Muốn thắng "giặc" Covid-19, triệu người phải chung một ý chí

15:55 | 12/04/2020
(LĐTĐ) Những ngày qua, tin vui về các kết quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 dường như khiến người dân yên lòng hơn. Người ta đổ xô ra đường như một hình thức chứng tỏ bản thân không hề sợ virus và biện luận bằng lý lẽ “cùn” rằng phải mưu sinh hay bận việc. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sự chủ quan và thiếu tinh thần cảnh giác với dịch bệnh thì rất có thể cái giá phải trả rất đắt.
muon thang giac covid 19 trieu nguoi phai chung mot y chi Kỳ cuối: Quyết tâm giành thắng lợi “kép”, bứt phá trong tình hình mới
muon thang giac covid 19 trieu nguoi phai chung mot y chi Kỳ 4: Những “pháo đài” chống dịch
muon thang giac covid 19 trieu nguoi phai chung mot y chi Hà Nội những ngày tổng tiến công "chống giặc" Covid-19

Sự nguy hiểm của ích kỷ, vô cảm

Trong những ngày qua, thông điệp “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, “Đang ở đâu hãy ở yên đó”… được chia sẻ mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của cộng đồng. Với cơ chế lây lan theo cấp số nhân, các thông điệp này phù hợp với khuyến cáo của ngành y tế, ngụ ý rằng người dân nên hạn chế di chuyển, tiếp xúc với mọi người, tránh tụ tập đông người nhằm giảm sự lây lan của virus và ngăn dịch bệnh bùng phát. “Đứng yên” cũng là một phương cách thiết thực, hữu ích để phòng, chống dịch, đặc biệt kể từ khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch. Giai đoạn đầy cam go và thách thức.

muon thang giac covid 19 trieu nguoi phai chung mot y chi
Cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã và đang dốc sức tập trung cao độ cho nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: H.Đ

Ai cũng hiểu song những hành động của một bộ phận người dân dường như lại trái ngược. Dễ thấy, sau hơn 1 tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 05/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về cách ly xã hội… đường phố Hà Nội có xu hướng đông đúc trở lại. Nhiều người dân không chấp hành. Tình trạng ra đường không mang khẩu trang hay tụ tập đông người vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn cam go hơn với rất nhiều mối nguy cơ lây lan dịch bệnh rộng trong cộng đồng. Bởi vậy, các cấp ngành của Hà Nội từ trung ương đến địa phương luôn quán triệt tinh thần tập trung cao độ, xem đây là giai đoạn cần sự tập trung cao độ hơn nữa, đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của toàn Đảng, toàn dân để chiến thắng trong cuộc chiến này.

Đặc biệt, tinh thần lo cho dân, vì dân được nêu cao và dễ thấy nhất. Ví như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” và Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”; Chỉ thị số 05/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về cách ly xã hội… tất thảy đều hướng đến mục tiêu tối thượng là đảm bảo sức khỏe người dân.

Giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những hình ảnh, diễn biến như trên dù không phải là đa số nhưng cũng đủ thấy gai người, lạnh sống lưng. Đáng nói, không ít người khi được hỏi họ lý sự “cùn” và lôi bức bình phong “mưu sinh” ra làm thứ che chắn cho những hành vi sai của bản thân.

Đành rằng có những người lao động vì sức ép mưu sinh buộc phải đi làm kiếm tiền, duy trì cuộc sống - đó là lý do chính đáng. Thế nhưng, với những trường hợp không có lý do cần thiết mà vẫn di chuyển liên tục, tạo nên một bức tranh đô thị nhốn nháo thì rõ ràng, cần phải có hình thức xử phạt nghiêm khắc.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta đều thấy rất rõ tại sao các quốc gia như Mỹ, Ý và các nước châu Âu… con số bệnh nhân mỗi ngày tăng theo cấp số nhân… Họ đều nghĩ Covid-19 còn ở xa lắm, hoặc chỉ là tin đồn. Còn chúng ta, sự chủ động đã có. Kết quả khả quan bước đầu đã có. Thế nhưng, chúng ta cũng có bài học chát đắng xuất phát từ sự vô cảm và ý thức cá nhân coi thường dịch bệnh. Đó là sự ích kỷ đến tàn nhẫn của những bệnh nhân 17, 21, 34, 100, 178… khi thiếu trung thực trong khai báo y tế và không tuân thủ những biện pháp phòng dịch. Để rồi, những ca lây nhiễm liên tục được phát hiện, để rồi một bệnh viện lớn phải tổ chức cách ly, để rồi hoạt động kinh doanh của cả Thành phố phải tạm ngưng trệ để chống dịch.

Và khi thực hiện giãn cách xã hội, khi công cuộc chống dịch bắt đầu có tiến triển thì nỗi bàng quan, “coi giời bằng vung” và “không phải chuyện của mình” lại bắt đầu nhen nhóm. Phải khẳng định, hành vi ra đường khi không thực sự thiết yếu là chưa chuẩn mực. Chính quyền không thiếu chế tài để xử phạt những người vi phạm cách ly xã hội. Và thực tế, đã có hàng nghìn trường hợp ra đường không cần thiết, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng… bị xử phạt trong những ngày qua. Thế nhưng, không có một biện pháp nào, một chế tài nào hiệu quả hơn bằng chính sự tự giác trong bản thân mỗi người.

Hãy thể hiện bằng hành động thay vì lời nói

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến không ít những dịch cúm "chết chóc" đến rồi đi. Đó là dịch SARS cuối năm 2020 đầu năm 2003 lan ra 29 quốc gia, làm hơn 8.000 người nhiễm bệnh và gần 800 người tử vong. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đã được kiểm soát. Dịch cúm A (H1N1) năm 2009 khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Đại dịch Ebola là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014 với gần 7.000 trường hợp tử vong. Và một chủng cúm tưởng chừng đơn giản nhưng không đại dịch nào gây tử vong nhiều hơn, đó là virus cúm Influenza (virus cúm mùa) hàng năm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 12.000 người tại Mỹ.

muon thang giac covid 19 trieu nguoi phai chung mot y chi
Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân đều có một nhiệm vụ khác nhau, không ai đứng ngoài cuộc. Ảnh: K.Tiến

Y học cũng như năng lực phòng chống dịch trên thế giới ngày càng có nhiều tiến bộ. Đây là cơ sở để hy vọng rằng Covid-19 rồi sẽ chỉ còn là quá khứ. Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể khống chế dịch SARS. Hiện Chính phủ cùng các bộ, ngành làm rất tốt công tác phòng chống dịch và điều trị Covid-19 cho bệnh nhân. Bởi vậy, không có lý do gì để mỗi người dân Việt Nam thiếu tin tưởng và không làm theo những chỉ đạo, hướng dẫn đúng đắn.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể thấy, vai trò của ý thức mỗi cá nhân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân đều có một nhiệm vụ khác nhau, không ai đứng ngoài cuộc. Có những người không quản ngại gian khó, xông vào nơi tuyến đầu, nhưng có những người "đứng yên" cũng là thiết thực góp phần chiến thắng dịch bệnh. Hai cách hành xử tưởng chừng như đối lập nhau, nhưng lại tạo ra sự thống nhất, khớp nối với nhau, tạo ra sự chuyển động tích cực. Đó chính là sự hiệp lực của toàn xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến chống dịch.

Phát huy tinh thần Hà Nội

Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đang trải qua những ngày cao điểm có tính chất quyết định đối với công tác phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã và đang dốc sức tập trung cao độ cho nhiệm vụ quan trọng này.

muon thang giac covid 19 trieu nguoi phai chung mot y chi
Trong gian khó, tinh thần và những hành động đẹp của người Hà Nội được lan tỏa. Ảnh: H.Đ

Minh chứng dễ thấy, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt từ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và các quận, huyện, thị xã, cùng với ngành Y tế, đội ngũ bí thư chi bộ, cán bộ tổ dân phố, trưởng thôn, công an khu vực, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… đang ngày đêm bám địa bàn để tuyên truyền phòng dịch. Nhiều người trong số họ tuổi tác đã nhiều, bề bộn việc nhà, nhưng không quản ngại vì việc chung, vì sự an toàn của cộng đồng. Hà Nội là thế. Người Hà Nội là vậy. Trước mỗi biến cố thăng trầm của thời cuộc, những người sống tại Hà thành luôn thể hiện chất riêng chỉ có ở vùng đất nơi kết tinh giá trị tinh thần cốt lõi của nền văn minh sông Hồng. Đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm sẽ chiến thắng giặc Covid-19.

Chưa vội nhìn rộng ra cả nước, bản thân mỗi người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội cần xác định mình là một chiến sĩ. Mỗi gia đình, đơn vị, địa phương là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch. Không ai nằm ngoài cuộc trong cuộc chiến này. Trước mắt, mệnh lệnh trái tim giản đơn nhất là “ở nhà là yêu nước”, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, những chỉ đạo quyết sách của Hà Nội… muôn lòng như một sẽ khiến cuộc chiến chống Covid-19 này ngắn lại. Hà Nội sẽ chiến thắng

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này