Năm 2024, Thanh Trì có 30 “Công nhân giỏi” cấp huyện và có 3 “Công nhân giỏi” cấp Thành phố. Đây là hiệu quả từ sự phát huy phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” của toàn thể các cấp Công đoàn huyện cùng sự chỉ đạo hiệu quả của Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì. |
Là một trong những “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2024, anh Trần Văn Thanh, Tổ phó Tổ Hàn điện Công ty cổ phần Formach (Thanh Trì, Hà Nội) thể hiện năng lực chuyên môn trong lĩnh vực hàn điện. Anh là thợ bậc cao và là tấm gương sáng thầm lặng cống hiến, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đơn vị và nền công nghiệp Thủ đô. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, anh Trần Văn Thanh thi đỗ vào Trường công nhân kỹ thuật cơ khí Lâm nghiệp. Tại đây, niềm say mê kỹ thuật cơ khí cứ ngấm dần và tạo thành đam mê mãnh liệt. Để rồi, sau khi ra trường vào năm 1997, "đầu quân" vào Công ty cổ phần Formach, được cầm trên tay que hàn, anh hiểu bản thân đã gắn bó với nghề như máu thịt. Được làm ở một công ty có về dày truyền thống 60 năm không chỉ là niềm tự hào của người thợ, mà còn là động lực để anh Thanh học hỏi, phấn đấu, yêu nghề và gắn bó với nghề. Là một đơn vị có sản phẩm đa dạng, có tính chuyên nghiệp cao trong thiết kế và chế tạo, nên tay nghề của người thợ cũng đòi hỏi cao và chuyên nghiệp, chính vì vậy, anh Thanh không quản ngại mọi công trình, phần việc, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để các công trình, sản phẩm ngày càng được nâng cao. Phấn đấu và học hỏi kinh nghiệm không quản ngày đêm, anh Thanh đã có trong tay kinh nghiệm của người thợ bậc 7/7. Anh được cấp trên tín nhiệm phân công làm đội trưởng của nhiều công trình lớn, như Đội trưởng hàn, lắp đặt thiết bị nâng hạ 30/5 tấn và Monorail 10 tấn Công trình Thủy điện Nậm Công 5 ở Sơn La; Đội trưởng hàn, lắp đặt bể lắng nước 3.000 m3 cho Công ty cổ phần thiết bị xử lý nước Setfil,… |
Đặc biệt là ở bất cứ vị trí công việc nào, anh Thanh cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lan tỏa tinh thần làm việc sôi nổi và nhiệt huyết đến đồng nghiệp. Ví dụ như ở vị trí Đội trưởng đội hàn, lắp đặt thiết bị nâng hạ 30/5 tấn và Monorail 10 tấn Công trình Thủy điện Nậm Công 5 ở tỉnh Sơn La, anh đã “dẫn đội” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao chất lượng công tác lắp đặt, mặc dù ở xa, địa hình sông núi hiểm trở đi lại khó khăn. Công trình đã hoàn thành nghiệm thu bàn giao trước tiến độ 20 ngày. Chuyên đảm nhận các mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao, anh Trần Văn Thanh không chỉ là một người thợ có kinh nghiệm mà anh còn là “đầu tàu” về kỹ thuật hàn điện, người truyền cảm hứng cho những người thợ làm công việc nặng nhọc này. Anh là thợ hàn điện bậc 7/7 của Công ty cổ phần Formach. Anh Thanh chia sẻ, để phấn đấu trở thành công nhân giỏi, tự tin bước vào thời kỳ công nghệ mới như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, anh luôn được các cấp lãnh đạo và Công đoàn công ty tạo điều kiện để nâng cao chuyên môn, làm chủ tay nghề, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, nâng cao tinh thần làm việc trong “ngôi nhà chung Formach”. Trong suốt những năm làm việc và cống hiến, anh Thanh không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp Công đoàn phát động, đặc biệt là phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô” và đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm 2015 anh Trần Văn Thanh đạt giải Khuyến khích hàn điện, đạt danh hiệu Thợ giỏi, được Công ty khen thưởng và nâng bậc lương trước thời hạn. Các năm 2016-2020 anh nhận được anh hiệu Thợ giỏi cấp huyện. Năm 2021 anh đạt Giải ba Hàn điện. Năm 2022-2023 anh được trao Chứng nhận Thợ giỏi cấp huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội. Anh còn nhận được Giấy khen của Huyện ủy Thanh Trì vì có thành tích xuất sắc 15 năm thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. Năm 2024, anh được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. |
|
Dù làm bất cứ công việc gì cũng phải sáng tạo, đó là những điều mà anh Lê Đình Lam, trưởng bộ phận Cơ điện, Công ty TNHH Sản xuất nhựa Bình Thuận (Thanh Trì, Hà Nội). Chính vì sức sáng tạo không ngừng, anh không chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí sản xuất, hoàn thành sớm các dự án, mà còn là người truyền lửa nhiệt huyết cho anh chị em công nhân, đồng nghiệp thêm hăng say lao động. Lê Đình Lam là chàng trai đến từ vùng quê Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội. Anh "đầu quân" cho Công ty Nhựa Bình Thuận và có nhiều năm gắn bó với nghề cơ điện. Là trưởng bộ phận Cơ điện được giao trọng trách quản lý hệ thống điện của toàn bộ máy móc, trang thiết bị làm việc tại Công ty, anh được đánh giá là kỹ thuật viên có tay nghề cao, có chuyên môn vững vàng. Các sáng kiến của anh Lê Đình Lam giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí, phải kể đến như: Lập kế hoạch, tổ chức và điều phối các hoạt động cơ điện trong công ty. Đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống cơ điện và đáp ứng đúng tiêu chuẩn và yêu cầu. Xây dựng quy trình và kế hoạch bảo dưỡng, bảo trì máy móc và thiết bị phụ trợ. Anh cũng là người định hướng và đào tạo nhân viên cơ điện để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc năng động để tạo động lực và đề cao sự phát triển cá nhân của nhân viên. Cùng với đó là đảm bảo nhân viên được thông tin đầy đủ về các quy định và quy trình liên quan đến an toàn và bảo mật cơ điện. Chính bởi sự sáng tạo và chỉn chu trong từng phần việc, anh Lê Đình Lam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lao động đạt năng suất, chất lượng cao, thực hiện đúng quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động. Nhờ đó mà hệ thống máy móc, trang thiết bị phụ trợ được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời tiết kiệm thời gian, chi phí cho Công ty. Hệ thống điện được cải tiến đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình lao động. Để đứng đầu bộ phận cơ điện của doanh nghiệp, trưởng bộ phận kỹ thuật cơ điện phải có kiến thức chuyên môn cao cùng nhiều kỹ năng vững chắc mới có thể điều hành khối lượng lớn công việc. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng để có thể đảm nhiệm được vị trí này thì cần phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng cùng kỹ năng quản lý tốt. |
Không chỉ làm tốt mọi nhiệm vụ, Lê Đình Lam luôn có tinh thần rèn luyện, học hỏi, tìm tòi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là kỹ năng làm việc theo nhóm, phối hợp với các đồng nghiệp cùng nhau bàn bạc đưa ra phương án ý kiến đóng góp tối ưu để thi công hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điển hình như thay thế hệ thống dây cấp điện cẩu trục từ dạng treo sang hệ thống ray trượt đảm bảo an toàn cho thiết bị và công tác phòng chống cháy nổ, giúp tiết giảm chi phí, dễ dàng sửa chữa, kiểm tra và thay thế cuộn bảo ôn cho các hệ thống nhiệt các máy ép nhựa để tiết kiệm điện với thời gian chờ lên nhiệt,… Anh còn là người tham gia đào tạo và hướng dẫn các nhân viên cấp dưới về chuyên môn sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị máy móc của Công ty. Thường xuyên đào tạo định kỳ an toàn lao động, an toàn phòng cháy cho nhân viên cấp dưới trong bộ phận. Không chỉ làm tốt chuyên môn, anh Lê Đình Lam còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp Công đoàn phát động, đặc biệt là phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô”. Trong nhiều năm gắn bó với nghề, anh được Ban Lãnh đạo Công ty đánh giá cao, nhận được khen thưởng “Cá nhân sáng tạo năm 2023” và nhiều lần được khen thưởng "nóng" từ Ban lãnh đạo Tập đoàn, Ban lãnh đạo Công ty về việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của Tập đoàn, của Công ty. Và tự hào hơn nữa, anh Lê Đình Lam vinh dự trở thành một trong 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2024. |
Là một trong 3 “Công nhân giỏi Thủ đô” đến từ các Công đoàn cơ sở doanh nghiệp huyện Thanh Trì, anh Nguyễn Ngọc Tú, kỹ sư điện bậc 6/7) Công ty cổ phần chế tạo Thiết bị điện Việt Nam) cũng là một điểm sáng trong phong trào phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi”. Trong quá trình triển khai và thực hiện nhiệm vụ anh luôn thực hiện tốt nội quy lao động, bảo hộ lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động; lao động vượt năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh đạt giải nhất trong cuộc thi tay nghề giỏi năm 2023 do Công ty tổ chức, năm 2024 được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Qua những tấm gương điển hình xuất sắc, có thể thể khẳng định: Đội ngũ công nhân của huyện Thanh Trì là những người sản xuất trực tiếp ra sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt, với những sáng kiến, sáng tạo đã góp phần nâng cao năng suất lao động, quảng bá hình ảnh ra thị trường… Những đóng góp của họ đã được các cấp Công đoàn ghi nhận. |
Năm 2024, từ 185 tổ chức Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đã bình xét được 1.386 “Công nhân giỏi” cấp cơ sở (chiếm 30,6%/ tổng số công nhân trực tiếp sản xuất). Các cơ sở đã đề nghị biểu dương 30 “Công nhân giỏi” cấp huyện và đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố biểu dương 3 công nhân danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2024. Những công nhân giỏi đã được lựa chọn từ các Hội thi nâng bậc, thi Thợ giỏi và Thao diễn kỹ thuật; cùng với những sáng kiến, sáng tạo của công nhân đã được áp dụng trong quá trình sản xuất tại doanh nghiệp. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy cho biết, hội thi tay nghề tại các doanh nghiệp được duy trì hàng năm, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” được cổ vũ mạnh mẽ, ý nghĩa, thiết thực hơn đã động viên, khích lệ công nhân. Điển hình như tại các Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Formach; Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Toàn Á; Công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam; Công ty TNHH nhựa Bình Thuận, Công ty cổ phần môi trường đô thị Thanh Trì, Công ty cổ phần công nghệ thiết bị Tân Phát,... và một số doanh nghiệp khác. Các đơn vị này đã tổ chức hội thi “Công nhân giỏi”, phát động thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng. Đặc biệt trong đó đã có 1 đoàn viên Công đoàn Công ty cổ phần Formach đạt giải Ba trong hội thi Tay nghề giỏi cấp Thành phố. Thông qua các hội thi, không những doanh nghiệp đã lựa chọn được những công nhân xứng đáng đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” mà còn là tiêu chí xét nâng bậc, nâng lương cho công nhân. Kết quả đã có 360 công nhân được xét nâng bậc lương trước thời hạn. |
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Danh Huy, qua phong trào thi đua, nhiều công nhân lao động đã có cơ hội và điều kiện phát huy sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất mang lại năng suất cao, chất lượng tốt, điều kiện lao động được cải thiện hơn. Theo thống kê tại các doanh nghiệp đã có trên 600 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và hiệu quả đem lại lợi ích trên 20 tỉ đồng. Đó là những kết quả thiết thực góp phần trực tiếp vào sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương. Nhiều công nhân lao động đã đạt tới bậc thợ cao 7/7, là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào của cơ sở. Bên cạnh đó có rất nhiều công nhân trẻ đã không ngừng học tập, rèn luyện tay nghề. Ngoài những giờ làm việc tại doanh nghiệp, những người công nhân còn theo học các lớp đào tạo chuyên môn, học đại học chuyên ngành, tự học hỏi để nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề. “Công nhân giỏi” là những người đã trực tiếp góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. |
Để có được những kết quả như trên, tiếp nối những năm trước, năm 2024, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì đã tập trung chỉ đạo Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tiếp tục phát động phong trào thi đua sâu rộng tới công nhân lao động của đơn vị và đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp sản xuất; hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” và quy chế xét khen thưởng. Bám sát hướng dẫn của Liên đoàn Lao động Thành phố, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì đã triển khai kế hoạch xuống cơ sở, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo Công đoàn cơ sở, bên cạnh đó có sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ cơ sở, sự phối hợp giữa Ban Giám đốc các doanh nghiệp và Công đoàn, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” đã được công nhân lao động hưởng ứng. Liên đoàn Lao động huyện cũng hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tổ chức phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, bình xét công nhận, tuyên dương khen thưởng những công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo Công đoàn cơ sở phát động các đợt thi đua gắn với các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của Thủ đô và đất nước; vận động công nhân lao động tích cực học tập rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và thành phố. Trên cơ sở bình xét, biểu dương “Công nhân giỏi “tại cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã phối hợp với Ban giám đốc các doanh nghiệp xét chọn những “Công nhân giỏi” tiêu biểu đề nghị cấp trên công nhận và biểu dương “Công nhân giỏi” cấp huyện, cấp Thành phố. |
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, phát huy kết quả và những thành tích của phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” của huyện Thanh Trì năm 2025, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì tiếp tục tập trung chỉ đạo công đoàn cơ sở, động viên công nhân lao động thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong huyện tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất và có nhiều công nhân lao động trực tiếp sản xuất của huyện đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, góp phần xây dựng huyện Thanh Trì và Thủ đô ngày càng phát triển. |
Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Đức Hà |
|