V-League 2020 gặp khó trên đường trở lại

11:18 | 20/08/2020
(LĐTĐ) Kể từ khi V-League 2020 phải tạm hoãn lần 2 vì đại dịch Covid-19, Rất nhiều phương án được đưa ra sau các cuộc làm việc giữa VFF và VPF cho giải đấu danh giá nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ phút này vẫn chưa có phương án nào thực sự khả thi.
V-League 2020: Vẫn chưa tìm được phương án tối ưu
V-League 2020 sẽ tiếp tục khi Nhà nước cho phép

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có bóng đá. Tạm dừng V-League 2020 sau khi đã trải qua 11 vòng đấu là điều bất khả kháng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc V-League dừng thi đấu ảnh hưởng nhiều nhất đến phong độ của các cầu thủ, bởi việc tập luyện và thi đấu phải được thực hiện song song mới đảm bảo được khả năng phát triển chuyên môn của họ.

1816 0t5a6213
Câu lạc bộ Viettel gặp Câu lạc bộ Than Quảng Ninh tại V-League 2019 (Ảnh: C.Tiến)

Ngoài ra, hầu hết các câu lạc bộ ở V-League đều hoạt động dựa vào nguồn tài chính của các nhà tài trợ, việc đội bóng không thi đấu cũng khiến quyền lợi của các nhà tài trợ không được đảm bảo theo hợp đồng đã được cam kết trước đó, nếu cắt hợp đồng, đơn vị chủ quản của đội bóng cũng sẽ khó đảm bảo mức thu nhập cho các thành viên câu lạc bộ… Những ảnh hưởng khi dừng giải đấu đối với các bên là việc không cần bàn cãi.

Trước những khó khăn đó, nhiều câu lạc bộ đang gặp vấn đề về tài chính (và còn nhiều lý do khác), có ý kiến hoặc hủy kết quả của 11 vòng đấu đã qua, hoặc công nhận chức vô địch cho Câu lạc bộ Sài Gòn (đội bóng đang có thành tích tốt nhất trên Bảng xếp hạng)... Thậm chí, Câu lạc bộ Thanh Hóa còn gửi công văn lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) xin nghỉ đá V-League 2020. Công văn có đoạn: “Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa quyết định không tiếp tục tham gia các trận đấu còn lại của Giả bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam LS 2020 do không biết thời điểm giải sẽ được thi đấu trở lại, trong khi tình hình hoạt động của Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn tài chính để duy trì hoạt động”.

Dù vậy, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, một số câu lạc bộ cũng đã cố gắng duy trì hoạt động tập luyện. Thậm chí Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và Câu lạc bộ Viettel còn tuyên bố giữ nguyên lương và mọi chế độ của các cầu thủ, cho dù giải tiếp tục hay không tiếp tục. Tuy nhiên, không phải đội nào cũng giàu tiềm lực tài chính như Viettel, hay hào phóng như bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai. Thế nên, việc giải đấu tạm dừng càng lâu sẽ càng trở thành gánh nặng cho nhiều câu lạc bộ khác.

Một mặt cam kết giữ nguyên lương và mọi chế độ cho các cầu thủ, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai bày tỏ sự cảm thông với các đội bóng: “Bản thân các câu lạc bộ có nỗi khổ riêng về tài chính, về gánh nặng tiền lương, về bộ máy nhân sự… Nếu giải phải dừng quá lâu thì các đội bóng không thể chờ lâu như thế, nên đề xuất dừng V-League lúc này của họ không phải là đề xuất vô lý”.

Hầu hết các câu lạc bộ đều có chung ý kiến rằng cơ quan quản lý, điều hành cũng như tổ chức các giải đấu nên đưa ra quyết định một cách sớm nhất có thể, bởi các đội bóng cần dựa vào đó để căn chỉnh, tính toán hay có những quyết sách phù hợp không chỉ cho mùa giải năm nay, còn cho cả kế hoạch cho năm sau nữa. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, riêng khu vực Đông Nam Á, Thái Lan nặng nhất, kế đến là Malaysia, tuy nhiên điều gây ngạc nhiên là bóng đá ở hai quốc gia này lại đang khởi động sau thời gian dài án binh bất động.

Trong nỗ lực tìm phương án để V-League 2020 quay trở lại, mới đây VPF có đề xuất tổ chức đá tập trung để hạn chế việc di chuyển của các câu lạc bộ, thay vì đá sân nhà và sân khách như trước đây. Có thể nói, đá tập trung tại một địa điểm vào lúc này được coi là giải pháp để có thể đưa V-League về đích trong năm 2020. Trên thực tế, một số giải đấu ở châu Âu cũng đã tiến hành theo phương án này.

Ông Phan Thanh Hùng, Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Than Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tập luyện bình thường và sẵn sàng cho ngày mùa giải trở lại. Theo tôi thì đá theo hình thức nào cũng được. Đá tập trung là một phương án đáng chú ý trong bối cảnh hiện tại. Các giải bóng đá ở châu Âu đều đã và đang thực hiện nên chúng ta cũng có thể áp dụng. Tất nhiên, phương án này đặt ra cho nhà tổ chức những điều kiện như phải chọn địa điểm có nhiều sân, ở nhiều địa phương. Đặc biệt, Ban tổ chức phải tìm cách xử lý cho hai đội trong vùng dịch là SHB Đà Nẵng và Quảng Nam. Họ bây giờ khó tập luyện bình thường”.

Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Sơn của Câu lạc bộ Becamex Bình Dương băn khoăn: “Chúng tôi rất nôn nóng thi đấu trở lại chứ ngồi một chỗ nhận lương như hiện tại thì không ổn, khó cho câu lạc bộ lắm. Nếu tình trạng này kéo dài thì lương của toàn đội sẽ bị giảm thêm một lần nữa. Hủy giải là trường hợp bất khả kháng, nhưng với tình hình hiện tại thì khó đá lại quá. Các giải bóng đá ở châu Âu tổ chức đá tập trung, nhưng ở Việt Nam bây giờ đá chỗ nào khi dịch bệnh đang lây lan ra nhiều địa phương? Không chỉ Đà Nẵng hay Quảng Nam, Hà Nội và Hải Dương cũng có nhiều người mắc Covid-19”.

Dẫu thế, không phải đội bóng nào cũng đồng tình với phương án này, đặc biệt là những đội bóng đang ở vùng tâm dịch như Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng hay Câu lạc bộ Quảng Nam. Ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch Câu lạc bộ SHB Đà nẵng cho biết: “SHB Đà nẵng bây giờ còn không dám tập luyện. Các cầu thủ cũng không có tâm trí để tập khi nớp nớp nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh. Sáng 18/8, chúng tôi có tổ chức cuộc họp để động viên tinh thần toàn đội. Anh em xa nhà đã lâu nên khá nhớ và muốn về, nhưng không thể vì không có phương tiện di chuyển. Họ chỉ biết liên lạc với gia đình qua điện thoại. Dịch bệnh ở Đà Nẵng đang nghiêm trọng và lan ra nhiều tỉnh thành thì đá tập trung kiểu gì? Không những thế, nguy cơ ở phía trước vẫn rất lớn nên tôi cho rằng, các phương án tổ chức trong thời gian tới là khó khả thi. Còn khi hết dịch thì đá theo thể thức sân nhà, sân khách như cũ chứ việc gì phải đá tập trung?!”.

Sẽ không có một phương án nào hoàn hảo cho giải đấu, đặc biệt là đảm bảo mọi quyền lợi của các đội bóng vào thời điểm này. Tuy nhiên, để V-League 2020 không phải thi đấu dồn dập vào một thời gian ít ỏi ở cuối năm, hay tệ hơn là “chết yểu” như đề xuất của một số câu lạc bộ, VFF và VPF lúc này sẽ phải rất đau đầu để giải đấu được kỳ vọng nhất Việt Nam sẽ sớm quay trở lại, đáp ứng sự mong mỏi của người hâm mộ cả nước cũng như đảm bảo duy trì phong độ cho các cầu thủ nói chung, các cầu thủ của các đội tuyển quốc gia nói riêng./.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này