Đấu tranh với tệ nạn mại dâm – Còn nhiều khó khăn, thách thức

17:48 | 24/12/2019
(LĐTĐ) Trong các loại tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm có nguy cơ nảy sinh nhiều loại tội phạm hình sự, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp đổi mới đồng bộ nhằm từng bức hạn chế, ngăn chặn, loại bỏ tệ nạn mại dâm ra khỏi đời sống xã hội.    
dau tranh voi te nan mai dam con nhieu kho khan thach thuc Đề nghị tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm
dau tranh voi te nan mai dam con nhieu kho khan thach thuc Quyết tâm đẩy lùi tệ nạn mại dâm
dau tranh voi te nan mai dam con nhieu kho khan thach thuc Có nên hợp pháp hóa mại dâm?

Tệ nạn mại dâm là hiện tượng xã hội tiêu cực, trái với chuẩn mực, đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc và quy định của pháp luật; là vấn nạn gây nhức nhối trong cộng đồng, làm suy thoái đạo đức, nhân cách của con người, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong giai đoạn trước song đến nay, tệ nạn mại dẫm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Hoạt động mại dâm vẫn diễn biến phức tạp; thiếu các chính sách và các chương trình can thiệp tích cực, phù hợp, đặc biệt là vấn đề giảm hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ thay đổi công việc đối với người bán dâm.

Chính vì vậy, ngày 07/03/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg với mục tiêu lấy phòng ngừa làm trọng tâm. Chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm; từng bước xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng trong công tác phòng ngừa mại dâm.

dau tranh voi te nan mai dam con nhieu kho khan thach thuc
Tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa: Dantri.com)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tiếp tục thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 361/QĐ-TTg.

Theo báo cáo của các địa phương, tính riêng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018, có 5.993 lượt người bán dâm được hỗ trợ từ các mô hình thí điểm. Riêng năm 2018, có 1.194/3.709 người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng. Trong đó: 231 lượt người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; tư vấn trợ giúp pháp lý cho 937 lượt người; 13 người được hỗ trợ học nghề và 13 người được vay vốn, tạo việc làm...

Tuy nhiên, hiện tình hình tệ nạn mại dâm và các nhóm tội phạm liên quan ngày càng hoạt động dưới nhiều hình thức tinh vi. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ và quá trình mở cửa hội nhập kinh tế, các hình thức mại dâm sử dụng công nghệ cao được nhóm đối tượng phạm tội lựa chọn sử dụng như thông qua mạng internet, điện thoại thông minh, hệ thống máy tính, các kênh liên lạc trực tuyến…

Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của người nước ngoài và đưa người ra nước ngoài hoạt động mại dâm. Nhiều đường dây mua bán dâm cao cấp (diễn viên, người mẫu…) được hình thành và tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, dẫn đến hàng loạt hệ lụy cho xã hội, khiến cho tình hình ngày càng phức tạp hơn.

Dự báo thời gian tới, tính chất, mức độ của tệ nạn mại dâm ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn. Hậu quả của nó không những xâm phạm nghiêm trọng đến tình hình an ninh-trật tự, kỷ cương xã hội, lợi ích của Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mỗi cá nhân, hạnh phúc của từng gia đình; các nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh; độ tuổi người vi phạm ngày một trẻ hóa; địa bàn hoạt động của các không chỉ tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến trọng điểm mà lan rộng, chuyển hướng tới các vùng nông thôn, địa bàn khó khăn…

Vì vậy, từ nay tới năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, các cấp, các ngành và địa phương tập trung triển khai Quyết định 361/QĐ-TTg về Chương trình phòng, chống mại dâm, giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật về mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ nảy sinh tệ nạn mại dâm; lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống mua bán người… Trong đó, ưu tiên cho các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền có hiệu quả về việc giáo dục hành vi tình dục an toàn, lành mạnh; phòng chống HIV/AIDS và tội phạm mua bán người tại cộng đồng, các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ… nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế nguy cơ bị mua bán, bị ép buộc làm mại dâm – nhất là đối với nhóm lao động di cư, tìm kiếm việc làm.

Đồng thời thực hiện nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng cho người bán dâm nhằm từng bước phòng, chống bạo lực, giảm tác hại do mại dâm gây ra với đời sống xã hội; khuyến khích, hỗ trợ người bán dâm từng bước chuyển đổi việc làm, có thu nhập, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

T.Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này