Nhà văn Vũ Thảo Ngọc:

Con chữ thương đời thợ lấm láp

12:49 | 10/01/2020
(LĐTĐ) Lúc nào trong văn của Vũ Thảo Ngọc cũng chất chứa nỗi đời, đặc biệt là hình ảnh người thợ lò làm việc dưới những hầm lò khai thác than. Chị tâm sự thật lòng, dù có lúc muốn “trốn” theo một đề tài khác, nhưng cuối cùng văn vẫn xoáy sâu vào đề tài đã làm nên giọng điệu và văn nghiệp của chị như một cái duyên không thể nào đổi khác.
Phiêu trên trang sách
Gợi lại ký ức một thời ở Liên Xô và Đông Âu
Nỗi khắc khoải từ sâu thẳm

Cuộc sống… đẻ ra văn

Chưa cần biết Vũ Thảo Ngọc thành công đến đâu, chỉ riêng chuyện chị róng riết với đam mê, mà đam mê một đề tài về những người thợ “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” đã rất đáng nể. Hơn thế, khi hiểu thêm về chị, từ niềm đam mê đến những cơ duyên, càng cho thấy chị đã bị buộc chặt với những thân phận người công nhân.

Ở ngoài đời thực và trong văn chị, người công nhân phải nhọc nhằn đào bới, đánh than, may mắn mới kiếm được vỉa than tốt. Cũng như chị, phải cày cục trên cánh đồng chữ nghĩa, tìm kiếm trong lòng đất cuộc đời để chưng cất thành tác phẩm văn chương.

Nhìn vào những chặng đường của chị, có thể thấy niềm đam mê đã dẫn dắt chị gắn vào con đường chữ nghĩa. Vũ Thảo Ngọc sinh năm 1965 tại đất học Mộ Trạch (Bình Giang - Hải Dương). Học hết cấp 3 trường huyện, nguyện vọng thi đại học của chị là vào trường Tổng hợp văn với ước mơ sẽ làm nhà báo, nhưng thi trượt, và chị đã xin vào học khoa Điện mặt bằng tại Trường Công nhân Cơ điện Chí Linh nay là trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương). Ra trường năm 1987, chị được nhận vào làm công nhân tại Mỏ than Cọc Sáu (Cẩm Phả - Quảng Ninh).

Con chữ thương đời thợ lấm láp
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc tâm sự với công nhân mỏ.

Là phụ nữ nhưng chị đã nhanh chóng nhập cuộc, nhập vào đời sống bình dị cùng những người công nhân mỏ lộ thiên lộ thiên Cọc Sáu xa xôi ấy. Và chị nhận ra, ở mỏ, đời sống công nhân ngành than, ngoài công việc nặng nhọc vất vả, đối mặt với hiểm nguy ra, đời sống của họ cũng khá sôi động, nhiều người đam mê văn nghệ, lãng mạn lắm. Và từng nuôi ước mơ làm một nhà báo, nên khi biết ở mỏ có Đài truyền thanh, chị đã mạnh dạn thường xuyên viết tin, bài cho Đài truyền thanh của Mỏ than Cọc Sáu và trở thành cộng tác viên tích cực của đài, báo tỉnh Quảng Ninh...

Đó là báo, còn chuyện viết văn thì sao? Vũ Thảo Ngọc trả lời rằng, cuộc sống của người công nhân, công việc của chị, đặc biệt là quãng thời gian vận hành bơm moong khá vất vả, từ những cái tin, bài nhỏ bé ấy đã tiếp thêm hứng khởi để chị cặm cụi sáng tác văn học. Chính cuộc sống của đời người thợ với vô vàn khó khăn ấy đã thôi thúc chị niềm đam mê ...viết!

Viết bằng sự xúc động và nhạy cảm về cuộc sống xung quanh, chị đã viết về chính những con người bình dị bên cạnh chị, chị cho rằng, cuộc sống luôn khúc xạ vào trang viết, để có những trang viết hay chị luôn phải quan sát và bắt đầu với từng trang nhọc nhằn khi tranh thủ lúc nghỉ ngơi đi làm ca ba, và khi nào có thể là chị ...viết. Vì thế, những truyện ngắn đầu tay lấm láp đời thợ mỏ lần lượt ra đời. Nữ nhà văn tâm sự: “Tôi là người sáng tác lấy cảm hứng từ thực tế cuộc sống sinh động.

Đúng hơn cuộc sống đã “đẻ” ra văn. Đời sống người công nhân, người thợ lò lúc nào cũng khiến tôi day dứt!”. Vậy đời sống “đẻ” ra văn là thế nào? Chị bảo: “Có những người lấy vốn sống từ sách, đọc vài cuốn đến vài chục cuốn là “đẻ” ra một cuốn, gọi là “sách đẻ ra sách”. Họ không trọng thực tế. Còn tôi chưng cất vốn sống thành văn. Văn là đời!”

Cái duyên với đời thợ

Tôi còn nhớ, trong lần về Quảng Ninh công tác gặp chị, Vũ Thảo Ngọc đã nói về truyện ngắn “Chị tôi”, viết về nữ công nhân mỏ ở khu tập thể vùng than. Sau này truyện ngắn in lại vào sách và tôi đã đọc. Truyện ngắn thật sự xúc động bởi chất chứa được tình đời, tình người và khát vọng sống chân thực. Sau này Vũ Thảo Ngọc tâm sự thêm rằng, chị mãi không quên nhóm nữ công nhân ngày đó mà chị được sống cùng - chính là những nữ thanh niên xung phong.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, trở về thì đã quá lứa nhỡ thì, họ về vùng mỏ làm công nhân. Vũ Thảo Ngọc hiểu những nỗi niềm phía sau nụ cười của họ. Phía sau những nụ cười có vẻ lạc quan ấy, là một khoảng trống, là miền day dứt khao khát cháy bỏng làm vợ, làm mẹ. Và đơn giản, vì họ đều là những con người có tràn đầy những ước mơ và mong ước về một gia đình bình dị như muôn người khác...

Vũ Thảo Ngọc tâm sự, truyện ngắn đầu tay có tên “Chị tôi” được in báo Hạ Long của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 1991, nhân vật chính trong truyện đã gây xúc động cho bao người, đặc biệt là nhà văn, nhà báo Tô Ngọc Hiến, người đã giúp biên tập truyện ngắn. Do tôi quên không ghi địa chỉ bên dưới truyện, nên khi in xong, cơ quan báo không biết gửi báo biếu về đâu.

Rất may nhà báo Tô Ngọc Hiến có dịp đi công tác ở Mỏ than Cọc Sáu. Ông có nói với cán bộ văn phòng rằng, mình muốn tìm tác giả truyện ngắn “Chị tôi” tên là Vũ Thảo Ngọc mà về Cẩm Phả đi mấy nơi rồi mà không tìm được, có cả nhuận bút và báo biếu mang cho tác giả ấy đây. Anh cán bộ văn phòng mỏ nghe thế thì thốt lên, thế thì đúng là cô Vũ Thảo Ngọc nhà tôi rồi, cô ấy là người thường xuyên viết tin, bài cho đài truyền thanh mỏ.

Tôi đã được gặp nhà văn Tô Ngọc Hiến dịp đó. Ông trao tờ báo và nhuận bút cho tôi. Đó là niềm vui vô bờ bến đối với tôi bởi được gặp một nhà văn lớn không chỉ riêng của vùng mỏ ngày đó, mà bởi nhà văn đã mang đến cho tôi thêm chất xúc tác để tôi theo đuổi đam mê viết văn...

Sau truyện ngắn đầu tay Chị tôi ấy, Vũ Thảo Ngọc viết như lên đồng. Ngoài công việc chuyên môn, chị luôn tự nhủ mình phải viết ngày càng sâu sắc hơn về đời sống lao động và tinh thần của người thợ mỏ và chị đã gặt hái được không ít thành công. Năm 1997 chị xuất bản tập truyện ngắn đầu tay có tên “Đêm chuyển mùa”, mà tất cả gần 20 truyện ngắn đều xoay quanh vấn đề vùng mỏ, trong đó truyện được lấy tên chung của tập là “Đêm chuyển mùa” viết về những người làm việc dưới moong sâu đầy ý chí, nghị lực phải lăn xả với công việc vất vả, nhất là khi mùa cốc vũ về. Tập truyện cũng là hành trang để chị thi vào Trường viết văn Nguyễn Du, khóa 6.

Sau bốn năm học, năm 2003 tốt nghiệp ra trường, Vũ Thảo Ngọc đã có lưng vốn văn chương kha khá. Chị chuẩn bị để trở lại Mỏ than Cọc Sáu công tác, nhưng khi ấy nhà thơ Trần Nhuận Minh (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh) đã về Mỏ than Cọc 6 “xin” lãnh đạo mỏ cho Vũ Thảo Ngọc về làm biên tập viên văn xuôi tại báo Hạ Long (ấn phẩm của Hội).

Sau thời gian ngắn chị làm biên tập viên văn xuôi, rồi chị nhận nhiệm vụ chăm lo tờ Báo Hạ Long với vai trò Thư ký tòa soạn, rồi tiếp theo được đề bạt làm Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh... Năm 2007 do điều kiện gia đình riêng chị lại chuyển về Hà Nội làm cán bộ ở Ban truyền thông của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Dù cơ quan ở Hà Nội, nhưng chị lại sống nhiều ở vùng mỏ Quảng Ninh. Chị vẫn đùa với bạn bè rằng, “ở Hà Nội, lội Quảng Ninh”. Vì công việc của chị vẫn đi về giữa hai miền thương nhớ ấy, và đề tài về đất và người vùng mỏ... như cái duyên trời định không thể dứt ra được..

Tôi không biết chị sẽ viết về đề tài thợ mỏ đến khi nào, nhưng thấy chị vẫn đang cày cục những bài viết về đời thợ, cuốn tiểu thuyết mới ở tầm khái quát cao hơn về người thợ, và đặc biệt là sự háo hức, trăn trở, hồi hộp trong chị về những đứa con tinh thần cho thấy chị sẽ còn viết nhiều hơn nữa. Vậy nên, đọc “Chị tôi” luôn hình dung ra cảnh những người thợ bị bụi than phủ khắp người, chỉ đôi mắt biết nói và khuôn miệng hở ra, đỏ như một hòn lửa.

Tôi luôn day dứt về những con chữ thương và đồng cảm với đời thợ của chị. Không ít công nhân là thợ mỏ đã khóc khi đọc tác phẩm của chị, bởi thấy mình trong đó, thấy nỗi nhọc nhằn của mình được sẻ chia. Văn chương, rốt cuộc, được như thế đã là hạnh phúc.

Mộc Lâm 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này