Phát huy tinh thần khởi nghĩa 19/8, tạo sự lan tỏa để xây dựng đất nước mạnh giàu

17:16 | 19/08/2020
(LĐTĐ) Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945) có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước; đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu cho hiện tại.
Dấu ấn Cách mạng tháng Tám qua những chứng tích lịch sử
"Sao Độc lập": Tái hiện chặng đường lịch sử vẻ vang và đầy tự hào của dân tộc
Khởi nghĩa 19/8/1945: Dấu ấn giành chính quyền tại Hà Nội

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), không khí cách mạng ở Hà Nội càng thêm sôi sục. Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời tổ chức phát động nhiều phong trào đấu tranh để rèn luyện, tập dượt quần chúng. Nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, tối 17/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phát động khởi nghĩa, bằng phương thức: “Huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tổ chức mít tinh ở quảng trường Nhà hát lớn, sau đó chuyển thành tuần hành thị uy chiếm những cơ quan trọng yếu của chính phủ bù nhìn”.

phat huy tinh than 198 tao su lan toa de xay dung dat nuoc manh giau

Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh tưliệu TTXVN)

Các đội vũ trang là lực lượng xung kích của khởi nghĩa, đi đầu chiếm lấy các mục tiêu, đồng thời bố trí ở những vị trí cơ động để sẵn sàng chi viện cho nhau. Để bảo đảm cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, không đổ máu, Thường vụ Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chủ trương tiếp tục giữ quân đội Nhật trong trạng thái “án binh bất động”; do đó không đặt ra vấn đề tước vũ khí của quân Nhật, cũng không đánh chiếm những nơi có quân Nhật đang đóng giữ (Phủ Toàn quyền, Bộ Tổng tham mưu, thành Cửa Bắc, Ngân hàng Đông Dương...). Trong trường hợp quân Nhật nổ súng, ta kiên quyết chống cự, chờ Giải phóng quân từ Việt Bắc về phối hợp chiến đấu. Thời gian khởi nghĩa được ấn định chính thức là ngày 19/8/1945.

Thực hiện mệnh lệnh phát ra, trong ngày 18/8/1945, không khí sửa soạn khởi nghĩa bao trùm khắp Hà Nội. Đến sáng 19/8/1945, cả Thủ đô tràn ngập khí thế cách mạng. Đồng bào tập trung kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật không dám chống lại.Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện này có tác dụng cổ vũ lớn đối với phong trào cả nước, đặc biệt là ở Huế, Sài Gòn.

75 năm đã trôi qua song bài học về khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội mãi vẹn nguyên giá trị.

Nếu như trước đây, khởi nghĩa dành chính quyền nổ ra ngày 19/8 tại Hà Nội không chỉ tạo tiền đề cho tổng nghĩa cách mạng tháng Tám mà còn cổ võ cho các đô thị lớn và cả nước vùng lên giành chính quyền. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt hơn 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên của độc lập- tự do! Ngày nay khi cả nước đang đẩy mạnh cộng cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, Hà Nội với vị trí là Thủ đô của cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn thấm nhuần quan điểm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các lần về làm việc với Đảng bộ Hà Nội, đó là “Hà Nội là Thủ đô nên phải đi trước về trước trong các phong trào”; “Hà Nội phải là tấm gương để các địa phương khác noi theo”…

Ý thức được điều đó, những năm qua Đảng bộ, chính quyền thành phố với sự nỗ lực không ngừng, sự đoàn kết một lòng đã dẫn đầu cả nước trong nhiều phong trào với những cách làm sáng tạo, tạo sự lan tỏa cao. Điển hình như việc thực hiện Chương trình nông thôn mới; chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (hoàn thành trước 2 năm); chương trình phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đặc biệt chương trình nhà ở công nhân… Và để tiếp tục phát huy tinh thần khởi nghĩa 19/8, tinh thần “Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên phải đi trước về trước trong phong trào”, thời gian qua Hà Nội đã đề ra hàng loạt chương trình, mục tiêu để xây dựng thành phố “Sáng- xanh- sạch”; Xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp gắn với một chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và tin tưởng chắc chắn rằng, những chương trình, mục tiêu và cách làm trong phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội một lần nữa sẽ tạo ra sự lan tỏa trên phạm vi cả nước như những gì mà Đảng bộ, quân và dân Hà Nội đã làm ở thời khắc lịch sử 19/8 của 75 năm trước!

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này