Bài dự thi “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình”

Cải cách thủ tục hành chính tại cơ sở

23:39 | 04/09/2020
(LĐTĐ) Cải cách hành chính là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của Thủ đô Hà Nội.
Xây dựng đội nhóm trí tuệ lan toả ý thức giữ gìn môi trường văn minh
Mở thêm các tuyến xe từ Bờ Hồ đi các điểm đến du lịch của Hà Nội

Qua các hoạt động thực tiễn đi cơ sở và công tác nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ về việc cải cách thủ tục hành chính, tôi nhận thấy mô hình “một cửa” thực hiện tại các quận, huyện trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thỏa mãn nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên trong cơ chế “một cửa” hiện tại vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa phát huy được hết công dụng trong quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, tôi mạnh dạn đề xuất các giải pháp cụ thể như sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm việc ở bộ phận “Một cửa”. Nội dung đào tạo, nâng cao, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay nên bao gồm ba phần:

+ Kiến thức cơ bản: Về công vụ, công chức, đạo đức công vụ, thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công.

+ Kỹ năng hành chính: Kỹ năng giao tiếp hành chính, kỹ năng tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ hành chính. Đây là những kỹ năng thiết thực, như kỹ năng giao tiếp hành chính, từ những khóa huấn luyện này người học là công chức, viên chức có thể biết cách xử lý các tình huống đặt ra trong thực tế, hiểu hơn về giá trị và trách nhiệm của người công chức, viên chức trong nền công vụ phục vụ nhân dân, để từ đó có thái độ và những ứng xử văn hóa, văn minh với công dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

+ Cập nhật kiến thức: Thường xuyên tổ chức các lớp bổ sung kiến thức pháp luật tạo điều kiện để cán bộ, công chức luôn cập nhật được với các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước. Xây dựng năng lực nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho tất cả công chức về kỹ năng rà soát, đánh giá tác động và tính toán chi phí đối với các quy định về thủ tục hành chính.

0824 3626 0909 ky cuong hanh chinh
(Ảnh minh họa: V.G)

+ Cần có chế độ khuyến khích công chức học ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ để nâng cao trình độ. Bên cạnh đó cần tổ chức cho bộ phận này tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những tỉnh làm tốt, có hiệu quả. Đây cũng là hình thức tập huấn đem lại hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Đảm bảo 100% thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được tin học hóa; quy trình từ khâu tiếp nhận, đến khâu giải quyết, thụ lý hồ sơ hành chính và trả kết quả phải được thực hiện hoàn toàn trên mạng máy tính và cung cấp trạng thái giải quyết hồ sơ hành chính để người dân có thể tra cứu, kiểm tra, theo dõi tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính của mình trên mạng internet. Giao tiếp giữa người dân và các cấp lãnh đạo qua môi trường Internet (email, trao đổi trực tuyến...) là một phần của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải công khai hòm thư điện tử để người dân biết và phải có trách nhiệm trả lời email của người dân như các văn bản khác.

- Tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” trên địa bàn quận đưa ra biện pháp và hướng xử lý, điều chỉnh kịp thời. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong việc tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia công tác giám sát thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân quận, huyện thông qua phiếu điều tra thăm dò tổ chức, công dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương. Có thể kiểm tra sổ sách ghi chép việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận “một cửa”.

- Cần có chế tài khen thưởng, kỷ luật trong công tác thanh tra, kiểm tra: Khen thưởng kịp thời, động viên khuyến khích cán bộ, công chức, có tâm huyết, trách nhiệm với công việc; xử lý nghiêm minh trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm đạo đức công vụ, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Thứ hai, tăng cường sự giám sát của nhân dân, để nhân dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình cần thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và thông tin, kiến thức về cải cách thủ tục hành chính trên toàn địa bàn quận, thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Truyền hình, báo chí, đài phát thanh phường, tờ rơi, phổ biến tại bảng tin khu dân phố. Để công dân, tổ chức nắm bắt thông tin và tham gia quá trình giám sát định kì tổ chức tiếp xúc dân, tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, tiếp thu những ý kiến đóng góp để công tác quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

- Đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, mẫu hóa một số giấy tờ của thủ tục hành chính. Phải tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa hồ sơ, xác định những loại việc nào còn yêu cầu các loại giấy tờ ngoài quy định, nhiều yêu cầu hoặc điều kiện không thực tế, không khả thi cần hủy bỏ. Chẳng hạn, khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, việc công dân phải đến Ủy ban nhân dân xã, thị trấn khai vào tờ khai về nguồn gốc đất có xác nhận của chính quyền địa phương là không có trong quy định chung của nhà nước, cần hủy bỏ. Với các việc đơn giản như chứng thực bản sao từ bản chính các loại giấy tờ, đăng ký giao dịch có bảo đảm là quyền sử dụng đất... không cần thiết phải có thời gian xác minh thì nên rút ngắn thời gian giải quyết có thể tiến hành trong vòng vài giờ để tạo điều kiện cho công dân.

- Khi xử lý các loại hồ sơ có liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau thì trách nhiệm của từng cơ quan ở từng khâu phải được xác định rõ. Nếu khâu nào chậm trễ thì Thủ trưởng cơ quan phụ trách khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước người dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện. Cơ chế “một cửa” đặt ra yêu cầu phối hợp công tác giữa các cơ quan, các bộ phận, giữa các cán bộ công chức có liên quan về lĩnh vực chuyên môn và về thời gian thực hiện. Mỗi phòng, bộ phận chuyên môn là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Bởi vậy, đề cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công việc giữa các cơ quan là thực sự cần thiết, quan trọng để quản lý và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phận “một cửa” tại Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Nguyễn Thị Thu Hương

(Ban Tổ chức - Kiểm tra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này