Duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2% để chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động

22:28 | 21/08/2020
(LĐTĐ) “Hằng năm, vào đầu năm, Công đoàn và công ty đều tổ chức cuộc họp về dự toán kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn. Khi nghe đến các hoạt động của tổ chức Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp rất ủng hộ. Vì vậy, từ góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc duy trì khoản thu 2% kinh phí công đoàn”. Đó là ý kiến của ông Yamazaki Takayuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Showa Việt Nam.
Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả hơn trong bối cảnh mới
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn
Phát động phong trào tiết kiệm trong hệ thống công đoàn, dành nguồn lực chăm lo cho đoàn viên

Tại Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, chuyên đề tài chính công đoàn” diễn ra chiều nay (21/8), ông Yamazaki Takayuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Showa Việt Nam (doanh nghiệp FDI thuộc Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội) cho biết, kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp của ông luôn tuân thủ theo luật pháp, quy định của Việt Nam và rất ủng hộ việc đóng kinh phí công đoàn 2% hiện nay.

4434 118085293 328821181529062 3313701940431652360 n
Ông Yamazaki Takayuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Showa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: B.D

“Hằng năm, vào đầu năm, Công đoàn và công ty đều tổ chức cuộc họp về dự toán kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn. Khi nghe đến các hoạt động của tổ chức Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp rất ủng hộ. Vì vậy, từ góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc duy trì khoản thu 2% kinh phí công đoàn”, ông Yamazaki Takayuki cho biết.

Làm rõ hơn hiệu quả của kinh phí công đoàn trong chăm lo cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở, ông Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội) cho biết: Với số tiền từ kinh phí công đoàn và đoàn phí được giữ lại, Công đoàn công ty thực hiện chăm lo cho đoàn viên, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, các hoạt động phong trào thể dục thể thao, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó, Công đoàn công ty còn tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động sinh sống tại khu ký túc xá của công ty, với số lượng trên 1.500 người.

5139 img 0695
Ông Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: B.D

Đồng chủ trì buổi Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Khoản thu 2% kinh phí công đoàn chủ yếu để xây dựng phúc lợi xã hội, chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, kể cả người lao động tại doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, chứ không phải để duy trì cho hoạt động của hệ thống tổ chức Công đoàn. Chúng ta phải hiểu bản chất như vậy, chứ không phải như nhiều người nghĩ là đóng kinh phí công đoàn để nuôi bộ máy cán bộ công đoàn”.

Khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội quan trọng, đóng vai trò rất lớn trong quá trình phát triển của đất nước, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh thêm: "Dứt khoát không thể bỏ được khoản thu 2% kinh phí công đoàn".

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần làm rõ hơn việc chi 2% làm sao cho hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển giai cấp công nhân Việt Nam và người lao động Việt Nam trong tình hình có cả tổ chức Công đoàn và tổ chức đại diện cho người lao động chưa tham gia tổ chức Công đoàn cùng hiện hữu.

Tại Hội thảo, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… đều ủng hộ duy trì kinh phí công đoàn 2%.

Tuy nhiên, đại diện các Bộ cũng phân tích, góp ý Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải làm sao để các doanh nghiệp thấy rõ được ích lợi của việc đóng khoản kinh phí, từ đó họ sẽ ủng hộ. Các ý kiến cũng nhấn mạnh tăng cường tính công khai, minh bạch trong sử dụng kinh phí công đoàn 2%.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp các ý kiến về vấn đề phân chia nguồn kinh phí công đoàn, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn, các quy định về quản lý tài sản công đoàn…

Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 7 năm triển khai thực hiện, công tác tài chính công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tài chính công đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thực thi Luật Công đoàn năm 2012, việc quản lý, phân phối nguồn tài chính công đoàn từng bước được công khai, minh bạch và công bằng theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở.

Từ năm 2012 đến nay, tỉ lệ kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở tăng dần từng năm từ 65% lên 70% như hiện nay. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm, thực hiện công tác quản lý, chi tiêu đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm, qua đó nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này