Những sắc màu ngoại ô

20:09 | 28/11/2019
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, khi đến với những vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, người ta có thể cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” từng ngày. Sắc màu mới từ chính những ngôi nhà mới, các con đường rộng rãi thênh thang và còn cả những tuyến hoa đua nhau khoe sắc. Đó cũng chính là kết quả từ phong trào làm đẹp làng xã do chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, chung tay giữ gìn cảnh quan, môi trường sống.
nhung sac mau ngoai o Bộ mặt nông thôn ở Thanh Oai đổi thay nhờ nông thôn mới
nhung sac mau ngoai o Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý trật tự đô thị
nhung sac mau ngoai o Chung tay vì đường phố sạch đẹp

Thơm mát từ những con đường nở hoa

Đến xã Cổ Loa, huyện Đông Anh ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những con đường rợp sắc hoa trải dài khắp các thôn xóm. Ở nơi đây, hoa được người dân chăm chút tỉ mỉ vô cùng. Thậm chí, có những thôn xóm, người dân yêu mến, trân trọng tới mức gọi những đường hoa này bằng cái tên “đường hạnh phúc”.

nhung sac mau ngoai o
Ông Nguyễn Văn Chu (xóm Hương, xã Cổ Loa) đang chăm sóc con đường hoa. (Ảnh:K.Tiến)

Cũng bởi lý do đó mà gần một năm nay, diện mạo những con đường ở xã Cổ Loa hoàn toàn thay đổi, những con đường như được khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc màu. Theo cảm nhận của nhiều người dân nơi đây, từ khi có đường hoa họ thấy yêu xóm làng hơn, đường về nhà sau một ngày lao động mệt mỏi dường như ngắn hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Chu (xóm Hương, xã Cổ Loa) chia sẻ: “Từ khi các cấp chính quyền chung tay vận động người dân tham gia trồng và chăm sóc những con đường hoa thì tôi thấy mọi người dường như có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Vui hơn là tình trạng vứt rác bừa bãi đã chấm dứt. Người người, nhà nhà ý thức hơn trong việc dọn dẹp vệ sinh, biết nhắc nhở nhau chăm chút cảnh quan, môi trường sống. Đặc biệt, nhiều nơi người dân tự nguyện bỏ công sức, kinh phí để nhân rộng phong trào trồng hoa. Không chỉ hình thành các tuyến đường hoa, phong trào còn góp phần xóa bỏ nhiều điểm tập kết rác thải bừa bãi”.

Được biết, mô hình đường hoa được gọi tên là “Dự án đẹp”, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội tại xã Cổ Loa. Kể từ khi dự án được đưa ra đã được sự đồng thuận của các đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Theo đó, mỗi thôn đã chọn một đoạn đường để trồng hoa, tối thiểu dài 100m. Tại đây, người dân cùng nhau dùng lốp xe, xô, chậu nhựa… để làm chậu trồng hoa, cây cảnh. Các thôn cũng chọn ra một ngõ xóm để thực hiện điểm nội dung “tường có hoa, cổng nhà có hoa”. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn cũng thi đua trồng và chăm sóc các bồn hoa, vẽ tranh tường, vệ sinh khuôn viên cơ quan, trường học, nhà văn hóa thôn theo tiêu chí “xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường”.

Sau gần một năm phát động, đến nay, mô hình đường hoa lan tỏa rộng khắp các thôn, đường làng ngõ xóm như được khoác áo mới, ngập tràn sắc hoa, cây cảnh. Nhiều nơi triển khai vượt chỉ tiêu xã giao, như thôn Lan Trì hình thành đường hoa mười giờ, bóng nước, cây thanh táo; xóm Mít có đường hoa dừa cạn, ngọc trai, bảy sắc cầu vồng; xóm Gà thực hiện đường hoa hồng, ngũ sắc,; xóm Chợ, xóm Hương có hoa chiều tím…

Những con đường hoa len lỏi vào từng ngõ xóm, người dân phấn khởi, ý thức giữ gìn, chăm sóc cảnh quan, môi trường cũng được nâng lên. “Có thể thấy, sự hình thành của những con đường hoa đã giúp diện mạo xã Cổ Loa thêm tươi mới, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng làng quê “sáng - xanh - sạch - đẹp”, bà Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cổ Loa cho hay.

Chung tay xây dựng làng quê đổi mới

Khi mới triển khai, mô hình đường hoa ở xã Cổ Loa cũng gặp khó khăn. Chủ yếu là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, một bộ phận bận làm kinh tế nên không có thời gian để trồng và chăm sóc hoa.Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, việc trồng hoa bên đường không thực tế, dễ bị hư hỏng nên họ không ủng hộ. Mặt khác, đường làng, ngõ xóm ở nông thôn hiện nhỏ hẹp, nhiều chỗ không còn đất trống để trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát nên khó trồng đồng bộ.

Hơn nữa, việc xây dựng mô hình đoạn đường nở hoa đã khó, song việc duy trì và nhân rộng ra nhiều tuyến đường khác càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, chính là sự chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương đã làm nên diện mạo mới của xã Cổ Loa ngày hôm nay.

nhung sac mau ngoai o
Nhiều tuyến đường hoa ở huyện Đông Anh làm thay đổi diện mạo cho vùng quê (Ảnh:K.Tiến)

Đáng chú ý, để duy trì cảnh quan, Ủy ban nhân dân xã đã giao cho mỗi đoàn thể phụ trách một tuyến đường để chăm sóc, quản lý. Chẳng hạn, hội Liên hiệp phụ nữ quản lý tuyến đường trục chính, Đoàn Thanh niên quản lý tuyến đường trước trụ sở ủy ban xã, Hội Cựu chiến binh quản lý các tuyến đường trong thôn… Qua việc huy động được sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân, nhận thức và công tác chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương ngày một nâng cao.

Rời xã Cổ Loa, đi dọc theo các tuyến đường khác của huyện Đông Anh, người viết ghi nhận được rất nhiều địa phương khác người dân cũng có phương châm “Thêm một bông hoa, bớt một túi rác” như tại thị trấn Đông Anh, xã Uy Nỗ, xã Thụy Lâm… Nhờ vậy, người dân những vùng này thường duy trì nề nếp dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng, nơi công cộng, gắn với việc nhặt cỏ, chăm bón hoa. Hoạt động tập thể lành mạnh, tô điểm cho nếp đẹp văn minh đã được các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân ủng bộ bởi xét cho cùng nó không chỉ tạo môi trường sống trong lành mà còn khiến tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết.

Xuất phát từ ý tưởng trồng hoa vừa làm đẹp quê hương, vừa góp phần tác động tâm lý khiến người dân giảm tình trạng vứt rác xuống dòng sông, mới đây người dân thôn Thụy Lôi (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) đã cùng nhau cải tạo, trồng hoa hai bên bờ để tạo thành con đường hoa đẹp mắt. Qua tìm hiểu, đoạn đường ven kênh từ cầu Kè đến cầu Thụy Lôi trước đây chỉ toàn là cỏ dại um tùm và rác, dịp cận tết Nguyên đán trở nên sạch đẹp vì được người dân trồng những thảm hoa mới.

Ý tưởng và thành quả đó xuất phát từ chính hai người dân trong thôn Thụy Lôi đó là anh Nguyễn Vũ và anh Ngô Xuân Sửu. Những con đường hoa sắc thắm, rực rỡ đã không còn xa lạ với nhiều người ở các địa phương khác. Nhưng với người dân Thụy Lôi đây là lần đầu tiên mọi người được tham gia ý tưởng biến đường chỉ toàn là cỏ dại và rác thành đường hoa.

Anh Nguyễn Vũ - Tiến sĩ viện hàn lâm khoa học chia sẻ: “Thực hiện phong trào xây dựng đoạn đường xanh - sạch - đẹp giai đoạn 1, chúng tôi kết hợp với Hội các thế hệ sinh viên thôn Thụy Lôi và nhóm Yêu Môi trường cũng đã có ý tưởng trong đầu năm và đã chủ động xây dựng những tuyến đường tự quản và trồng hoa ven kênh cầu Kè đến cầu Thuỵ Lôi. Điển hình như đoạn đường bê tông ven kênh Long Tửu, dài mấy mấy trăm mét, trước đây, cỏ dại mọc um tùm, xen lẫn rác rất mất vệ sinh môi trường, nay được thay thế bằng các thảm hoa mới trồng. Sau khi chúng tôi phát động cũng có rất nhiều người dân đồng tình tham gia từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ ai cũng hào hứng tham gia”.

Có thể thấy, hiện nay việc làm đẹp đường liên thôn, xã, đường làng bằng hoa đã trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực, góp phần làm cho môi trường nông thôn Hà Nội nói riêng và thành phố nói chung ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh, hiện đại. Chính những con đường hoa đã tạo nên một bức tranh sinh động cho các làng quê, người dân tin tưởng vào những chủ trương đúng đắn để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này