia tăng. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý các nguyên nhân xuất phát từ phía chủ sử dụng lao động, thì bản thân người lao động phải tự ý thức, trang bị đầy đủ cho bản thân những kiến thức về an toàn lao động. Có như vậy, tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng mới được được kìm chế, giảm thiểu.

Để góp phần chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân bị ảnh hưởng do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, năm 2019 Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, trao trợ cấp cho 236 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mỗi suất quà trợ cấp trị giá từ 500.000 đồng - 1.500.000 đồng.

Các công đoàn cơ sở cũng phát động phong trào ủng hộ giúp đỡ những nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức thăm hỏi động viên 1.748 trường hợp công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại đơn vị với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Liên đoàn Lao động thành phố tổ cũng đã tổ chức thăm, trao trợ cấp cho hàng trăm công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt ngay sau khi vụ sập giàn cẩu tại số 16 Nguyễn Công Trứ xảy ra, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức tới động viên, chia sẻ đồng thời trao hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân số tiền 3.000.000 đồng Thành phố.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này