Biến khẩu hiệu thành quyết tâm hành động

22:45 | 20/12/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng với nhiều sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm OCOP vẫn chỉ được biết đến ở địa phương và chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước... Theo các chuyên gia kinh tế, nút thắt lớn nhất hiện nay là việc thiếu liên kết với các nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
bien khau hieu thanh quyet tam hanh dong Hà Nội sẽ có 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia năm 2019
bien khau hieu thanh quyet tam hanh dong Quận Cầu Giấy triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Hiệu quả từ Chương trình OCOP

Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, OCOP được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.

Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP, thời gian qua Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm thương mại; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…

bien khau hieu thanh quyet tam hanh dong
Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết để sản phẩm OCOP phát triển rộng rãi và bền vững. (Ảnh Đ.Đ)

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, trong 10 năm qua, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Nhờ đó, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm, hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm. Hiện nay, cả nước đã có 12 tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang đã tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP.

Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao, 5 sản phẩm đề xuất 5 sao, 195 sản phẩm 4 sao, 395 sản phẩm 3 sao, các địa phương khác đã và đang triển khai việc tổ chức, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai chương trình như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…

Bên cạnh Chương trình OCOP, các chương trình như khuyến công và phát triển làng nghề đang ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: Thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống, sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam...

Cùng với đó, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại.

Hiện nay, cả nước có hơn 5.000 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là khoảng gần 2.000. Nhiều nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các đặc sản vùng miền, đây là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng xuất sắc, có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết bền vững

Triển khai Chương trình OCOP năm 2019, Bộ Công Thương với nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các địa phương, vùng, miền đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ 12 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Mặt khác, các địa phương cũng đẩy mạnh truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân…

Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Hoạt động này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, tạo chuỗi liên kết bền vững giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình OCOP được Chính phủ xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, rất phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đồng thời, tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia…

Cũng theo ông Tiến, phát triển theo Chương trình OCOP cũng là phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo đó, việc đánh giá, gắn sao cho sản phẩm mới chỉ là đầu chuỗi. Phần cuối chuỗi và cũng là then chốt giúp chuỗi tồn tại, đó là xúc tiến thương mại, lo được đầu ra cho sản phẩm. Do vậy việc phát triển các điểm bán và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ là khâu quan trọng nhất, tạo nên hệ thống phân phối hiệu quả, đưa được sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này