Sửa đổi Luật Công đoàn: Cần làm rõ hơn quyền Công đoàn  

19:33 | 11/08/2020
(LĐTĐ) Chiều nay (11/8), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp với Ban Soạn thảo, tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì cuộc họp.
Tổng Liên đoàn lấy ý kiến vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn
Luật Công đoàn sẽ được sửa đổi như thế nào?

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, đã xuất hiện các yêu cầu mới đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục sửa đổi.

0302 117547000 907747149719927 4381851464132647665 n
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại cuộc họp

Tại kỳ họp lần thứ 9 (tháng 5/2020), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn đã được Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết phân công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

“Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động tiến hành một số nội dung công việc, như: Xây dựng dự án Luật, thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập; tổ chức lấy ý kiến của của Chính phủ, các ban, bộ, ngành có liên quan, các cấp công đoàn, các chuyên gia, đã thực hiện đăng tải trên website của Tổng Liên đoàn để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Đình Khang thông tin.

Cần làm rõ về quyền Công đoàn

Góp ý vào tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của Luật Công đoàn Việt Nam cho phù hợp với việc Việt Nam đã phê chuẩn các Hiệp định như CPTPP, EVFTA và Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế...

Tuy nhiên, ông Hải cũng đề nghị Ban soạn thảo cần phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

0309 117445521 323729335534318 129161515370489805 n
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương góp ý tại cuộc họp

Bà Lê Thị Châu (nguyên phụ trách Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn) đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải đảm bảo độ bao phủ của tổ chức Công đoàn - trong bối cảnh tổ chức Công đoàn không còn là tổ chức duy nhất, mà có sự cạnh tranh của các tổ chức đại diện người lao động. Đồng thời cần làm rõ quyền Công đoàn của cá nhân người lao động và của tổ chức Công đoàn.

Trong đó, bà Châu nhấn mạnh cần quy định rõ quyền của người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn, họ cần biết rõ trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tổ chức, và làm rõ quyền của người lao động khác gì với đoàn viên công đoàn trong Luật…

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Trong lần sửa đổi này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần làm rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đặc biệt quyền Công đoàn, cụ thể hơn là quyền Công đoàn của người lao động trong tổ chức Công đoàn.

Liên quan đến vấn đề đình công, theo ông Minh, quyền đình công cũng là quyền Công đoàn, tổ chức Công đoàn cần đảm bảo quyền này của người lao động và Công đoàn được thực thi theo đúng quy định của pháp luật. Ông Minh dẫn chứng trường hợp khi người lao động tiến hành đình công mà không được doanh nghiệp trả lương, Công đoàn có thể xem xét trích quỹ từ Công đoàn để trợ cấp cho người lao động khi tham gia đình công theo sự dẫn dắt của tổ chức, trong khuôn khổ pháp luật. Việc làm này không chỉ thể hiện sự chăm lo cho người lao động của tổ chức, mà qua đó vai trò của tổ chức Công đoàn cũng được nâng lên.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban Soạn thảo, tổ biên tập đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Công đoàn, như: Quyền gia nhập Công đoàn của người lao động nước ngoài; tổ chức, bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; tài chính công đoàn…

0307 117535890 936863353477754 1418859750321672849 n
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Xem xét sửa đổi Luật để Công đoàn mạnh hơn trong bối cảnh tình hình mới

Sửa đổi để Công đoàn mạnh hơn trong bối cảnh tình hình mới

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định sự, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn lần này nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật của Việt Nam; phù hợp với hoạt động công đoàn trong tình hình mới, nhưng phải thực chất.

Nhấn mạnh tổ chức Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, việc sửa đổi phải làm sao tổ chức Công đoàn phải mạnh lên trong bối cảnh tình hình mới.

Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, bổ sung, hoàn thiện, làm đầy đủ, sâu sắc hơn các nội dung của dự án Luật, đảm bảo chất lượng trước khi gửi hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này