Khởi kiện 175 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

11:35 | 08/09/2020
(LĐTĐ) Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, một trong những nội dung trong chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân và Liên đoàn Lao động Thành phố giai đoạn 2016-2025 là hai bên đã phối hợp chặt chẽ giải quyết tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể và khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội.
175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội được tòa án thụ lý
Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội tăng cao, quyền lợi hàng trăm ngàn lao động bị ảnh hưởng
Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, quyền lợi hàng trăm lao động bị ảnh hưởng
5448 1452 bao hiem xa hoi 2
Doanh nghiệp nếu để nợ tiền bảo hiểm xã hội kéo dài, sẽ bị thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: B.D

Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2020, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy 28 vụ tranh chấp lao động tập thể với hàng chục ngàn công nhân lao động trực tiếp tham gia. Thời gian ngừng việc mỗi cuộc trung bình từ 2 đến 10 ngày, cá biệt có vụ kéo dài trên 01 tháng (Công ty TNHH VMEP).

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động tập thể chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm các quy định pháp luật về chế độ tiền lương, chế độ làm thêm giờ, thời gian làm việc, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền thưởng năm, thưởng Tết không đúng theo cam kết đã ký trong thỏa ước lao động tập thể...

Khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn đã phối hợp với cơ quan Công an, Ban quản lý các khu Công nghiệp và chế xuất, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết vụ việc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thành phố đã phối hợp các Sở, ngành, chính quyền đồng cấp giải quyết 614 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động gửi đến các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn đề nghị can thiệp giải quyết quyền lợi; Phối hợp nắm bắt tư tưởng, vận động công nhân không nghe theo xúi giục, kích động của các thế lực thù địch, tham gia biểu tình gây rối, làm mất tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, đặc biệt vào dịp lễ, Tết và thời điểm Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự luật quan trọng (Luật đặc khu, Bộ luật Lao động sửa đổi…).

Đặc biệt, Hàng năm, các cấp Công đoàn phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã để thực hiện chức năng “Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể” theo điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự và điều 14 Luật BHXH.

Tính đến nay, các cấp Công đoàn Thành phố đã tiếp nhận được 592 bộ hồ sơ của các đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ cơ quan Bảo hiểm xã hội với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức công đoàn, đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội, sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xem xét xử lý hình sự trên 30 doanh nghiệp cố tình nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này