Tăng năng suất lao động bằng những sáng kiến hay

09:16 | 17/09/2020
(LĐTĐ) Xác định phong trào thi đua là động lực thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, đóng góp quan trọng hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khối các doanh nghiệp công ích trong ngành Xây dựng Hà Nội thường xuyên chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của đội ngũ công nhân, người lao động.
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội: Chủ động thực hiện nhiệm vụ “kép” trong tình hình mới
Tôn vinh 100 gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu ngành Xây dựng Hà Nội

Thời gian qua phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” luôn được Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thường xuyên phát động, vận động công nhân lao động tích cực nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất của máy móc, thiết bị, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh và xây dựng được thương hiệu mạnh, bảo đảm đứng vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Đặc biệt, nhiều công đoàn cơ sở đã cụ thể hóa phong trào thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, cùng với doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nhân lao động phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm.

Tăng năng suất lao động bằng những sáng kiến hay
Công nhân công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội thi đua đảm bảo Vệ sinh môi trường thành phố.

Điển hình như Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội luôn có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua nhằm nâng cao trách nhiệm của người lao động, làm ra sản phẩm với năng suất, chất lượng cao. Nhiều phong trào thi đua được công nhân lao động hưởng ứng và đánh giá cao như: Phong trào “thi đua lao động sản xuất hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm”; “Thi đua đảm bảo Vệ sinh môi trường thành phố phục vụ Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước”...

Từ phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và thực tiễn sản xuất, nhiều cá nhân đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn đề xuất nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm trong sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực.

Là tổ trưởng sản xuất khối vệ sinh môi trường, công việc hằng ngày của chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu cùng các tổ viên là thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; duy trì vệ sinh môi trường tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc. Đây là địa bàn trọng điểm có tuyến chợ đêm, phố đi bộ phục vụ người dân những ngày cuối tuần, lại nhiều chợ dân sinh, đông dân cư buôn bán.

Để bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường, đòi hỏi người tổ trưởng phải nhanh nhạy, biết sắp xếp phân công công việc hợp lý, tìm tòi những cách làm mới hiệu quả. Với nhiều năm kinh nghiệm, chị sắp đặt, chia ca, chia nhóm gắn trách nhiệm của các nhóm với từng địa bàn. Bên cạnh đó, chị còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong địa bàn phường được giao quản lý, tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng.

Tổ của chị cũng là một trong những tổ đi đầu khi áp dụng cơ giới hóa sản xuất, thử nghiệm các thiết bị mới nhằm tăng năng suất lao động. Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn chị phụ trách luôn bảo đảm. Với trách nhiệm, với hiệu quả thấy rõ khi vào sáng hôm sau, những con phố của quận Hoàn Kiếm đều sạch đẹp, tập thể Tổ môi trường số 1 nơi chị Hiếu phụ trách luôn được Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Urenco tặng Giấy khen. Bản thân chị Hiếu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội ghi nhận, tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công việc.

Không chỉ Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, mà rất nhiều các công đoàn cơ sở trong ngành Xây dựng Hà Nội như các công ty: TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Thoát nước Hà Nội, Chiếu sáng đô thị, Công viên Cây xanh... đều tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động, giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Cùng với đó, việc phát động các phong trào thi đua, công đoàn cơ sở còn chủ động tham mưu cho chủ doanh nghiệp động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua; phát hiện khó khăn, vướng mắc trong xây dựng quan hệ lao động, hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua đã càng thêm khẳng định thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong công nhân lao động. Qua đó, góp phần quan trọng tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, khẳng định sự sáng tạo đổi mới về nội dung, hình thức trong hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở.

“Ba tháng cuối năm 2020, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn, hướng về cơ sở, tổ chức các phong trào thi đua có hiệu quả. Ban chấp hành công đoàn ngành sẽ tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh”- bà Nguyễn Thị Thanh cho hay./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này