Xa quê... nhớ Tết

13:53 | 27/01/2020
(LĐTĐ) “Có ai về đất mẹ/Mang dùm tôi thư này/Về nơi quê hương có mẹ già đơn chiếc/Thư nói rằng con nhớ mẹ vô cùng”. Đây là những câu thơ nhói lòng của những người Việt xa quê cách nay hơn hai thập kỷ khi mỗi lần Tết đến, Xuân về. Nay internet vào tận phòng ngủ, chỉ cần gọi Zalo, Facebook là mặt nhìn mặt, cùng nhau trò chuyện. Tuy nhiên, dù công nghệ có kéo ngắn khoảng cách thì không gian vẫn rất xa, mùi nhang thơm, mùi bánh chưng và dưa hành những vị hương của Tết, vẫn khiến những người con xa quê trào dâng nước mắt.
xa quenho tet Hương vị của nồi bánh chưng
xa quenho tet Những đóa hoa báo Xuân
xa quenho tet Về quê ở phố
xa quenho tet
Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Thắng (hàng đầu, thứ tư từ bên trái sang) luôn tự nhủ sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc để sớm tới ngày trở về đón Tết bên gia đình. Ảnh: CTV

Cũng như nhiều bạn bè trang lứa cùng đi lao động xuất khẩu nước ngoài, năm nay thay vì đón Tết cùng gia đình, em Nguyễn Duy Thắng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh sẽ đón Tết bên đồng nghiệp tại Osaca Nhật Bản. Thắng sinh năm 1998, là con trai duy nhất trong nhà có ba người con, vì muốn giúp đỡ bố mẹ nên Thắng đã từ bỏ ước mơ học chuyên nghiệp và đi theo con đường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Thắng cho biết, khoảng thời gian đầu mới sang Nhật đầy khó khăn, thử thách. Những trở ngại từ việc bất đồng ngôn ngữ cho đến khác biệt về văn hóa, khí hậu, ẩm thực làm chàng trai trẻ đôi lúc chán nản, muốn từ bỏ. Để có thể giao tiếp với người Nhật, ngoài kiến thức cơ bản được học từ khi còn ở Việt Nam, Thắng thường tranh thủ những ngày được nghỉ làm để rèn luyện thêm vốn từ vựng cho mình, cố gắng hòa nhập với môi trường làm việc mới.

Tết cổ truyền càng tới gần, chàng trai trẻ lại càng thêm nhớ nhà, nhớ về những năm được đón Tết bên gia đình. Chia sẻ với phóng viên, Thắng xúc động: “Tết là lúc sum vầy bên người thân mà năm nay mình lại không về được, cảm xúc thật khó để nói thành lời. Nhiều khi trên đường đi làm bỗng nghe đâu đó những giai điệu của các bài hát ngày Tết vang lên, lúc đó bao cảm xúc, kỷ niệm trong mình lại ùa về.

Mình nhớ những ngày chị em cùng nhau dọn nhà rồi cùng nhau đi mua bóng bay trang trí cho cành đào trước nhà. Những đêm thức trắng để nấu bánh chưng cùng cha mẹ bên bếp lửa hồng và được nghe cha mẹ kể những câu chuyện vui trong năm cũ. Hay đơn giản là những túi lì xì của người thân cùng những lời chúc may mắn, sức khỏe trong một năm mới tốt lành.”

Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, cảm giác buồn, cô đơn là không tránh khỏi, thế nhưng may mắn thay, bên cạnh Thắng luôn có điểm tựa vững chắc từ gia đình. Từ khi sang Nhật làm việc, bố mẹ, chị em gái của Thắng luôn an ủi, động viên Thắng từng ngày để Thắng cố gắng hoàn thành tốt công việc.

Cùng chung cảm xúc với Thắng, đã gần 4 năm kể từ khi xuất khẩu lao động sang Nhật, bạn Nguyễn Thị Thùy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chưa được đón Tết bên gia đình. Hiện tại, Thùy đang là du học sinh làm việc trong một xí nghiệp tại Nhật Bản, sau khi kết thúc thời gian thực tập sinh Thùy sẽ về Việt Nam và xin làm việc tại một công ty để ứng dụng những điều mình học được trong thời gian học tập tại nước ngoài để góp một phần vào sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

xa quenho tet
Chị Thương đón năm mới bên gia đình nhà chồng tại Orange, California

“Tết đang ngày một tới gần, tôi lại càng cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Ở đây tôi không cảm nhận được hơi ấm của tình yêu thương, ốm đau cũng phải một mình gượng dậy. Càng gần tới Tết, tôi lại thêm nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ về quê hương đất tổ” - Thùy tâm sự.

Sang định cư nước ngoài tính đến nay đã được 4 năm, chị Thương (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) ngày ngày mong Tết mau đến để được đoàn viên bên gia đình. Chị Thương lấy chồng và theo chồng định cư tại Orange, California (Mỹ), công việc hằng ngày của chị là làm Nail, còn chồng làm việc cho bưu điện.

Sống tại vùng đất bao người mơ ước, thế nhưng nỗi nhớ quê của chị lúc nào cũng đong đầy. Chị Thương cho hay: “ Những năm trước, mỗi khi Tết đến, cộng đồng người Việt lại tổ chức đón Tết và tổ chức hội chợ, ví dụ như chợ Tết sinh viên, các hội chợ dành cho cộng đồng người Việt Nam sinh hoạt. Trong các phiên chợ đó bán lịch, tranh, hoa, thậm chí có cả câu đối.

Đặc biệt, tại phiên chợ Tết năm ngoái còn có hoạt động viết thư pháp thu hút đông đảo sự quan tâm của mọi người. Các đồ ăn trong mâm cỗ của người Việt cũng được bày bán đa dạng tại hội chợ như bánh chưng, giò, bánh tét, các loại mứt cổ truyền…” Cũng theo chị Thương, mọi thứ bên nước ngoài tuy đủ đầy, thế nhưng chỉ mang hơi hướng chứ không có không khí như ở Việt Nam.

Với mong muốn sau này con của anh chị sẽ được đón Tết trọn vẹn, sau từng đó năm xa gia đình, năm nay vợ chồng chị Thương quyết định sẽ đưa con về Việt Nam đón Tết. Chị Thương cho biết: “Năm nay con trai mình vừa tròn 1 tuổi, để con làm quen và hiểu hơn về những phong tục truyền thống tốt đẹp của quê hương, từ giờ trở đi, năm nào gia đình mình cũng sẽ cố gắng sắp xếp công việc để đưa con về đoàn viên với gia đình mỗi khi Tết đến.

Khi biết tin vợ chồng mình đưa con về ăn Tết, người thân bên Việt Nam ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, thậm chí bà ngoại còn trồng một vườn rau sạch cách đây 1 tháng để chờ cả nhà về cùng thưởng thức. Cảm giác rất hạnh phúc và háo hức, giờ mình chỉ mong thật nhanh tới Tết để được về Việt Nam.”

Tết đến, xuân về, giây phút thiêng liêng chuyển giao của đất trời đang cận kề, bên cạnh những lao động may mắn có điều kiện về đoàn viên với gia đình cũng còn nhiều người Việt không thể về quê đón Tết do điều kiện không cho phép. Thế nhưng, dù ở trên đất nước nào, dù làm công việc gì, những người lao động Việt Nam vẫn luôn ngóng trông về quê hương, xứ sở, nơi có gia đình, người thân và bạn bè của mình, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền của cả dân tộc.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này