Chưa đủ căn cứ nói chương trình lớp 1 nặng

16:30 | 01/10/2020
(LĐTĐ) Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 diễn ra vào ngày 30/9, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin trả lời báo chí về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 năm học 2020 - 2021 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Tập trung kiểm tra công tác thu, chi đầu năm học Thanh tra, kiểm tra việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo Không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo

Việc thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1

Thông tin về việc chuẩn bị sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Nam cho biết: Từ năm học 2020 - 2021, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai đối với lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu ở những năm học tiếp theo. Chuẩn bị cho triển khai chương trình trong năm học 2021 - 2022, thời gian qua, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

cong-bo-gia-sach-giao-khoa-lop-1-truoc-ngay-1522020
Từ năm học 2020 - 2021, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai đối với lớp 1.

Sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 Nhà xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, có 33 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn Toán có 4 bản mẫu, môn tự chọn Tiếng Anh có 8 bản, các môn còn lại (Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm) mỗi môn có 3 bản mẫu.

Đối với lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được 43 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc và bản mẫu sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 6 bản mẫu, Tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu sách giáo khoa.

Thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Hiện nay, việc thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1. Các Nhà xuất bản đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Dự kiến thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).

Chưa đủ căn cứ nói chương trình lớp 1 nặng

Tại họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nhiều phụ huynh có con học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ trên các diễn đàn cho rằng chương trình quá nặng. Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ phía các nhà khoa học, cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Chưa có căn cứ nói chương trình lớp 1 nặng
Ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời tại họp báo.

Theo ông Thái Văn Tài, hiện nay chúng ta đang triển khai chương trình lớp 1 mới. Chương trình có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho một năm học. Trong chương trình lớp 1 có 9 môn học thì đều quy định chuẩn đầu ra cho từng môn khi kết thúc năm học. Ví dụ đối với môn Tiếng Việt, sau lớp 1, các em đọc được 1 phút là bao nhiêu từ, viết 1 phút được bao nhiêu từ, đọc hiểu như thế nào... Để đạt được chuẩn đó, chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt lớp 1 là 420 tiết. Tất cả 5 bộ sách giáo khóa lớp 1 được biên soạn dựa trên khung thời lượng ấy, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đưa đến những đích đó.

Ông Thái Văn Tài cũng lưu ý, đối với với lớp 1, chương trình có một điều chỉnh dựa trên quan điểm là hoàn tất lớp 1 sẽ cố gắng để học sinh có thể đọc thông, viết thạo và xem như đó là điều kiện để các em có thể học tốt các môn học khác. Do đó, dù kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành, nhưng môn Tiếng Việt lớp 1 đã tăng thời lượng lên 420 tiết (chương trình hiện hành là 350 tiết). Nếu phụ huynh có con học lớp 1 năm ngoái rồi năm nay lại có con học lớp 1 sẽ dễ có tâm lý so sánh, từ đó đánh giá chương trình nặng.

“Khi ban hành chương trình, chúng ta đã trải qua rất nhiều công đoạn với quy trình chặt chẽ trước khi ban hành; trong đó có thực nghiệm, lấy ý kiến và được Hội đồng quốc gia công bố. Hiện tại chương trình đang triển khai những năm đầu tiên. Mới bước đầu mà đã đưa đưa ra nhận định cho rằng chương trình, sách giáo khoa mới nặng là chưa đủ căn cứ” - ông Thái Văn Tài chia sẻ.

Cũng theo ông Thái Văn Tài, trong chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra một nội dung bắt buộc khác với chương trình trước đây đó là có sự phát triển, điều chỉnh chương trình trong quá trình thực hiện. Có nghĩa rằng trong quá trình triển khai chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe phản biện những việc phát sinh diễn ra trong thực tế. Khi có đủ những giai đoạn, đầy đủ các căn cứ khoa học và có đánh giá đầy đủ nhiều mặt, lúc đó sẽ đánh giá tổng kết lại để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình triển khai.

"Nhận định chương trình lớp 1 nặng đưa ra lúc này chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ để chúng ta đánh giá" - ông Thái Văn Tài khẳng định.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này