Tạo nguồn lực phát triển kinh tế

18:18 | 30/08/2020
(LĐTĐ) Xác định là vùng nông nghiệp trọng điểm của Thủ đô, huyện Thanh Oai đang nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm, xây dựng nhóm sản phẩm chủ lực để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế cho huyện.
Chị Vũ Thị Kiêm có nhà mới
Gian hàng “đặc biệt” tại Hội chợ du lịch huyện Thanh Oai
Khơi dậy tiềm năng, phát triển Thanh Oai thành đô thị hiện đại

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, tính đến hết năm 2019, toàn huyện có 11 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Tiêu biểu phải kể đến Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) với 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao đó là: Gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7. Từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất vì thương hiệu gạo được khẳng định với người tiêu dùng.

3620 thit az
Dây chuyền chế biến thị lợn theo quy trình khép kín tại Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai).

Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cho biết, hợp tác xã đang duy trì 400ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và gần 250ha lúa nếp cái hoa vàng sản xuất theo quy trình VietGAP.

"Chúng tôi đã liên kết với Viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Gạo Bảo Minh trong việc cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng và ký kết với một số công ty để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó", ông Kiên thông tin.

Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước) cũng đang là chủ của 9 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Cả 9 sản phẩm này đều là những sản phẩm thuộc “Chuỗi thực phẩm A-Z” đã có thương hiệu của hợp tác xã, gồm thịt lợn tươi và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn được chăn nuôi, sơ chế, chế biến khép kín theo chuỗi.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cho biết: “Hiện chúng tôi đang chăn nuôi 4.000 con lợn, trong đó có hơn 400 con lợn nái, lợn thịt 3.600 con/lứa, việc chăn nuôi bảo đảm theo đúng quy trình VietGAP. Ngoài ra, hợp tác xã đã xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại với công suất 50 con/ngày. Trung bình, mỗi ngày cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Các sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao sẽ là cơ hội để hợp tác xã tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ…”

Ngoài các sản phẩm nông nghiệp đã được xếp hạng sao OCOP mà huyện Thanh Oai đang có, năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 22 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên. Việc các sản phẩm được xếp hạng sẽ là nguồn lực mới để các địa phương khai thác, tạo sức bật cho kinh tế, đặc biệt sau tác động của dịch Covid-19.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cho rằng, việc đạt xếp hạng sao OCOP sẽ giúp Thanh Oai chọn lựa được những sản phẩm có thế mạnh, chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất, trở thành một trong những tiềm lực kinh tế của huyện. Các sản phẩm OCOP của huyện sẽ là nguồn lực, lợi thế giúp địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để đạt mục tiêu đề ra, Thanh Oai đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm cho các sản phẩm được xếp hạng sao; đồng thời, lồng ghép vào các chương trình như xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hay chương trình xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… để hỗ trợ về kinh phí cũng như khoa học, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này