Những người góp sức làm đẹp cho quê hương

11:21 | 20/08/2020
(LĐTĐ) Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp tiền mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng quê. Phong trào này đang lan tỏa rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhân lên giá trị cao đẹp trong cộng đồng.
Xây dựng quê hương Thanh Oai giàu đẹp, hiện đại, văn minh
Bầu người tài đức vì sự nghiệp xây dựng quê hương

Sôi nổi hiến đất

Đi trên con đường rộng rãi, to đẹp nối từ thôn Thanh Lũng ra quốc lộ 32 của xã Tiên Phong (huyện Ba Vì) hẳn không ít người sẽ thấy phấn khởi bởi con đường huyết mạch của xã trước kia vừa nhỏ hẹp, xuống cấp nay đã khang trang, sạch đẹp. Theo đó, năm 2012, xã Tiên Phong chủ trương mở rộng đường làng để xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh nâng cao đời sống người dân.

4319 ynh
Ông Nguyễn Tứ Hùng bên công trình “ao môi trường” do ông và gia đình hỗ trợ kinh phí cải tạo. (Ảnh: Mai Quý)

Biết được điều này, gia đình ông Kiều Hải Nam (thôn Thanh Lũng) đã tiên phong hiến gần 40m² đất thổ cư để mở rộng đường. Không những thế, gia đình ông còn dành toàn bộ số tiền được bồi thường giải phóng mặt bằng ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới. Đáng mừng là, với những nghĩa cử của gia đình ông Kiều Hải Nam không ít người trong vùng đã hưởng ứng, tạo nên phong trào hiến đất mở đường ở địa phương, cùng đoàn kết, đồng thuận một lòng để đưa xã Tiên Phong đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Cũng ở huyện Ba Vì, tại xã Minh Quang, phong trào và sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới cũng đặc biệt đẩy mạnh. Minh Quang là một địa bàn miền núi, kinh phí hạn hẹp, điều này khiến chương trình xây dựng nông thôn mới nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhờ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, Minh Quang là một trong những địa phương đã về đích nông thôn mới. Đặc biệt, với tinh thần hết mình vì tập thể, những người nông dân ở đây đã tình nguyện hiến đất để mở đường giao thông nông thôn. Tại đây, phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Vân (thôn Minh Hồng) là tấm gương đi đầu. Theo đó, chị Nguyễn Thị Vân và gia đình đã tự nguyện hiến gần 600m² đất để làm đường. Cụ thể, đầu năm 2020, huyện Ba Vì có chủ trương đầu tư một tuyến đường đi qua thôn Minh Hồng. Tuyến đường có vốn đầu tư của Nhà nước, còn nhân dân hiến đất làm đường, mở rộng đường. Sau khi nắm được chủ trương, gia đình chị Vân đã vui vẻ tự nguyện hiến 2 mảnh đất để mở rộng đường giao thông. Với người nông dân thì đây thực sự là cả một gia tài lớn. Tuy nhiên, vì lợi ích chung cùng mong muốn góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chị Vân đã không nề hà, suy tính hơn thiệt.

Về thôn Hạnh Đàn (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng), hỏi thăm đến nhà ông Nguyễn Tứ Hùng, người dân ở đây ai ai cũng biết bởi gia đình ông đã đóng góp nhiều tiền của để trùng tu, xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh của thôn Hạnh Đàn như đình, chùa, đường, ao môi trường, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong một lần dẫn tôi thăm quan công trình ao môi trường, ông Hùng cho biết: Trước đây ao luôn bị ô nhiễm, nước bẩn quanh năm, cỏ cây mọc rậm rạp, thậm chí là nơi đổ rác của một số hộ dân thiếu ý thức, khiến cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh. Thấu hiểu được nỗi ám ảnh của người dân khi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Hùng đã bàn với gia đình xin ủng hộ toàn bộ kinh phí để cải tạo ao và được chính quyền địa phương chấp thuận. Công trình khánh thành ngày 22/5/2017, đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Tân Lập. Sau khi công trình ao môi trường đưa vào sử dụng, gia đình ông Hùng nhận trông nom, thuê người quét dọn xung quanh ao, mắc điện chiếu sáng, mọi chi phí do gia đình ông chi trả.

Với diện tích khoảng 5.000m², sau khi được cải tạo, xây tường bao và kè kiên cố, gắn bảng hiệu ghi 10 Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố Hà Nội, đường đi xung quanh ao được lát đá, hai bên trồng hoa và lắp đặt điện chiếu sáng, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Khi công trình được hoàn thiện, nhiều hộ dân xung quanh đã tự nguyện mua bàn, ghế đá đặt quanh ao để phục vụ nhu cầu vui chơi, tập thể dục, thư giãn của gia đình và người dân trong thôn. Công trình ao môi trường tại thôn Hạnh Đàn đã trở thành mô hình điểm của huyện Đan Phượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và được ví như một công viên thu nhỏ luôn nhộn nhịp người đến vui chơi.

Nhân lên giá trị cao đẹp

Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước với những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp từ sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa đúng đắn và hiệu quả. Song song với đó là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được lan tỏa, nhờ sự ủng hộ của người dân, với tinh thần "Con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương" đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước với những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp từ sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa đúng đắn và hiệu quả. Song song với đó là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được lan tỏa, nhờ sự ủng hộ của người dân, với tinh thần "Con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương" đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Huyện Sóc Sơn là một ví dụ. Qua tìm hiểu, tại đây, phong trào hiến đất xây dựng hạ tầng diễn ra khá sôi nổi. Chẳng hạn, ở xã Xuân Giang, hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Hay tại xã Nam Sơn, dân trong xã đã hiến hàng ha đất nông nghiệp và thổ cư để làm sân chơi, sân vận động, mở rộng đường… Nhờ sự đồng thuận, chung sức của cán bộ, nhân dân, đến nay hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngày một khang trang với nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Không riêng gì huyện Sóc Sơn, tại rất nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, phong trào hiến đất, góp công, góp của diễn ra sôi nổi, với tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân. Bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có được là do sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng từ cả hệ thống chính trị đến người dân mà trong đó đóng góp của từng cán bộ, người dân đã mang đến hiệu quả lớn, giúp Hà Nội sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hơn hết, việc hiến đất không chỉ giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình công cộng mà còn thể hiện ý thức tham gia của nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực về việc chấp hành pháp luật đất đai, giải phóng mặt bằng trong nhân dân. Thật khó để thống kê chính xác trong suốt những năm thực hiện chương trình phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, có bao nhiêu người dân đã hiến đất làm đường nhưng chắc chắn nếu không có sự tình nguyện ấy, những con đường ở nông thôn sẽ ngắn hơn, sẽ hẹp hơn rất nhiều. Đáng mừng hơn cả, phong trào người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới của Hà Nội lan tỏa ở nhiều địa phương, đâu đâu cũng có những gương điển hình tiêu biểu sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình mình chung tay cùng chính quyền xây dựng và phát triển nông thôn khang trang, sạch đẹp./.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này