Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại

21:32 | 24/09/2020
(LĐTĐ) Nhằm đánh giá lại những tác động tích cực của Chương trình 06-CTr/TU của thành phố Hà Nội đối với những đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô trong thời gian vừa qua, ngày 24/9, Báo Hà Nội mới phối hợp cùng Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại”.
Đừng để Hà Nội đơn điệu trong những mảnh ghép... bê-tông Quyết liệt hơn trong khâu quy hoạch, quản lý! Trao thưởng 2 giải báo chí của thành phố Hà Nội lần thứ III vào ngày 29/9

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng biên tập báo Hà Nội mới cho biết, sau 5 năm triển khai, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020” đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp diện mạo Thủ đô ngày càng, sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn, khang trang, hiện đại hơn.

Cụ thể, trong công tác quy hoạch, thành phố đã phê duyệt được 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, với tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83% theo diện tích là 86%. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hoàn thành nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng, phục vụ kết nối giao thông Thủ đô với các tỉnh lân cận, cũng như hoàn thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của đô thị trung tâm, diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội đã tăng thêm khoảng 0,3 % diện tích đất đô thị mỗi năm.

Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại"

Thực hiện tốt công tác giữ gìn và cải thiện môi trường để đô thị phát triển bền vững, thành phố đã đầu tư hệ thống các trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường khu xử lý rác thải, nước thải, không khí, tiếng ồn; từng bước hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, khói, bụi, môi trường nước tự động tại các khu vực ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao để nâng cao năng lực dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về môi trường. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn ở khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt 90%, tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%...

Công tác chỉnh trang đô thị được thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ, cùng với nguồn vốn từ ngân sách, các đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư. Việc cấp phép xây dựng và công tác quản lý theo quy hoạch đã có nhiều chuyển biến, phù hợp với tình hình thực tế. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép và không theo quy hoạch nhìn chung được kiểm soát tốt. Nếu như trong nhiệm kỳ trước tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng là 18% thì đến 6 tháng đầu năm 2020, con số này chỉ còn 2,25%. Cùng với việc đã trồng được 1,6 triệu cây xanh mới, vượt mục tiêu 600.000 cây xanh, chuyển biến trong công tác quản lý trật tự đô thị là những nét nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. Những kết quả này đã góp phần xây dựng bộ mặt thành phố Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại, xứng đáng với vị thế là Thủ đô của cả nước.

Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin tại buổi tọa đàm.

Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đơn vị thường trực chương trình Chương trình 06-CTr/TU, trong 5 năm 2016-2020, thành phố đã tích cực chỉnh trang bộ mặt đô thị; đã từng bước ngầm hóa các đường dây đi nổi, kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị, đã thực hiện hạ ngầm tại 100% các khu đô thị mới phát triển, tuyến đường mới mở; hoàn thành hạ ngầm các đường dây đi nổi tại 336 tuyến đường, tuyến phố (giai đoạn trước năm 2016 hạ ngầm được 190 tuyến).

Thành phố cũng đã tiếp tục ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong công tác hạ ngầm với 5 tập đoàn, tổng công ty để thực hiện giai đoạn 2021-2025; ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/9/2019 quy định về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị” làm cơ sở các quận, huyện, thị xã thực hiện chỉnh trang hè đường thống nhất, đảm bảo mỹ quan đô thị. Kết quả đó đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo Thủ đô, bộ mặt đô thị đã sạch, đẹp, văn minh hơn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, còn một số tồn tại cần khắc phục như việc phối hợp giữa các nhà thầu trong quá trình triển khai một số đoạn chưa đồng bộ, một số nhà thầu không bảo đảm vệ sinh môi trường khi hoàn trả mặt bằng. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp, đôn đốc khắc phục những tồn tại này; đồng thời phối hợp với liên ngành rà soát việc hạ ngầm kết hợp chỉnh trang các tuyến phố, bảo đảm cảnh quan đô thị, giải quyết các khó khăn vướng mắc, yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đồng tình với ý kiến của đại diện Sở Xây dựng, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay: Về các kết quả trong quá trình triển khai thực hiện, một trong các nhiệm vụ quan trọng liên quan đến ngành Sở Giao thông Vận tải trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đó là tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2020 đạt từ 10-13%.

Dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, ngành Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức khởi công, hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng phục vụ kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, nổi bật là việc hoàn thành 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, 6 dự án công trình giao thông trọng điểm, 12 công trình cầu yếu vượt sông phục vụ an sinh xã hội, lắp đặt mới 35 nút đèn tín hiệu giao thông, nhóm các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, An Dương - đường Thanh Niên, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5…

Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua ngành Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức khởi công, hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng.

Nhiều bãi đỗ xe có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như bãi đỗ xe cao tầng (Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan), bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì… Thành phố đã khởi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình thuộc danh mục các công trình trọng điểm, quan trọng, hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố như: Tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – ga Hà Nội), đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở)….

Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đủ các điều kiện để chuẩn bị khởi công cuối năm 2020 và những năm tiếp theo các đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2,5 và vành đai 3,5; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu qua sông Cầu (kết nối với Bắc Ninh)… Kết quả đạt được như trên được thể hiện rõ nét thông qua chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05% (hết năm 2015 chỉ tiêu này mới chỉ đạt 8,65%) và tăng trưởng trung bình hằng năm đạt tỷ lệ 0,3%.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ liên quan đến phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, xây dựng các quy hoạch, đề án của ngành giao thông vận tải Thủ đô cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được quan tâm đầu tư, mạng lưới được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Trong năm 2015-2020 đã mở mới được 28 tuyến buýt, sản lượng vận chuyển và tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt hằng năm đều tăng bình quân 49,25 triệu lượt.

Về công tác xây dựng hoàn thiện các quy hoạch ngành, Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành phê duyệt và công bố đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tham gia các đồ án quy hoạch chuyên ngành….; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các nghị quyết quan trọng, làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển giao thông vận tải Thủ đô một cách bền vững…

Buổi tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của của các đại biểu quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, Hoài Đức... các Sở Công Thương, Quy hoạch Kiến Trúc về một số vấn đề như: những htay đổi mạnh mẽ của Thủ đô trong thời gian vừa qua, những bài học kinh nghiệm, mô hình, cách làm sáng tạo và kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm tiếp tục triển kkhai có hiệu quả mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô trong thời gian tới. Nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất việc triển khai thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU là một thành công lớn, đưa vào thành tích chung của các đơn vị xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và hoàn thành chỉ tiêu thành phố đã đặt ra.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này