Nhóm cựu cán bộ Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn lập quỹ trái phép lĩnh án

18:21 | 30/09/2020
(LĐTĐ) Ngày 30/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt đối với nhóm cựu cán bộ Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn vì tội “Lập quỹ trái phép”.
Đẩy mạnh phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong Công an nhân dân Án tử cho nghịch tử giết mẹ, truy sát bố và em trai Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

Sau 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Khắc Hiệp (cựu Trưởng Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và Lê Xuân Hoàng (cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán) 4 năm tù vì tội Lập quỹ trái phép. Nguyễn Mạnh Tấn (nhân viên Phòng Tài chính kế toán) nhận 2 năm tù vì cùng tội danh.

Về dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Trần Khắc Hiệp phải có trách nhiệm bồi thường 10 tỷ đồng, bị cáo Lê Xuân Hoàng phải bồi thường hơn 9,2 tỷ đồng cho PVN.

Nhóm cựu cán bộ Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn lập quỹ trái phép lĩnh án
Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: M.T)

Theo cáo trạng, Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong giai đoạn từ năm 2008 - 2011, Tôn Anh Thi giữ chức Trưởng ban Quản lý dự án và từ năm 2011, bị cáo Trần Khắc Hiệp làm Trưởng ban. Theo đó, PVN giao Ban Quản lý dự án xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Để thực hiện xây dựng, Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ký hợp đồng với các nhà thầu phụ. Những hợp đồng này được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017 với tổng giá trị hơn 1.948 tỷ đồng.

Trước khi trả tiền cho các nhà thầu phụ, Tôn Anh Thi và Trần Khắc Hiệp đã lấy 1.600 tỷ đồng từ nguồn trên và 50 tỷ đồng khác từ PVN rót xuống để gửi vào Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội tại Thanh Hóa (MB Thanh Hóa) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương chi nhánh Thanh Hóa (OceanBank Thanh Hóa).

Qua đây, các ngân hàng này trả cho Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn hơn 20 tỷ đồng lãi suất không kỳ hạn nhưng Tôn Anh Thi và 3 bị cáo nêu trên đã bỏ ngoài hệ thống sổ sách kế toán để chi tiêu.

Cụ thể, cơ quan chức năng xác định, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2011, Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn thu hơn 1,1 tỷ đồng tiền lãi tại MB Thanh Hóa nhưng chỉ có hơn 300 triệu đồng được hạch toán đúng quy định, hơn 813 triệu đồng còn lại bị để ngoài sổ sách.

Trong thời gian từ năm 2011 - 2015, khi Trần Khắc Hiệp lên làm Trưởng ban, Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục nhận hơn 14,8 tỷ đồng tiền lãi từ MB Thanh Hóa và các bị cáo trong vụ án vẫn để ngoài sổ sách, tự ý chi tiêu hơn 14,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn Trần Khắc Hiệp còn gửi hơn 300 tỷ đồng của Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào OceanBank Thanh Hóa, thu hơn 6 tỷ đồng tiền lãi. Trong đó, có hơn 1,3 tỷ đồng được chuyển về tài khoản của Ban Quản lý dự án, còn hơn 4,7 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Lê Xuân Hoàng.

Tại tòa, các bị cáo Hiệp, Hoàng khai đã dùng hơn 19,2 tỷ đồng nói trên cho công tác đối nội, đối ngoại của Ban Quản lý dự án và chi cho một số lãnh đạo, cán bộ các đơn vị liên quan việc xây dựng.

Còn bị cáo Tấn kêu oan, cho rằng bản thân không bàn bạc, thỏa thuận hoặc được hưởng lợi từ việc gửi tiền vào ngân hàng rồi nhận lãi ngoài. Việc nhận, giữ và chi tiền bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Luật sư của bị cáo Tấn nêu quan điểm, thân chủ của mình không thể là đồng phạm với Hiệp và Hoàng vì không bàn bạc, hưởng lợi hoặc biết nguồn gốc số tiền lãi từ đâu mà có.

Đồng thời theo Luật sư, Cơ quan điều tra chưa xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để phát sinh nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong tài khoản của Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn suốt thời gian dài, dẫn đến các hành vi vi phạm của các bị cáo. Vì vậy, Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra làm rõ ai là người chỉ đạo việc thực hiện giao tiền lãi cho bị cáo Tấn? Ai là người trực tiếp liên hệ, đàm phán với ngân hàng để gửi tiền có kỳ hạn?

Qua làm việc, Hội đồng xét xử nhận định các bị cáo trong vụ án có hành vi gửi tiền nhà nước vào ngân hàng để lấy lãi rồi tự ý chi tiêu, không hạch toán vào sổ sách. Việc này vi phạm quy định về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho nhà nước... Trong đó, bị cáo Trần Khắc Hiệp là người chỉ đạo, trực tiếp ký 66 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và 13 Văn bản thỏa thuận gửi tiền với OceanBank Thanh Hóa, nên bị cáo Hiệp giữ vai trò chính trong vụ án.

Bị cáo Lê Xuân Hoàng đã có hành vi bàn bạc, thống nhất với Trần Khắc Hiệp sử dụng 1.550 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn thanh toán và 50 tỷ đồng do PVN cấp để gửi có kỳ hạn tại MB Thanh Hóa và OceanBank Thanh Hóa lấy tổng số tiền lãi là hơn 19,2 tỷ đồng để chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn, Hội đồng xét xử xác định không được bàn bạc nhưng đã tiếp nhận ý chí từ cấp trên trong việc thực hiện hành vi vi phạm. Tấn là nhân viên kế toán có nhiệm vụ theo dõi các khoản từ ngân hàng, trực tiếp nhận hơn 6 tỷ đồng tiền lãi rồi quản lý theo chỉ đạo của Hiệp và Hoàng nên vai trò của Tấn trong vụ án này là đồng phạm tham gia giúp sức. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo Tấn cũng như quan điểm bào chữa của luật sư.

Còn ông Tôn Anh Thi, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Thi có hành vi lập quỹ trái phép, tuy nhiên quá trình điều tra xác định, ông Thi đã dùng 813 triệu đồng để chi cho hai gia đình nạn nhân bị thiệt mạng khi giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Thanh Hóa. PVN cũng xác nhận ông Thi có báo cáo phù hợp với quy chế.

Mặt khác, toàn bộ tiền lãi hơn 1 tỷ đồng từ 15 hợp đồng tiền gửi do ông Thi ký đã được ông này nộp khắc phục toàn bộ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có quyết định đình chỉ bị can đối với ông Tôn Anh Thi. Do vậy, Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm của ông này.

Mộc Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này