Chuyện về nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc

08:08 | 27/08/2020
(LĐTĐ) “Một năm công tác tại Nam Sudan là khoảng thời gian rất đáng quý, rất đáng trân trọng trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tôi đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống và quan trọng nhất là góp phần giới thiệu được hình ảnh, con người Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đến với bạn bè thế giới” - Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga- Phó Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, trực thuộc Bộ Quốc phòng chia sẻ.
Hội đồng Bảo an kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân Palestine
Hội đồng Bảo an thảo luận về hoạt động của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Somalia
Cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến không của riêng ai

Dù vô cùng bận rộn song Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga- Phó Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, trực thuộc Bộ Quốc phòng- vẫn ưu ái dành cho tôi một cuộc hẹn sau giờ làm việc, tại một quán café Hà thành. Nếu không tìm hiểu trước, không nghe Hằng Nga chia sẻ, thật khó có thể hình dung người phụ nữ hồn hậu, cởi mở, dễ gần; thông minh, sắc sảo mà cũng đầy dịu dàng, nữ tính ấy chính là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, một trong những quốc gia nghèo khó nhất thế giới đang chìm trong chiến sự. Hơn thế nữa, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên Hợp Quốc đánh giá cao và để lại những ấn tượng đẹp về lực lượng sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói riêng, về đất nước Việt Nam nói chung.

Hành trình vượt qua chính mình

Tuy sinh ra trong một gia đình không có truyền thống quân đội nhưng tình yêu quân đội, khát vọng trở thành một quân nhân đã hình thành trong Hằng Nga từ nhỏ. Chính bởi vậy, dù tốt nghiệp Đại học chính quy ngành Công nghệ thông tin và đã từng làm giáo viên dạy công nghệ thông tin- một nghề có vẻ hợp hơn với phụ nữ- năm 2004, Đỗ Thị Hằng Nga vẫn quyết định nhập ngũ và năm 2012, chị chính thức chuyển ngạch sĩ quan, tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Một sĩ quan quân đội, cuộc sống ổn định có thể là mong muốn của nhiều người, nhưng chưa phải là đích hướng tới của Hằng Nga. “Với trách nhiệm của một quân nhân, tôi thấy mình cần phải làm được những điều lớn lao, ý nghĩa hơn, cụ thể là phải đóng góp cho sự nghiệp GGHB của Việt Nam và thế giới. Thực tế khi đó, tôi cũng đã đọc, tìm hiểu và rất ngưỡng mộ những người lính Việt Nam đầu tiên xung phong lên đường tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; đặc biệt càng ngưỡng mộ hơn các nữ quân nhân và nhiều phụ nữ của các nước khác trên thế giới đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác Gìn giữ hòa bình. Tôi khát khao được như họ”- Hằng Nga chia sẻ.

3531 ynh hyng nga 2
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga với các em nhỏ Nam Sudan sau giờ làm việc

Hành trình thực hiện khát vọng tham gia gìn giữ hòa bình của nữ sĩ quan được bắt đầu từ việc học tập, ôn luyện tiếng Anh cùng những kiến thức chuyên môn để thi vào Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực, tháng 1/2016, Đỗ Thị Hằng Nga nhận công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đảm nhận vị trí trợ lý Phòng Tham mưu-Kế hoạch. Với công việc cụ thể là phụ trách website và mạng Lan của Trung tâm, Hằng Nga luôn chăm chỉ, trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Chị sống chan hòa, đoàn kết với tập thể nên được lãnh đạo Trung tâm và mọi đồng nghiệp đều yêu quý. Đây có lẽ là một trong những lý do để sau đó, Hằng Nga được chỉ huy đơn vị nhận thấy rõ tố chất làm công tác đối ngoại quốc phòng của chị và tin tưởng lựa chọn bồi dưỡng, đào tạo trở thành một “sứ giả mũ nồi xanh” đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Hằng Nga kể, trước đây, sĩ quan Việt Nam nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 1 năm) đều là nam giới. Nhiệm kỳ ấy, lần đầu tiên, Liên Hợp Quốc đề nghị Việt Nam cử một nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc để đảm bảo chính sách bình đẳng giới. Biết tin, Hằng Nga tình nguyện xung phong và được lựa chọn cho nhiệm kỳ một năm thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan. Được hỏi chị có lường trước những khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm khi thực hiện nhiệm vụ này hay không, Hằng Nga chia sẻ: “Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và biết Nam Sudan là một quốc gia châu Phi non trẻ nhất thế giới. Đất nước này tuy giàu tài nguyên dầu mỏ nhưng kinh tế không phát triển vì đắm chìm trong nội chiến, tình hình rất phức tạp và đầy nguy hiểm. Thế nhưng, tình hình ở đây vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Liên Hợp Quốc và nước chủ nhà, an ninh cơ bản ổn định. Hơn nữa, chính ở nơi khó khăn, nguy hiểm ấy mới càng cần tới sự giúp đỡ của các sứ giả gìn giữ hòa bình”.

Mặc dù “thân gái dặm trường” đến một đất nước xa xôi, nghèo khó, bất ổn, khác biệt về văn hóa; môi trường làm việc có nhiều thay đổi… là những khó khăn thấy rõ, nhưng điều khiến Hằng Nga băn khoăn, “lấn cấn” nhất trước khi đi lại là tình cảm gia đình và thiên chức làm vợ, làm mẹ. “Tôi rất tự hào khi được giao trọng trách đặc biệt để thử thách ý chí, bản lĩnh của chính mình, song tôi là một phụ nữ, có hai con nhỏ nên giống như những người vợ, người mẹ khác, phải xa nhà một năm đến nơi cách quê hương đến nửa vòng trái đất thực sự là điều khiến tôi bộn bề nhớ nhung, lưu luyến. Hơn thế nữa, gia đình tôi không đồng ý cho tôi nhận nhiệm vụ này, chủ yếu vì họ lo lắng cho tôi. Thế nhưng, bằng quyết tâm và tình yêu với công việc, bằng sự kiên trì, tôi đã thuyết phục được mọi người trong gia đình”- Hằng Nga tâm sự.

3643 ynh hyng nga 3
Các em nhỏ Nam Sudan làm đẹp cho nữ quân nhân Việt Nam

Cũng theo lời Hằng Nga, để trở thành quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài tố chất về sức khỏe, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, “sứ giả mũ nồi xanh” còn phải có trình độ ngoại ngữ ngữ tốt và nắm vững các kiến thức về quân sự, kỹ năng ngoại giao quân sự, đối ngoại quốc phòng đáp ứng yêu cầu cao trong môi trường đa quốc gia, phẩm chất đạo đức thể hiện là một sứ giả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

“Vốn kiến thức tiếng Anh dần mai một bởi chuyên ngành công việc ít liên quan tới ngoại ngữ, trong khi đó, tôi rời giảng đường học hành đã khá lâu, lại ở ngưỡng tuổi phải bận rộn chăm lo gia đình, con cái nên việc trang bị trình độ tiếng Anh trôi chảy thật sự là một thách thức lớn. Ấy là chưa kể thời gian chuẩn bị gấp rút mà khối kiến thức quân sự, đối ngoại quốc phòng… thì quá rộng lớn”- Hằng Nga nói về những thách thức mà mình phải đối mặt.

Chị bảo, để vượt qua, chị đã phải nghiên cứu, tập luyện vô cùng khẩn trương, tiết kiệm từng giây, từng phút. Chị tích cực tham gia và hoàn thành tốt các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, nữ sĩ quan, cảnh sát Liên Hợp Quốc, quan hệ quân-dân sự Liên Hợp Quốc, sĩ quan thông tin Liên Hợp Quốc tại Sri Lanka, Uganda, Hà Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc… Nhờ sự kiên trì, nỗ lực của bản thân đồng thời được chỉ huy và các đồng đội ở đơn vị (nhất là những sĩ quan đã từng thực hiện nhiệm vụ ở các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc) động viên, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá, kết quả, Đỗ Thị Hằng Nga đã hoàn thành tốt các bài test ngoại ngữ, lái xe hai cầu, đáp ứng các tiêu chuẩn mà chuyên gia Liên Hợp Quốc đặt ra.

Nữ sứ giả của hòa bình và lòng nhân ái

Tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của Hằng Nga là tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại Trung tâm Tác chiến, Sở Chỉ huy Phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về các sự cố xảy ra trên địa bàn; liên lạc với các cơ quan liên quan để đưa ra các thông báo về tai nạn, thương vong; theo dõi các tài liệu trong hệ thống dữ liệu tác chiến của phái bộ... Bên cạnh đó, nữ sĩ quan còn đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của phái bộ, không kể thời gian ngày hay đêm. Tổng cộng Đỗ Thị Hằng Nga phải đảm trách trung bình 12-15 đầu việc tại Phái bộ Nam Sudan.

Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, nên thời gian làm việc của nữ sĩ quan thường kéo dài liên tục 14-16 tiếng, từ 4h chiều hôm trước đến khoảng 8h sáng hôm sau. Không những thế, ở “chảo lửa” này tình hình an ninh thường xuyên có những diễn biến phức tạp, khó lường. “Theo yêu cầu nhiệm vụ, tôi thường xuyên làm việc ca đêm với thời gian kéo dài. Công việc đòi hỏi phải xử lý nhanh và kịp thời, luôn gặp nhiều căng thẳng, áp lực do những diễn biến phức tạp từ tình hình thực tế của Phái bộ và địa bàn. Thời gian xung đột cao điểm, có khi cả tuần chúng tôi ở trong văn phòng, về nhà chỉ để thay quần áo và lấy thêm đồ ăn” - nữ Trung tá chia sẻ.

3756 ynh hyng nga 4
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và các đồng nghiệp tại Trung tâm Tác chiến, Sở chỉ huy Phái bộ, Thủ đô Juba

Tuy khó khăn, vất vả như vậy, nhưng Đỗ Thị Hằng Nga luôn ý thức về trọng trách của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Chị tâm niệm, mình phải hoàn thành công việc ở mức tốt nhất, không nề hà, sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ, ngay cả khi vừa kết thúc ca làm việc kéo dài.Với sự nhiệt tình, ham học hỏi và không ngại khó, ngại khổ, kết thúc nhiệm kỳ công tác, Đỗ Thị Hằng Nga được Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan tặng thưởng 2 Huy chương vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của Liên Hợp Quốc và được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc trên mọi mặt công tác. Chị nằm trong tỉ lệ 1-2% cán bộ hàng năm được liên hợp quốc ghi nhận.

Đáng nói, không chỉ được ghi nhận về năng lực chuyên môn, nữ sĩ quan mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam còn nhận được tình cảm yêu mến của những người dân châu Phi. Nữ Trung tá kể, thực chất công việc của chị là sĩ quan tham mưu,chỉ thuần túy làm nhiệm vụ chuyên môn tại phái bộ, nhưng ngoài giờ làm chị lại quyết định đến với những người dân nghèo tại Nam Sudan vì ngoài học hỏi kiến thức chuyên môn gìn giữ hòa bình, chị cũng muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân và giúp đỡ họ được nhiều hơn.

"Bộ đội chúng ta luôn có truyền thống dân vận rất tốt, gần gũi nhân dân. Muốn phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, làm tốt công tác dân vận nên tôi đã dành phần lớn thời gian rảnh của mình ra ngoài căn cứ, tiếp xúc, giúp đỡ người dân bản địa dưới sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc"- chị Hằng Nga cho biết. Nghĩ vậy nên ngoài giờ làm việc, Đỗ Thị Hằng Nga dành phần lớn thời gian để tiếp xúc với người dân bản địa, giúp đỡ họ từ cách chăm sóc trẻ, an toàn vệ sinh bữa ăn, cách bảo vệ và chống lại dịch bệnh, sơ cứu cơ bản khi bị thương, đến hỗ trợ giáo viên địa phương dạy học sinh kỹ năng sống, đọc và viết tiếng Anh...

“Việc ra ngoài tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến những em nhỏ sốt rất cao nhưng mẹ các em không có nhiều kiến thức chăm sóc”- Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga bộc bạch. Không những thế, chị còn quyên góp nhiều đồ dùng, quần áo, sách báo... tặng trường học và gia đình người dân. Chị cũng tự trích kinh phí của mình và vận động, quyên góp được một khoản kinh phí đủ để tạo công việc cho một số phụ nữ bản địa, giúp họ có thu nhập tự chi trả những nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Cũng chính vì sự chia sẻ, quan tâm xuất phát từ tình cảm chân thành đó, nhiều người dân Nam Sudan đã đón nhận nữ sĩ quan Việt Nam như người thân trong gia đình.

Giới thiệu với chúng tôi những bức ảnh kỷ niệm trong chuyến công tác tại Nam Sudan, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga rất đỗi tự hào. Trong nhiều bức ảnh, chị ngồi giữa các em thiếu nhi đang vui đùa, có em ngồi trong lòng chị rất âu yếm. Có ảnh chị cùng gia đình người dân nấu cơm rất thân mật… Nữ sĩ quan trẻ xúc động chìa cho tôi xem tấm ảnh chị được các em nhỏ "làm đẹp": "Mỗi lần đến tôi lại được các em vây quanh. Cả em trai, em gái đều tranh nhau nói: "Đỗ hãy ngồi để em tết tóc cho chị xinh đẹp hơn" - chị Nga nhớ lại. Khi biết chị Nga sắp kết thúc nhiệm kỳ, không còn công tác ở Nam Sudan nữa, có em đã khóc, có em dành thời gian rảnh vẽ tranh, móc những chiếc túi nhỏ xinh tặng chị và nói rằng: “Đỗ hãy nhớ tới các em, đem những món quà này trở về và trân trọng những kỷ niệm đó". Đó là những điều mà nữ sứ giả mũ nồi xanh sẽ nhớ mãi…

“Một năm công tác tại Nam Sudan là khoảng thời rất đáng quý, rất đáng trân trọng trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tôi đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống và quan trọng nhất là góp phần giới thiệu được hình ảnh, con người Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đến với bạn bè thế giới” - Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nói.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này