Lễ hội là “chất truyền dẫn” trong “hệ thống” tạo ra sản phẩm dịch vụ văn hóa; là “chìa khóa” để khai mở ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội lại là vùng đất vô cùng giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử với hàng nghìn lễ hội truyền thống mỗi năm. Làm thế nào để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa? Phóng viên Lao động Thủ đô đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
|
Phóng viên: Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đang rất được quan tâm. Đặc biệt, Hà Nội mới đây đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ông nghĩ sao về việc này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Khi các nguồn lực từ thiên nhiên mà chúng ta đã thấy, như: Dầu mỏ, than đá, khoáng sản… đang được khai thác dần cạn kiệt thì thế giới đã thay đổi một cách ngoạn mục khi xuất hiện những tỷ phú biết sử dụng nguồn lực từ tài năng sáng tạo, như: Facebook, Amazon, Twitter, Tesla… khiến cho thế giới của chúng ta trở nên vô cùng kỳ lạ.
Ở một thế giới mà chuỗi khách sạn lớn nhất trên thế giới là chuỗi khách sạn mà không có khách sạn nào cả là Airbnb. Trang thông tin lớn nhất thế giới là trang thông tin không có gì cả đó là Facebook, chúng ta tự chia sẻ thông tin với nhau. Hãng taxi lớn nhất trên thế giới là hãng taxi không có một cái taxi nào cả là Grab, Uber… Chính những sáng tạo của con người đã làm thay đổi thế giới ngày hôm nay.
Từ đó có thể đúc kết được rằng, công nghiệp văn hóa là một xu hướng lớn trên thế giới. Nó được bắt đầu bởi tư tưởng phải lấy kinh tế, lấy sáng tạo kết hợp với nhau, để tạo ra những lợi thế cho sự phát triển của quốc gia. Và công nghiệp sáng tạo dựa trên những tài nguyên văn hóa người ta gọi là công nghiệp văn hóa.
Còn Việt Nam chúng ta thì sao? Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề cập đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2016 đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Chính phủ, phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mà Hà Nội - nơi hội tụ các nhân tài cả nước, phải tận dụng những tài năng sáng tạo của mình, để phát triển Thủ đô bền vững. Bởi vậy, Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, có những kế hoạch để triển khai thực hiện nội dung này, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, nâng lên thành một Nghị quyết của Thành ủy, cho thấy Hà Nội rất chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Hà Nội không chỉ triển khai chiến lược của Chính phủ một cách thông thường, theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật nữa mà đã nâng tầm thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ Thành phố. Dựa trên những quyết tâm chính trị đó, Hà Nội của chúng ta sẽ có những nguồn lực cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
|
Phóng viên: Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội đề cập đến rất nhiều vấn đề. Đáng chú ý là mục tiêu tổ chức lễ hội có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế. Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của lễ hội trong việc phát triển công nghiệp văn hóa?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Là một sản phẩm của du lịch văn hóa và thuộc một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, rõ ràng lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Từ thực tiễn phát triển có thể nhìn nhận, lễ hội là “chất truyền dẫn” trong “hệ thống” tạo ra sản phẩm dịch vụ văn hóa (gồm: Tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh các sản phẩm văn hóa). Hoạt động này mang nhiều mục đích khác nhau, trước tiên là xây dựng thương hiệu. Ví dụ, chúng ta tổ chức sự kiện liên quan đến ẩm thực Hà Nội là mong muốn xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Hà Nội. Trong sự kiện sẽ có những tôn vinh rất cụ thể (như món ăn: Phở, bánh cốm, nem,…) gắn với thương hiệu (như: Phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, nem Phùng,…) và những đầu bếp cụ thể, người tài năng trong lĩnh vực đó. Từ đó, chúng ta có một đầu bếp giỏi không chỉ nổi tiếng ở Hà Nội mà còn nổi tiếng ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Nhiều khi ăn món này ngon hay không là do câu chuyện kể về món ăn. Các món ăn khiến người ta phải xuýt xoa thường sẽ đến từ tai, mắt rồi mới đến bằng miệng. Nhiều khi món ăn rất bình thường nhưng người ta kể về việc món ăn này được chế biến như thế nào, có lịch sử ra làm sao, ai làm ra nó, bổ như thế nào, trang trí ra làm sao và ý nghĩa trang trí đó là gì… khi đó khách sẽ cảm thấy ngon hơn khi ăn. Bởi các cái giá trị văn hóa của Việt Nam được truyền tải qua món ăn, từ món ăn sẽ truyền tải giá trị văn hóa Việt Nam tức là cả ở hai chiều. Đó là giá trị của một lễ hội.
|
|
Đặc biệt, các lễ hội thường được tổ chức vào đầu năm. Do đó, nó kích thích nhu cầu tham quan, trải nghiệm đầu năm, vì đây là thời điểm khởi đầu của năm mới, người dân đặc biệt mong muốn du xuân, tìm đến với các địa điểm tín ngưỡng tâm linh, với các lễ hội để cầu mong những điều tốt lành đến với bản thân và gia đình.
Khi đi du lịch, cụ thể là đến với lễ hội, người ta không chỉ cầu mong những điều tốt đẹp mà còn tiêu dùng hàng hóa của địa phương. Chính nhu cầu mua sắm, ăn uống, tìm hiểu văn hóa địa phương và nhu cầu đi lại của du khách sẽ giúp cộng đồng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp họ thêm tự hào về truyền thống văn hóa. Điều đó cho thấy, lễ hội mang lại nhiều lợi ích, không chỉ là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn quảng bá hình ảnh cộng đồng...
Phóng viên: Cần làm gì để khơi dậy tiềm năng của lễ hội, từ đó phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của lễ hội trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, cũng như những lợi ích thiết thực mà hoạt động này mang lại nếu biết cách tổ chức, khai thác tốt. Khi nhận thức đúng đắn, chúng ta sẽ bảo vệ và phát huy được các giá trị của lễ hội, tránh tình trạng thương mại hóa lễ hội.
Phải coi lễ hội là một sản phẩm văn hóa, để từ đó biết cách quảng bá. Cụ thể, lễ hội có giá trị đặc sắc, mang tính truyền thống và kể được nhiều câu chuyện văn hóa của địa phương. Để duy trì sức hấp dẫn của lễ hội thì phải hiểu các giá trị và bản sắc riêng của lễ hội, giữ gìn giá trị của lễ hội một cách phù hợp với bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số, công dân số.
Bên cạnh đó, giữ gìn và tổ chức lễ hội một cách văn minh cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng, từ đó tăng niềm tin với du khách. Rất cần có sự chung tay của toàn xã hội và địa phương trong việc tổ chức lễ hội, từ việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cháy nổ, y tế...
Cuối cùng, phải biết cách khai thác lễ hội vì lễ hội không chỉ liên quan đến việc tổ chức các nghi lễ mà còn có cả các sự kiện liên quan như hội chợ trưng bày sản phẩm địa phương hay một loạt yếu tố khác mà nếu biết cách xử lý hài hòa thì lễ hội sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội một cách tốt hơn.
|
|
Phóng viên: Để lễ hội phát huy tốt nhất giá trị và trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, theo ông, cần sự vào cuộc như thế nào của chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Như tôi đã nói, chúng ta phải xác định lễ hội là của cộng đồng vì họ là chủ thể chính của sự kiện. Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội, làm cho lễ hội được duy trì bền vững.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương, các ban, ngành có liên quan và các nhà nghiên cứu có vai trò quan trọng không kém trong việc giúp cộng đồng có thêm nguồn lực và hiểu biết để bảo vệ di sản của họ một cách tốt hơn. Việc chính quyền địa phương quan tâm đến công tác quảng bá, giữ gìn lễ hội, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cộng đồng địa phương có nguồn lực để giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, sự quan tâm, giúp đỡ này phải dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng, sự hiểu biết ở cả trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.
Một vấn đề khác, như chúng ta biết, lễ hội là một thành tố quan trọng để hình thành nên loại hình du lịch văn hóa. Nếu muốn trở nên hấp dẫn, thu hút du khách hơn thì lễ hội phải mang tính độc đáo và có giá trị. Chính vì thế, lễ hội càng khác biệt, mang nhiều giá trị đặc sắc thì sẽ càng thu hút du khách. Nhận thức đầy đủ và đúng đắn sẽ giúp chúng ta tránh được việc “đồng bộ hóa”, làm cho các lễ hội trở nên giống nhau và mất đi bản sắc. Chỉ có như vậy, chúng ta mới khẳng định được giá trị độc đáo, góp phần bảo vệ và phát huy tính đa dạng của các lễ hội.
|
|
Phóng viên: Ngoài các lễ hội dân gian, nhiều lễ hội mới cũng xuất hiện. Những lễ hội này có khả năng đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa không, thưa ông?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Các lễ hội mới cũng là sản phẩm văn hóa giúp chúng ta quảng bá hình ảnh và kích thích sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Vì thế, đối với công nghiệp văn hóa, việc tổ chức sự kiện vô cùng quan trọng.
Ở Việt Nam có rất nhiều sự kiện đã trở nên nổi tiếng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ví dụ: Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) hay Festival Huế... Vấn đề là phải làm sao quản lý và tổ chức các lễ hội mới một cách chuyên nghiệp để lễ hội phát huy tác dụng, lan tỏa các giá trị sang các lĩnh vực khác. Đó là sự kiện văn hóa đem lại lợi ích kinh tế cho các lĩnh vực liên quan, giúp quảng bá hình ảnh địa phương, giúp địa phương trở thành nơi đáng sống. Khi chúng ta hiểu lễ hội một cách toàn diện như vậy và quản lý lễ hội một cách chuyên nghiệp để phát huy tối đa hiệu quả thì việc tổ chức lễ hội sẽ trở nên hữu ích.
Phóng viên: Ông có lời khuyên gì cho Hà Nội để Thủ đô biến lễ hội trở thành sản phẩm văn hóa hữu ích?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lễ hội rất quan trọng với Hà Nội vì nó chứng minh bề dày lịch sử của Hà Nội, chứng minh Hà Nội thực sự là Thủ đô ngàn năm văn hiến và là một thành phố sáng tạo. Các lễ hội chính là chất liệu để chúng ta tạo ra sức sống, sự sáng tạo cho Hà Nội. Mọi sự sáng tạo đều cần dựa vào nền tảng. Truyền thống nói chung hay các lễ hội nói riêng chính là chất liệu tuyệt vời tạo ra sự sáng tạo cho Hà Nội. Đó là lý do tại sao chúng ta cần quan tâm đến lễ hội.
Đặc biệt, lễ hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như ẩm thực, thời trang, nghề thủ công truyền thống. Hà Nội có thể khai thác các lễ hội bằng cách tôn vinh các lĩnh vực có liên quan, từ đó tạo tác động lan tỏa để sức sáng tạo và văn hóa của Thủ đô có thêm “chất truyền dẫn”, để chúng ta thêm tự hào và tạo điều kiện cho các lĩnh vực có thể cùng phát triển.
|
|
Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội là trái tim của cả nước, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của cả nước trong văn hóa. Chính vì thế mà sự phát triển văn hóa của Hà Nội vừa là nội lực của Hà Nội nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cả nước đặc biệt là của Trung ương trong sự phát triển này. Chẳng hạn như chúng ta thấy có những câu chuyện chính sách, nếu Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù thì chúng ta phải thể hiện trong Luật Thủ đô.
Cùng với đó, nhân dân cũng cần nhận thức đầy đủ những lợi ích, giá trị của việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Đó có thể là những lợi ích ngay tức thì nhưng cũng có những sản phẩm văn hóa phải nhiều năm mới phát huy được giá trị. Bởi vậy, có được sự ủng hộ của dư luận xã hội đối với việc phát triển văn hóa là rất quan trọng.
|
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! |
Hoàng Phúc - Phương Ngân - Quang Linh |
|