Dấu ấn văn học Hà Nội đương đại

11:16 | 25/08/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, lực lượng sáng tác văn học khu vực Hà Nội tiếp tục chuyển mình với xu hướng cởi mở, nhanh nhạy. Tác phẩm của họ giàu sáng tạo, trội về cá tính, đa dạng, nhiều màu sắc, ứng với đời sống xã hội đang nhanh chóng đổi mới, nhất là về công nghệ thông tin, hợp với quy luật trẻ hóa sáng tác.
Thành tựu Văn học nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội
Tản văn trong dòng chảy văn học hiện đại

Tại Tọa đàm “Thành tựu Văn học nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, nhà văn Bùi Việt Mỹ cho rằng, từ cách đây gần một thập kỷ, ngay sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố đã tổ chức Tổng kết “Cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến” đồng thời phát động đợt sáng tác tiếp nối cùng chủ đề, trên cơ sở Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là dấu ấn quan trọng, một luồng gió mới tạo bước chuyển lớn về nhận thức sáng tác và quy mô xây dựng tác phẩm cho cả lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó, văn chương chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Đây cũng chính là thời kỳ bắt đầu của một xã hội công nghệ thông tin.

3203 0439 img 7813
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Mạng thông tin điện tử du nhập và phát triển rầm rộ như không gì có thể ngăn cản nổi. Hình thức sáng tác và truyền tải - nhất là đối với tác phẩm văn học bước sang khúc ngoặt lớn, vừa thể hiện trên giấy, vừa trên mạng điện tử, đánh dấu một mốc lịch sử như một cuộc cách mạng của thị hiếu bạn đọc tiếp cận tác phẩm và tác giả. Các tác phẩm mới vừa chịu trách nhiệm kế thừa lại vừa chuyển mình sang vận tốc cao nên phần nào ảnh hưởng đến bề dày chất liệu và quy mô tác phẩm. Đó còn chưa kể đến sự vận hành của cơ chế kinh tế đã thực sự tác động trực tiếp đến giá trị đời sống sáng tác và nhu cầu của công chúng.

Mặt khác, cũng cần khẳng định về hình thức tác phẩm văn học hiện nay còn được thể hiện khá đa dạng…Có thể kể ra một số kịch bản gần đây như: “Đập cánh giữa không trung”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mùi cỏ cháy”, “Người phán xử”, “Mẹ chồng nàng dâu”, “Quỳnh búp bê” và các kịch bản tái hiện các tình thế xã hội lịch sử…

Riêng đối với Hà Nội, đây là nơi tập hợp điển hình nhất về đội ngũ tác giả và tác phẩm. Chính bề chìm, bề nổi của đội ngũ các tác giả đương đại ấy tạo bề dày của giá trị văn chương Hà Nội, có thể đứng đại diện cho văn học đương đại Việt Nam.

“Nói thế, không phải chúng tôi đã để ra một phần các tác giả cũng như các cây bút ở nhiều miền vùng khác nhau trong nước bởi tôi cho rằng sáng tác của họ cũng mang tính kế thừa của văn hóa Dân tộc cũng như tầm ảnh hưởng của văn hóa Thăng Long. Về cơ bản, các tác giả là Nhà văn Việt Nam hội tụ, sống và viết ở Thủ đô Hà Nội chiếm số lượng đông đảo nhất, chiếm tỷ lệ gần một phần hai trên tổng số gần 700 nhà xuất bản, các cơ quan chuyển tải và phổ biến tác phẩm cũng chủ yếu là ở đây. Lực lượng sáng tác khu vực Hà Nội tiếp tục chuyển mình với xu hướng cởi mở, nhanh nhạy. Tác phẩm của họ giàu sáng tạo, trội về cá tính, đa dạng, nhiều màu sắc, ứng với đời sống xã hội đang nhanh chóng đổi mới, nhất là về công nghệ thông tin, hợp với quy luật trẻ hóa sáng tác”, nhà văn Bùi Việt Mỹ cho biết.

Cũng theo nhà văn đúc kết, thời điểm này, sự chuyển giao thế hệ về sự thích ứng thời cuộc cũng như bút pháp đang rõ nét hơn. Các tác giả nổi bật trong thời kỳ đánh Mỹ như Hữu Thỉnh, Chu Lai, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo và trẻ hơn là Trần Đăng Khoa… sáng tác thường kèm theo luận bàn văn chương, kinh nghiệm sáng tác và phê bình văn học. Phần đông, chậm dần theo thời gian để ra đời hàng loạt tác phẩm điển hình như: truyện và tiểu thuyết của Lê Minh Khuê, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Văn Thọ, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bắc Sơn và Tạ Duy Anh... nổi bật với những cung bậc đa dạng đời sống, ký ức và tình yêu.

Các tác phẩm này giữ nhịp cho dòng chảy sáng tác chung ở quãng đổi khúc cần thiết. Một loạt các tác phẩm thơ của Dương Kiều Minh, Trần Quang Quý, Lê Cảnh Nhạc, Vũ Từ Trang, Giáng Vân…; phê bình tiểu luận của Phạm Khải, Lê Thành Nghị, Trần Đăng Suyền, Bùi Việt Thắng; dịch văn học nước ngoài của Dương Tường, Đoàn Tử Huyến và Lê Bá Thự... ra mắt bạn đọc và được dư luận đánh giá cao. Một nhịp cầu nối nhanh tới cái nhìn mới, đáp ứng thị hiếu mới, không đơn điệu, ba tác giả song hành là Nguyễn Thị Minh Thái, Văn Giá và Phạm Xuân Nguyên muốn tránh lối phê bình giản lược và xuôi chiều...

Những bài bình cập nhật đã trở thành tác nhân giúp các cây bút trẻ tự tin thể hiện các sáng tạo mới. Một số tác giả văn xuôi tiếp tục giữ nhịp sáng tác trẻ, có cá tính, giám nhìn thẳng vào muôn mặt của cuộc sống, trong đó có góc khuất, có bức bối và đi tìm một giá trị nhân bản trong truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ, pha chút dữ dội, cảm giác mạnh trong truyện của Y Ban…

Tác giả thơ xuất hiện nhiều, thậm chí chia thành nhiều “phái cách tân” khác nhau. Tuy vậy, bạn đọc Thủ đô vẫn đón nhận hướng sáng tạo thẩm mỹ. Sau ánh ngày tinh khôi của Hoàng Nhuận Cầm đến sự chuyển động bề bộn, phát động nội hàm của Nguyễn Quang Thiều, trào lộng của Nguyễn Linh Khiếu. Rồi tác giả trẻ hơn, “8X” hoặc thậm chí “9X” như Hữu Việt, Vi Thùy Linh, Nguyễn Phan Quế Mai và Nguyễn Quang Hưng ... có lúc, họ cũng chưa hẳn đã nhận được sự hưởng ứng. Song, bản năng thơ không thay đổi, họ đang tạo dựng một cấu trúc mới, một bố cục mới thật mở, xác lập một giai đoạn mới của thơ. Cùng thời điểm này còn nổi lên hai nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Bình Phương. Đặc điểm sáng tác của họ là lối viết tương tác với cách cảm, cách nghĩ của thời điểm, tác phẩm thể hiện cái nhìn mới, không câu nệ vào bất kỳ một khuôn mẫu nào.

“Thời gian gần đây, tham góp vào diễn đàn văn chương Hà Nội, chúng ta thấy sức nặng rất đáng kể về nội dung, chất liệu đời sống xã hội thực tại trong tiểu thuyết và loạt truyện bi hài của Phạm Quang Long và ứng xử xã hội của Phan Thúy Hà qua các tập: “Gia đình” và “Tôi là con của cha tôi” do Nhà xuất bản Phụ Nữ mới ấn hành. Thế rồi, cũng là những điển hình mới trong lý luận phê bình, hãy nhìn nhận và đánh giá không câu nệ trong “Giăng lưới bắt chim” của Nguyễn Huy Thiệp, tập “Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội”, luận về văn và tác giả của Lương Đức Thiệp. Có thể nói, các tác phẩm có sức phản biện đa chiều, công phu và quy mô đã và đang xuất hiện, đáp ứng tốt định hướng sáng tác của giai đoạn này”, nhà văn Bùi Việt Mỹ khẳng định.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này