Chuyện “của để dành”…

22:57 | 22/01/2020
(LĐTĐ) Thưởng Tết là khoản tiền được người lao động trông đợi nhất vào cuối năm. Đó không chỉ là khoản thưởng ghi nhận quá trình nỗ lực, phấn đấu của người lao động trong một năm miệt mài làm việc, mà còn là “của để dành”, gửi gắm bao nhiêu dự định, kỳ vọng - mong đón một năm mới sung túc, đủ đầy và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. 
chuyen cua de danh Thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cao nhất gần 1 tỉ đồng
chuyen cua de danh Hóng thưởng, chờ Tết
chuyen cua de danh Hà Nội: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 420 triệu đồng

Đâu... đã vào đấy

Những ngày đầu tháng Chạp, khi các khoản tiền thưởng Tết chưa về đến tài khoản, nhưng hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức - Công ty Kyoei (Khu công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội) đã “ứng” trước để sửa sang căn bếp và nâng cấp sân, cổng. Chi phí đến khi hoàn thành công trình ngót nghét lên đến 80 triệu đồng, khoản tiền không hề nhỏ so với đồng lương công nhân tằn tiện hàng tháng của hai vợ chồng.

Anh Đức cho biết: Tết năm trước, tiền thưởng Tết của hai vợ chồng được 3 tháng lương mỗi người, tổng cộng được khoảng 60 triệu đồng. Năm nay, do kinh tế khó khăn, đơn hàng hạn chế, nên mới đây công ty thông báo tiền thưởng Tết chỉ được khoảng 2 tháng lương/người. Vì vậy, Tết năm nay hai vợ chồng mình sẽ phải lên phương án chi tiêu tiết kiệm.

chuyen cua de danh
Người lao động dành phần lớn tiền thưởng Tết để mua sắm cho người thân, gia đình. Ảnh: B.D

“Trước Tết, vợ chồng mình đã sửa nhà - coi như năm 2019 cũng đã làm được một việc lớn. Vậy nên, giờ lĩnh tiền Tết chỉ đủ để mua sắm, phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu cho ngày Tết. Rồi còn phải tính toán để ra chút ít - lỡ khi có việc đột xuất hoặc chẳng may người thân ốm đau. Nói chung, đâu đã vào đấy cả rồi”- anh Đức chia sẻ.

Nghe ngóng thưởng Tết năm nay sẽ nhỉnh hơn năm ngoái chút đỉnh, chị Nguyễn Thị Thảo - công nhân một công ty may đóng tại phường Sài Đồng, quận Long Biên cho biết: Thu nhập trung bình của tôi khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nghe nói, Công ty sẽ thưởng Tết khoảng 1,5 tháng lương, cộng thêm một vài khoản thưởng lặt vặt, rồi tiền lương tháng, dồn vào cuối năm cũng được hơn 22 triệu đồng.

“Nghe 22 triệu đồng cũng to đấy, nhưng nào là biếu bố mẹ bên nội, bên ngoại, mua sắm, chi dùng cho gia đình. Một năm mới có mấy ngày Tết, cũng không thể tiết kiệm quá. Tổ tôi, có chị hùn thêm tiền tằn tiện trong năm dự định đổi cái xe máy mới, người nhân dịp này sắm thêm cái tivi, người đổi tủ lạnh mới… Làm quần quật cả năm, mọi thứ giờ “trông” cả vào thưởng Tết, nên cũng cố lo Tết làm sao cho thật đủ đầy, tươm tất, để mong năm sau cuộc sống sẽ được khấm khá hơn”, chị Thảo chia sẻ.

Không khoe chính xác số tiền thưởng Tết được lĩnh năm trước, song Nguyễn Thị Mai Lan - nữ thiết kế hiện đang công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông rất đỗi tự hào vì khoản thưởng Tết năm ngoái cô đã giúp anh trai mua được chiếc xe máy, giúp bà một phần tiền xây nhà, chuyển cho bố mẹ một ít để sắm sửa đồ dùng, dành một khoản để lo cho người nhà đau ốm khi cần. Còn với bản thân, năm 2019, Lan đã “check in” được một vài địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước mà cô mơ ước.

“Năm nay, chắc sẽ không có nhiều việc lớn, đột xuất như năm ngoái, nhưng em sẽ tiếp tục dành tiền thưởng Tết để chăm lo cho gia đình ở quê và tiết kiệm cho những dự định, mục tiêu phát triển cá nhân tại Thủ đô”, Lan chia sẻ.

Tạo động lực để tiếp tục đồng hành

Đầu năm, đi đến đâu, sau lời chúc nhau năm mới, người ta cũng râm ran hỏi nhau chuyện thưởng Tết. Do đó, nhiều năm nay, thưởng Tết, dù ít hay nhiều, đã trở thành thông lệ, trở thành nét văn hóa doanh nghiệp, được coi là một trong những chế độ phúc lợi để chăm lo nguồn lực, “giữ chân” người lao động trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn lực trên thị trường lao động.

chuyen cua de danh
Công nhân tham gia mua sắm tại Phiên chợ nghĩa tình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Ảnh: B.D

Nói đến chuyện thưởng Tết, chị Đào Thanh Lan - cán bộ làm công tác nhân sự tại một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: Gọi là “thưởng Tết” cho phấn khởi, chứ kỳ thực, ai cũng hiểu đó là khoản thu nhập còn lại trong năm đơn vị chia cho mình, ai làm nhiều, hưởng nhiều, ai làm tốt sẽ được trả công xứng đáng.

Đi làm cả năm, lao động nào mà không ngóng thưởng Tết, Tết đến nhà ai chơi, ai chả có câu cửa miệng hỏi nhau xem “thưởng Tết “to” không, năm nay “ăn” Tết thế nào?”, và rồi từ đó đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp. Nên, dù khó khăn đến đâu, các doanh nghiệp cũng đều cố gắng lo thưởng Tết cho người lao động ở mức bằng hoặc cao hơn năm trước chút ít, tạo động lực để người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, không “ngó sang anh hàng xóm”.

Là ngành sử dụng đông công nhân lao động, lương thưởng phụ thuộc hoàn toàn vào đơn hàng, nhưng năm nay tín hiệu thưởng Tết của lao động ngành Dệt May khá khả quan. Theo tổng hợp sơ bộ của Công đoàn Dệt May Việt Nam, thưởng Tết năm 2020 sẽ cao hơn 10% so với năm trước.

Ông Nguyễn Hồng Chiến - Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị ngành May đã có đơn hàng đảm bảo việc làm đến tháng 3-4/2020. Về thưởng Tết, năm trước, bình quân người lao động được thưởng Tết khoảng 1,5 tháng lương, nhưng năm nay, do thu nhập của công nhân đã tăng, lương tối thiểu vùng cũng đã tăng lên, nên thưởng Tết sẽ tăng hơn 10% so với năm trước.

Nhận định về tình hình thưởng Tết năm nay, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Năm 2019, ghi nhận bức tranh kinh tế - xã hội có sự phát triển, sáng sủa hơn, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có khởi sắc; quan hệ lao động có nhiều tích cực. Qua nắm bắt, các doanh nghiệp vẫn duy trì mức thưởng Tết từ 1 đến 2 tháng lương.

“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc về mức thưởng Tết - bởi mức thưởng đó không chỉ có tác dụng động viên, khuyến khích người lao động sau 1 năm làm việc, mà còn là tiêu chí để thu hút lao động xem xét có gắn bó với lâu dài với doanh nghiệp đó hay không, hay sẽ “nhảy việc” ngay sau kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường, nhu cầu nhân lực các vị trí luôn sẵn, nên người lao động có quyền lựa chọn chọn nơi làm việc có chế độ phúc lợi tốt hơn”, ông Quảng khuyến cáo.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này