Ứng xử thế nào với mạng xã hội

13:45 | 28/07/2020
(LĐTĐ) Mạng xã hội ngày càng được đông đảo công nhân lao động sử dụng như một hình thức cập nhật thông tin, kết nối bạn bè và giải trí. Tuy nhiên, trên mạng xã hội có nhiều luồng thông tin tốt, xấu đan xen, vì vậy đòi hỏi người sử dụng luôn cảnh giác trước những tin xấu, độc và chủ động lựa chọn, tiếp nhận những thông tin chính thống để biến mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích đối với bản thân.
Phát huy hiệu quả tuyên truyền phòng dịch qua mạng xã hội
Quy định mới đối với người dùng mạng xã hội
Đưa chính sách, pháp luật đến gần hơn với người lao động

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân, nhiều đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh trên các trang mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Với những tin giả về dịch bệnh, nhiều công nhân lao động đã kiên quyết nói không và chủ động cập nhật thông tin chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống.

Anh Nguyễn Văn Thể, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Sài Đồng chia sẻ: “Tham gia mạng xã hội, tôi được tiếp cận với nhiều thông tin về dịch bệnh Covid-19. Đơn cử như khi trên địa bàn thành phố Hà Nội có bệnh nhân đầu tiên dương tính với dịch Covid-19, ngay lập tức trên mạng xã hội đã có thông tin bệnh nhân này đi những đâu và làm gì trước khi vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc.Thực sự, khi đọc thông tin này tôi cảm thấy rất hoang mang, lo sợ”.

2017 4916 img 9748
Công nhân lao động sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích đối với bản thân (Ảnh Mai Quý)

Nhưng sau khi đọc tin tức ở các báo đài chính thống, tôi được biết đối tượng đăng thông tin thất thiệt trên đã bị cơ quan công an xử lý vì đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ngoài trường hợp này còn có hàng trăm trường hợp khác đã bị xử lý vì đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.

“Từ đó, tôi đã kiên quyết nói không với những thông tin trên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tôi cũng không like, không chia sẻ những thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Thay vào đó, tôi thường xuyên theo dõi những thông tin về dịch bệnh qua trang thông tin của Bộ Y tế và đọc tin tức ở các báo đài chính thống. Qua các kênh thông tin đó, tôi sẽ có được những thông tin chính xác nhất về dịch bệnh, biết cách phòng chống và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”– anh Thể chia sẻ.

Mặc dù đã nhiều năm sử dụng mạng xã hội nhưng chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Nội Bài chỉ coi đây là công cụ để kết nối với bạn bè, gia đình và chị luôn nói không với thông tin được đăng tải trên mạng xã hội. Lý giải về điều này, chị Hoa cho biết: “Sở dĩ tôi không đọc thông tin trên mạng xã hội vì độ xác thực của những thông tin đó không cao.

Nhiều người đăng tin trên mạng xã hội để thu hút người xem, lượt theo dõi, lượt like nhằm mục đích cá nhân như để bán hàng, giới thiệu sản phẩm hay dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia hoạt động nào đó… Thực tế, có nhiều người sử dụng mạng xã hội, sau khi tiếp nhận thông tin, không kiểm chứng thông tin mà đã chia sẻ trên trang cá nhân và chia sẻ vào những hội nhóm mà mình tham gia làm cho những thông tin đó càng lan rộng”.

Chị Hoa chia sẻ, chị rất quan tâm đến những tin tức liên quan đến các vấn đề xã hội, lao động, việc làm, các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động. Để tiếp nhận những thông tin này, chị thường xem trên ti vi hoặc truy cập vào các trang báo chính thống, các báo liên quan đến người lao động như báo Lao động, Lao động Thủ đô hay trang web của Công đoàn Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…

Ngoài ra, chị cũng thường xuyên theo dõi trang Facebook của tổ chức Công đoàn Việt Nam, bởi với chị đó thực sự là một diễn đàn của công nhân lao động. Tại trang Facebook này, công nhân lao động được cập nhật, thảo luận, trao đổi những thông tin mình quan tâm. Đặc biệt, công nhân lao động được tư vấn nghề nghiệp, việc làm, được giới thiệu các chương trình phúc lợi, hoạt động xã hội từ thiện… cho đoàn viên, người lao động của các cấp công đoàn. Ngoài ra, mọi vấn đề liên quan đến công việc, đời sống mà công nhân lao động đưa lên cũng được quan tâm, giải đáp.

Nói về hiệu quả của trang Facebook của tổ chức Công đoàn, anh Trần Văn Nam, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long cho biết: “Công nhân lao động chúng tôi thường cập nhật thông tin, đặc biệt là những thông tin liên quan trực tiếp đến người lao động như chính sách về Bảo hiểm xã hội, tiền lương, lương tối thiểu vùng, quy định làm thêm giờ… qua các buổi tuyên truyền, phổ biến của các cấp Công đoàn.

Bên cạnh đó, từ khi theo dõi trang Facebook của tổ chức Công đoàn, tôi đã thường xuyên cập nhật thông tin qua diễn đàn này. Nhờ vậy, tôi biết được những thông tin chính thống, tích cực liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động của các cấp công đoàn và các phong trào trong công nhân lao động, tình hình đời sống, việc làm của người lao động... Tại đây, mọi thắc mắc của tôi liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng được giải đáp cụ thể, dễ hiểu”.

Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin, nhiều công nhân lao động còn coi đây là công cụ hữu ích phục vụ những mục đích chính đáng, hợp pháp của bản thân. Chị Nguyễn Thu Thủy (quê Lào Cai) đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Trước đây, khi chuẩn bị xuống Hà Nội để tìm việc, tôi đã lên các hội, nhóm của công nhân lao động trên mạng xã hội để tìm hiểu thông tin và tham khảo về các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Từ đó, tôi đã biết trước được các thông tin cần thiết như: Yêu cầu tuyển dụng, mức lương, thời gian làm việc, lịch phỏng vấn… và tôi cũng có thể chủ động tham khảo ý kiến của các công nhân lao động trong hội, nhóm về điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ của các công ty đang tuyển dụng. Qua đó, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian tìm việc.

Những ngày đầu mới xuống Hà Nội làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, tôi cũng đã chủ động vào các hội, nhóm trên Facebook của công nhân lao động đang làm việc tại khu công nghiệp này để hỏi về chỗ thuê trọ. Từ những chia sẻ, tư vấn nhiệt tình của các thành viên trong hội, nhóm mà tôi đã tìm được một khu nhà trọ an toàn, giá cả hợp lý”.

Mạng xã hội còn là nơi để nhiều công nhân lao động thể hiện cái duyên của mình đối với nghề kinh doanh, từ đó tăng thêm thu nhập. Chị Vũ Thùy Linh, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Sài Đồng chia sẻ: “Nhận thấy quanh khu vực tôi thuê trọ tập trung rất nhiều gia đình công nhân sinh sống, đa phần những gia đình đó đều có con nhỏ nhưng do đi làm tối ngày, ít có thời gian đi chợ hay đến các cửa hàng để sắm đồ cho con nên họ thường lên mạng xã hội để mua hàng online và nhờ ship đến tận nơi vừa tiện lợi vừa đỡ tốn thời gian.

Chính vì thế, ngoài thời gian làm việc tại công ty, tôi đã quyết định kinh doanh online mặt hàng quần áo trẻ em. Do bán hàng chất lượng, uy tín nên lượng khách hàng tìm đến shop online của tôi ngày càng đông vì thế mà nguồn thu nhập của tôi cũng tăng thêm 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng nhờ kinh doanh online”.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này