Hà Nội tái khởi động quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

21:41 | 13/07/2020
(LĐTĐ) Trong các nguồn lực về tài nguyên và môi trường, điểm rất đáng chú ý là Hà Nội có quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông hiện cơ bản còn nguyên vẹn. Theo nhận định của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và nhiều chuyên gia, nếu khu vực này được quy hoạch sử dụng hiệu quả thì Hà Nội sẽ trở thành một “Seoul thứ hai”.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Tìm giải pháp "tăng tốc" quy hoạch hai bên bờ sông Hồng
Hà Nội trở thành "Seoul thứ hai" nếu sử dụng hiệu quả đất ven sông Hồng

Thực tế, trong gần 30 năm qua đã có một số dự án quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thành hiện thực do vướng mắc các quy định, trong đó vướng nhất là vấn đề trị thủy sông Hồng.

1452 0852 vensonghong
Dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng (ảnh minh họa)

Cụ thể, năm 1994, nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng Dự án Trấn Sông Hồng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với Hà Nội, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.

Giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.

Năm 2016 có ba doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3. Tuy nhiên, dự án cũng chưa triển khai được do vướng các quy định về trị thủy sông Hồng.

Tại buổi làm việc của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thông tin, năm 2018 Hà Nội đã phối hợp Viện quy hoạch thuỷ lợi xây dựng quy hoạch phân lũ, trong đó thống nhất phương án làm đê kết hợp với đường.

“Làm con đường song song chạy từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy hai bên bờ sông. Những khu vực hẹp và cao như đoạn qua Cảng Hà Nội có thể làm cầu vượt dọc theo taluy như sông Hàn của Hàn Quốc”, ông Chung nói và cho biết Tờ trình quy hoạch phòng chống lũ của từng tuyến sông, trong đó có sông Hồng đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cuối năm 2018.

2024 ha noi trong tuong lai zing 1

Sa bàn toàn cảnh quy hoạch Hà Nội năm 2030, tầm nhìn 2050

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ cấp thiết của Hà Nội là hoàn thiện nốt các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, Hà Nội do không có quy hoạch nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông nhiều năm qua không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. “Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Có đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Tất cả đều chờ quy hoạch”, ông Huệ nói.

Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, khi có quy hoạch phân lũ, Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng. Khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế khi quy hoạch được xây dựng. Tuy nhiên, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cũng như các dòng sông khác, phải làm quy hoạch thoát lũ. Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội triển khai.

Trao đổi vấn đề này, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn cải tạo, chỉnh trang bãi sông. Nhưng để đảm bảo được việc này, Hà Nội phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển Thủ đô và chuyển sang Bộ thẩm định. “Các chỉ số kỹ thuật theo quy định khi làm quy hoạch phân lũ là phải đảm bảo an toàn chống lũ tần suất 500 năm, cao độ đê 13,4 mét và lưu lượng thoát nước qua mặt cắt sông Hồng tại Hà Nội là 20.000 mét khối/giây”, ông Hoài nêu.

Ông Nguyễn Xuân Cường Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi có Luật Quy hoạch, việc thực hiện Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - Thái Bình, gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Thực tế, Quyết định trên có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ các tỉnh, thành phố vùng hạ du, đặc biệt là Hà Nội, mà còn đối với định hướng phát triển của Thủ đô.

Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ cử lực lượng khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho Thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng, trên tinh thần là phải nhanh.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này