Thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-TLĐ:

Càng khó khăn, càng nỗ lực không ngừng

10:27 | 23/07/2020
(LĐTĐ) Qua 4 năm triển khai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã tích cực tuyên truyền, đôn đốc thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-BCH ngày 18/10/2016 của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Kết quả, hàng năm, LĐLĐ Thành phố đều hoàn thành 100% chỉ tiêu dự toán được giao trích nộp về Tổng LĐLĐ Việt Nam và sau 3 năm thực hiện, toàn thành phố thu được 98,6 tỉ đồng.Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết này vẫn còn những khó khăn.
Nhìn lại Tháng Công nhân năm 2020: Thiết thực và hiệu quả
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hoạt động Công đoàn

Hàng năm đều hoàn thành 100% chỉ tiêu dự toán

Theo đồng chí Đặng Thị Phương Hoa- Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Thành phố, trong 4 năm qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quán triệt Nghị quyết 9c/NQ-BCH và Công văn số 217/HD-TLĐ ngày 22/02/2017 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 9C/NQ-TLĐ đến các cấp Công đoàn.

Thường trực LĐLĐ Thành phố kịp thời chỉ đạo triển khai Nghị quyết đến các cấp Công đoàn. Hằng năm , LĐLĐ Thành phố đều rà soát, hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh, bổ sung, đôn đốc các cấp Công đoàn thực hiện.Từ năm 2017 đến nay, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng dự toán và đưa chỉ tiêu cụ thể vào báo cáo; thông báo giao dự toán thu chi tài chính Công đoàn hằng năm cho các đơn vị cấp dưới; kết hợp đôn đốc và định kỳ báo cáo để nắm bắt kết quả theo tiến độ; kịp thời tham mưu Thường trực trong công tác chỉ đạo thực hiện; đánh giá kết quả gắn với bình xét thi đua cuối năm.

5154 khen thuong thuc hien nghy quyet 9c
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Bùi Huyền Mai khen thưởng các tập thể thực hiện tốt Nghị quyết 9c nhân Hội nghị Ban chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVI, kỳ họp lần thứ 10 vừa diễn ra mới đây.

Từ chỉ đạo của LĐLĐ thành phố, căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Ban thường vụ cấp mình, hàng năm, các Công đoàn cấp trên cơ sở đều tổ chức phổ biến tuyên truyền nghị quyết với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt; lồng ghép tổ chức tập huấn công tác tài chính công đoàn gắn với hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-TLĐ đến các công đoàn cơ sở.

Ngoài ra, Công đoàn cấp trên cơ sở còn thường xuyên phối hợp với Ủy ban kiểm tra thực hiện kiểm tra đồng cấp, kiểm tra các đơn vị cấp dưới; thông qua kiểm tra thực hiện quản lý thu chi tài chính để bổ sung nội dung kiểm tra thực hiện tiết giảm tại các đơn vị công đoàn, qua đó đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hoàn thành kế hoạch giao.

Kết quả, hàng năm 100% các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện nghiêm túc nộp kinh phí đầy đủ về LĐLĐ Thành phố. Sau 3 năm, các đơn vị nộp về LĐLĐ Thành phố 16.066 triệu đồng. Một số đơn vị thực hiện thu tiết giảm tốt ở cả 2 khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh như: LĐLĐ Phú xuyên, Mỹ Đức, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, CĐ cơ quan LĐLĐ Thành phố Hà Nội …

Đối với LĐLĐThành phố hàng năm cũng hoàn thành 100% nộp Tổng LĐLĐ Việt Nam theo dự toán được giao và nộp bổ sung sau khi quyết toán được phê duyệt, sau 3 năm thực hiện toàn thành phố thu được 98,6 tỷ đồng.

Còn những tồn tại, khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, theo LĐLĐ Thành phố, việc thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-BCH vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Tuy đã được công đoàn cấp trên thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc nhiều công đoàn cơ sở chưa đồng thuận trong việc thực hiện Nghị quyết; kết quả thu tiết giảm 10% chi hành chính và hoạt động phong trào thực chất từ công đoàn cơ sở chưa đạt yêu cầu, đặc biệt thu nộp tiết giảm ở khu vực sản xuất kinh doanh vẫn dừng ở mức thấp.

Qua 4 năm thực hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội chưa thực hiện được một thiết chế của công đoàn nào trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất nên việc tuyên truyền các công đoàn cơ sở tiếp tục thực hiện có tính thuyết phục không cao. Cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội tập trung các đơn vị, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khá lớn, hoạt động kinh doanh khó khăn, không ổn định.

Các công đoàn cơ sở có số lao động, đoàn viên dưới 50 lao động với mức bình quân 1 triệu đồng/đoàn viên/năm; tương ứng số kinh phí công đoàn cơ sở được sử dụng cho hoạt động rất hạn chế nên việc trừ tiết giảm 10% số chi không được công đoàn cơ sở thực hiện.Công đoàn cấp trên theo dõi chỉ tiêu giao nộp theo dự toán, đôn đốc nộp theo quyết toán đối với CĐCS rất khó khăn, thực hiện không khả thi; nếu công đoàn cơ sở không thực hiện thu nộp tiết giảm 10% theo Nghị quyết 9c/TLĐ, đồng nghĩa thêm trách nhiệm đối với công đoàn cấp trên cơ sở, các đơn vị phải lấy kinh phí của mình nộp bù cho công đoàn cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Xác định thực hiện tiết giảm và nộp theo Nghị quyết là trách nhiệm của Công đoàn cấp dưới đối với Công đoàn cấp trên và Tổng Liên đoàn. Vì vậy, số kinh phí còn thiếu, chưa thu được, Công đoàn cấp trên cơ sở và LĐLĐ thành phố phải sử dụng tích lũy nộp bù cho công đoàn cơ sở 3 năm với số tiền 29,295 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng số đã nộp.

Đặc biệt, trong năm 2020 các đơn vị, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động, sản xuất; người lao động, đoàn viên lao động mất việc làm khiến việc thực hiện dự toán thu kinh phí, đoàn phí nói chung và tiết giảm, nộp theo Nghị quyết 9c/TLĐ đối với CĐCS càng khó khăn hơn.

Từ thực tế trên, LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam không thu tiết giảm Nghị quyết 9c đối với các cấp công đoàn trong năm 2020; dành kinh phí cho hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn phải nghỉ việc, mất việc làm do dịch bệnh Covid – 19 gây ra.

LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm tổng kết thực hiện Nghị quyết 9c/TLĐ; đánh giá kết quả ở từng cấp công đoàn, rút ra bài học kinh nghiệm đồng thời đề xuất, sau khi tổng kết đánh giá, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu ban hành cơ chế tạo nguồn lực tài chính, kinh phí đầu tư thiết chế công đoàn từ nguồn thu; không tiết giảm từ nguồn chi. Đối tượng thực hiện chỉ nên áp dụng ở công đoàn cấp trên cơ sở, không thực hiện ở cấp công đoàn cơ sở.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này