Hợp đồng đào tạo nghề có phải đóng bảo hiểm xã hội?

19:17 | 06/07/2020
(LĐTĐ) Bạn Nguyễn Thị Thủy Tiên gửi email hỏi: Qua quá trình đối chiếu giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan Thuế, đơn vị tôi được yêu cầu giải trình về việc tại sao các trường hợp đào tạo nghề có hưởng lương mà không đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi Luật lao động qui định, hợp đồng đào tạo nghề không phải đóng bảo hiểm. Vậy trường hợp này có đúng hay không ?
Kiến nghị cho lao động nghỉ việc, giãn việc vì Covid vẫn được đóng bảo hiểm y tế bắt buộc
Ký 2 hợp đồng lao động, có được chi trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào lương?
Mất sổ bảo hiểm, có được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
hop dong dao tao nghe co phai dong bao hiem xa hoi
Theo quy định, sau thời gian học nghề, khi người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên với người sử dụng lao động, công ty và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa - B.D)

- Vấn đề bạn hỏi, Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thông tin:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 quy định:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng…”

Căn cứ theo Điều 60, Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“Điều 60. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

2. Người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động”.

“Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này…”

Như vậy, nếu hợp đồng học việc mà công ty ký với người lao động là để đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu công việc thì có thể hiểu đây là hợp đồng đào tạo nghề. Trong trường hợp này, công ty không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Sau thời gian học nghề, khi người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên với người sử dụng lao động, công ty và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời Căn cứ theo Khoản 4 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2012, các hành vi bị nghiêm cấm: “Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động…”.

Qua quá trình đối chiếu giữa cơ quan Thuế và cơ quan Bảo hiểm xã hội, công ty bạn được yêu cầu giải trình đối với các trường hợp người lao động có hưởng lương, có đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có các trường hợp người lao động ký hợp đồng đào tạo nghề.

Vậy, công ty bạn cần cung cấp các hồ sơ liên quan theo Quy định tại Điều 60, Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2012 để cơ quan Bảo hiểm xã hội và công ty bạn xác định đúng đối tượng thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này