Người trên 80 tuổi có phải tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện?

11:16 | 25/08/2020
(LĐTĐ) Bạn Đoàn Phú (Hà Nội) hỏi: Bố mẹ tôi năm nay đều trên 80 tuổi. Trước đây bố mẹ tôi sống ở Thái Bình và đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và trợ cấp hàng tháng theo chính sách cho người cao tuổi tại địa phương. Thẻ bảo hiểm y tế có nơi khám chữa bệnh ban đầu ở Thái Bình. Nay bố mẹ tôi đã yếu, chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng với gia đình tôi. Tôi muốn mua thêm thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho bố mẹ tôi để nơi khám chữa bệnh ban đầu là ở Hà Nội. Vậy tôi muốn hỏi: Người cao tuổi (trên 80 tuổi) đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí thì có được mua thêm thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện không? Thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện (trong trường hợp được mua) có đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội được không?
Thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động có chủ bỏ trốn, nợ bảo hiểm
Chế độ nối tiếp thẻ bảo hiểm y tế học sinh lên Đại học
Infographic: Tham gia bảo hiểm y tế: Người dân được lợi gì?

- Vấn đề bạn hỏi, Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết: Bố mẹ bạn đều trên 80 tuổi - là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc Điểm b, Nhóm 3 quy định tại Khoản 6, Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 sửa đổi bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế: “Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội.”

Đối với bảo hiểm y tế hộ gia đình thuộc nhóm 5 của Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, căn cứ Khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.” Đồng thời, căn cứ Khoản 2, Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế quy định: “Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế”. Như vậy, trường hợp của bố mẹ bạn không phải mua thêm thẻ bảo hiểm y tế theo đối tượng thuộc hộ gia đình.

Để bố mẹ của bạn được hưởng chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hằng tháng tại Hà Nội, bạn cần đăng ký tạm trú cho bố mẹ bạn tại thành phố Hà Nội và có thể chọn 1 trong các phương án sau:

* Trường hợp không thực hiện chuyển đổi thẻ bảo hiểm y tế, vẫn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Thái Bình cấp:Thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó:

+ Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

+ Khi khám chữa bệnh phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Thẻ bảo hiểm y tế, Giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy công tác hoặc giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.

* Trường hợp chuyển đổi thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cấp:Để thực hiện điều này, trước tiên bố mẹ bạn phải làm đơn đề nghị đổi thẻ bảo hiểm y tế và chuyển nơi hưởng trợ cấp người cao tuổi hằng tháng tới Ủy ban nhân dân xã, phường nơi bố mẹ bạn cư trú tại Thái Bình làm căn cứ để cơ quan Bảo hiểm xã hội điều chỉnh giảm thẻ bảo hiểm y tế ở tỉnh Thái Bình. Sau đó, bạn mang hồ sơ tỉnh Thái Bình cung cấp tới nộp tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, xã nơi gia đình bạn đang cư trú tại Hà Nội để làm thủ tục hưởng trợ cấp và đề nghị được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho bố mẹ bạn tại Hà Nội theo quy định.

Sau khi hoàn tất thủ tục, bố mẹ bạn sẽ được Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cấp thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Hà Nội.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này