Từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm

14:44 | 19/12/2019
(LĐTĐ) Trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống mại dâm của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với thực trạng mại dâm khá phức tạp như hiện nay, các ngành, các cấp cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống mại dâm.  
Kỳ 4: Nhức nhối nạn mại dâm
Kỳ 4: Tệ nạn mại dâm: Nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm
Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống ma túy, mại dâm

Trải qua 16 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) và gần 20 năm thực hiện các Chương trình hành động phòng, chống mại dâm các giai đoạn: 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015 và giai đoạn 2016 - 2020, tệ nạn mại dâm ở nước ta đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi.

Cụ thể, số tụ điểm mại dâm công cộng giảm mạnh, nhiều địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng; giảm số cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, cơ sở karaoke...), giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; ngăn chặn, giảm số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em, người chưa thành niên.

Các lĩnh vực công tác về phòng ngừa như tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, cơ sở kinh doanh dịch vụ; can thiệp, giảm tác hại, hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng và đấu tranh xử lý vi phạm đã được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện, đạt được nhiều kết quả.

Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả. Quá trình thực hiện luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nên nhiều địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm, giảm đáng kể số xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm.

Từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm
Tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa: VOV)

Tuy nhiên, kết quả công tác phòng, chống mại dâm chưa vững chắc, còn rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong tình hình hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và giao lưu, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với khu vực và trên thế giới.

Tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Những khó khăn, thách thức trên là do khuôn khổ pháp lý về phòng, chống mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm sau 16 năm thi hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và đòi hỏi phải sớm khắc phục với việc sửa đổi, bổ sung, đặc biệt cho phù hợp, đồng bộ và thống nhất hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Hiến pháp năm 2013.

Một số quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện hành tỏ ra không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống mại dâm nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung trong điều kiện mới, nhất là các quy định liên quan đến người bán dâm...

Từ các vấn đề trên, yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và phòng, chống HIV/AIDS…

Trên cơ sở thực tế công tác phòng, chống mại dâm những năm qua và bối cảnh kinh tế - xã hội trong những năm tới cũng đặt ra các yêu cầu mới về phòng, chống mại dâm, trong đó vấn đề quan tâm đầu tiên là phải tăng cường các hoạt động phòng ngừa tệ nạn mại dâm; tập trung vào xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm.

Đồng thời, xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống. Điều này là hoàn toàn phù hợp với phương pháp tiếp cận về đảm bảo quyền của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ghi nhận trong Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của nhóm đổi tượng này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, người bán dâm là một trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội).

Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, và tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, có thu nhập khác để giảm tần suất hoặc dừng công việc bán dâm, ổn định cuộc sống và hoà nhập xã hội…

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, mục tiêu thời gian tới từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, quá trình xây dựng, đề xuất dự án Luật phòng, chống mại dâm sẽ gấp rút được thực hiện để sớm trình lên Chính phủ, để báo cáo Quốc hội.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này