75 năm ngành Khí tượng thủy văn:

Phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa

21:09 | 01/10/2020
(LĐTĐ) Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, với mục tiêu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, ngành Khí tượng thủy văn đã không ngừng vươn lên, phục vụ ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Nội: Trao hai giải báo chí về xây dựng Đảng và phát triển văn hóa lần thứ III-2020 Sôi nổi hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất năm 2020 Quy hoạch điện VIII sẽ tháo gỡ các “nút thắt” trong phát triển điện lực

Nhiều thành tựu nổi bật

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngành đã ban hành khẩu hiệu hành động với ý nghĩa của khẩu hiệu là “thống nhất - chính xác - liên tục - tin cậy - kịp thời” nhằm thể hiện cam kết của ngành trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội và từng người dân về việc tăng cường quản lý nhà nước hoạt động khí tượng thủy văn, phục vụ hiệu lực, hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai.

Phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa
Ảnh cắt rada Quy Nhơn (Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp)

Với những chiến lược, kế hoạch hành động quyết liệt, bám sát thực tiễn đã từng bước tạo ra những đột phá trong toàn ngành. Trong đó, mạng lưới quan trắc được mở rộng, đổi mới công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, làm chủ công nghệ phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển bền vững. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đã thực sự là cơ sở dữ liệu “đầu vào” cho hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.

Cụ thể, từ mạng lưới trạm khí tượng thủy văn thưa thớt, xuống cấp, đến nay đã có 579 trạm, điểm đo, trong đó có 233 trạm thủy văn, 176 trạm khí tượng, 17 trạm hải văn, 155 trạm/điểm đo môi trường không khí và nước, hàng trăm điểm đo mưa nhân dân; mạng lưới trạm khí tượng cao không với 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ôzôn - bức xạ cực tím và 7 trạm rada thời tiết trải khắp mọi miền đất nước từ vùng biên giới, núi cao đến hải đảo xa. Hệ thống công trình đo đạc, nhà cửa của nhiều trạm đã được kiên cố hóa, máy móc, thiết bị lạc hậu được loại bỏ và đang tập trung hiện đại hóa công nghệ thiết bị chuyên ngành mới.

Đặc biệt, chất lượng các bản tin dự báo không ngừng được nâng cao, đã dự báo tương đối sát, kịp thời các cơn bão và các đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; cảnh báo trước 48-72h các đợt không khí lạnh, nhiều đợt rét đậm, rét hại; dự báo sát mực nước đỉnh lũ, mực nước kiệt trên các sông trong cả nước và xâm nhập mặn các cửa sông vùng ven biển.

Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chiến lược, đề án, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2020; Đề án hiện đại hoá công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, giai đoạn 2010-2012. Đặc biệt, ngày 23/11/2015, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua Luật khí tượng thủy văn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Đến nay, ngành Khí tượng thủy văn đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước về công tác khí tượng thủy văn.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học có bước phát triển mạnh. Đáng chú ý là kết quả nghiên cứu dự báo bằng phương pháp số trị và ra các bản tin dự báo, thông báo về dự báo khí hậu, dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và môi trường, cụ thể như: mô hình số trị dự báo thời tiết được áp dụng để dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và dự báo thời tiết hàng ngày; áp dụng các mô hình dự báo khí hậu khác nhau để ra các thông báo và dự báo khí hậu hàng tháng; xây dựng quy trình dự báo và vận hành công trình phòng chống lũ trong trường hợp khẩn cấp…

Tiến tới mục tiêu xã hội hóa ngành Khí tượng thủy văn

Cùng với những kết quả đã đạt được, ngành Khí tượng thủy văn gặp khó khi thực hiện công tác điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu khí tượng thủy văn, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật chưa đồng bộ, mạng lưới trạm quan trắc còn thưa nên nguồn số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, mô hình dự báo chuyên dùng cho Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện do đó việc cải tiến và đa dạng hóa bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa

Quan trắc viên trạm Thủy văn cấp Hồi Xuân quan trắc mực nước (Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp)

Hơn nữa, nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới chưa thực hiện được như dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể; việc thu nhận số liệu hồ chứa từ các chủ hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn vùng hạ du hồ còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Chia sẻ về những mục tiêu được ngành đặt ra trong chặng đường tiếp theo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái cho biết với vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, đầu tư cho ngành Khí tượng thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong giai đoạn sắp tới, ngành sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Với định hướng đó, ngành Khí tượng thủy văn lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời, ngành tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác tài nguyên và môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Khí tượng thủy văn đặt mục tiêu đưa ra những chính sách kêu gọi sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong công tác khí tượng thủy văn, từ đó, tạo ra thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, làm sao tiến tới mục tiêu quan trọng là xã hội hóa ngành Khí tượng thủy văn.

Ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính với tên gọi Sở Khí tượng, với ý nghĩa lịch sử đã được xác định ngày 17/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hàng năm là “Ngày Truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này