[Megastory] Phẩm cách người Hà Nội: Dòng mạch ngầm chảy mãi

ể từ ngày Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về định đô tại Thăng Long đã hơn ngàn năm, thương hải tang điền đã đắp đổi không ngừng qua biến động của dòng người và lịch sử. Thăng Long xưa, Hà Nội nay đã nhiều đổi khác, duy có hồn cốt văn hóa là vẫn đậm nét nơi tâm trí và quấn quyện trong đời sống thường ngày người Kẻ Chợ. Đặc biệt, điều làm nên bản sắc, diện mạo đích thực của mảnh đất này vẫn là những người dân sinh sống trên đó, dù cho họ là người gốc gác ở đây hay người các nơi kéo về sinh cơ lập nghiệp.

Nhiều năm qua, đã có nhiều cuộc tranh cãi về phẩm cách người Hà Nội gốc, những va đập giữa cũ và mới. Trong loạt bài “Phẩm cách người Hà Nội: Dòng mạch ngầm chảy mãi”, báo Lao động Thủ đô cố gắng đi tìm bản chất của những yếu tố đã được bồi đắp, dung nạp để dần trở thành cốt cách riêng của người Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

Khí phách người Hà Nội, tâm hồn người Hà Nội ngày hôm nay vẫn như một mạch ngầm chảy từ nghìn năm lịch sử. Họ không chỉ là biểu tượng của một thời vàng son đã qua mà còn là hiện thân của truyền thống văn hóa Tràng An vững vàng qua bao biến thiên của lịch sử.

* Cảo thơm còn mãi

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã sống cuộc đời hơn một thế kỷ, chứng kiến nhiều giai đoạn vừa bi tráng đau thương vừa oai hùng bất khuất của Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cụ như một pho sách thơm, tài liệu quý “cảo thơm lần giở trước đèn” về văn hóa Hà Nội, văn hóa dân tộc.

Những ngày cuối tháng 7, Hà Nội nắng nóng oi bức như đầu hè, tôi vẫn quyết tâm đến thăm nhà cụ Hữu Ngọc dù không nhớ số nhà. Đến khu phố nhớ mang máng trong đầu, hỏi thăm hàng xóm người ta chỉ nhà cụ tận tình. Tôi mừng rỡ nhận ra ngôi nhà có cây khế quen thuộc, nằm yên bình trong khu đô thị Nam Trung Yên.

Được cô giúp việc đưa lên tầng 2 gặp cụ tại căn phòng chứa đầy sách cùng những kỷ vật quý được cụ trưng bày cẩn thận trong tủ kính. Lúc này, cụ Hữu Ngọc đang nằm nghỉ, thấy tôi đến cụ hỏi ai đó rồi ngồi dậy, chỉnh lại trang phục ngay ngắn, chống gậy ra tiếp khách.

Ở tuổi 105, sức khoẻ của cụ đã yếu nhiều, tai không nghe rõ phải dùng đến máy trợ thính từ lâu. Đôi mắt cũng mờ dần. Nhưng cụ vẫn rất tinh anh, minh mẫn. Đặc biệt, thật khó tin khi cụ vẫn đang cộng tác với chuyên mục Sổ tay văn hóa Đông-- Tây của báo Thế giới và Việt Nam, giới thiệu tới độc giả những tác phẩm văn học hay của nước Pháp.

Khi tôi đang trò chuyện cùng cụ thì ông Trần Tam Giáp, nguyên thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ả rập Ai Cập, Vương quốc Kuwait, Syria và Israel đến thăm cụ. Ông Giáp năm nay cũng bước vào tuổi 89. Ông dẫn một anh cán bộ đang làm việc tại Bộ Ngoại giao đến xin chữ ký của cụ vào cuốn sách Wandering Through Vietnamese Culture do cụ viết để mang tặng các Ngài Đại sứ quán các nước.

Đây đích thị là một nét đẹp văn hóa ngoại giao, bởi cuốn sách trên đóng vai trò sứ giả để đưa văn hóa Việt Nam đến gần với công chúng nước ngoài. Cụ Hữu Ngọc dường như đã quen với việc ký tặng sách như này. Thành công của cuốn sách vượt ra ngoài sự mong đợi của cụ, Wandering Through Vietnamese Culture trở thành một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ, một cẩm nang văn hóa Việt Nam tiện lợi và bổ ích không chỉ cho bạn bè quốc tế muốn hiểu văn hóa Việt Nam mà còn cần thiết cho chính mỗi người Việt Nam chúng ta nếu muốn hiểu rõ cội nguồn, truyền thống và tương lai văn hóa dân tộc.

Sinh năm 1918, cụ Hữu Ngọc đã sống hơn thế kỷ với lịch sử đất nước từ thời Pháp qua những tàn dư của triều đình Huế, thời Phát xít Nhật, thời Việt Minh và Cách mạng tháng Tám, các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, thời bao cấp đến thời đổi mới… Cụ quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhưng sinh ra ở phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cụ Hữu Ngọc kể: “Tôi quê gốc ở Bắc Ninh. Ông nội tôi đỗ Tú Tài, bỏ làng ra Thăng Long ở phố Hàng Gai. Tôi còn nhớ ở phố Hàng Gai những năm tôi khoảng 9-10 tuổi, khi mẹ tôi còn sống (bà mất sớm khoảng 30 tuổi), bà có một sạp hàng nhỏ để kiếm thêm tiền nuôi gia đình, bố tôi khi đó làm công chức. Bà lại mộ đạo Phật nên mỗi khi mùa hè đến, bà thường đun sẵn một âu nước vối đặt ngoài cửa để khách qua đường ai khát thì uống. Cứ đến Chủ nhật, thì bất cứ người ăn xin nào (hồi đó rất nhiều ăn xin) đứng cửa bà sẵn có ống tiền cho họ 1, 2 xu”. Đó chính là nét thanh cao, sự nhân văn của người Hà Nội xưa. Bài học giản dị về người mẹ trong gia đình thực sự đã nuôi dưỡng và tạo nên nếp sống đẹp, đầy tình người của cụ Hữu Ngọc cho đến tận bây giờ.

Cụ không nói nhiều về mình, nhưng trò chuyện với cụ mới thấy, truyền thống, nền nếp, gia phong trong gia đình xưa rất được cụ coi trọng, gìn giữ và lấy đó để dạy bảo con cháu. Cụ Hữu Ngọc cho biết: “Trước Cách mạng Tháng Tám, nước ta bị Pháp đô hộ nhưng gia đình truyền thống cơ bản vẫn tồn tại. Ở Thủ đô Hà Nội, gia đình truyền thống vẫn có nền nếp và sự thanh lịch sâu đậm. Vì Thủ đô là nơi tập trung các trí thức, đặc biệt là các nhà khoa bảng, nho học.

Như gia đình của tôi, nền nếp trong gia đình của tôi theo nếp thanh cao, trong sáng về tinh thần và trong ứng xử thì rất lịch sự. Nét thanh lịch này thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Ví như ăn nói trong nhà thì phải tôn trọng người cao tuổi, từ ông bà cha mẹ tới anh chị. Bố mẹ nói chuyện với ông bà, con cái nói chuyện với bố mẹ thì bao giờ cũng phải đứng cho ngay ngắn, phải khoanh tay thưa gửi và đặc biệt không bao giờ được dùng từ thô tục.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã sống cuộc đời hơn một thế kỷ, chứng kiến nhiều giai đoạn vừa bi tráng đau thương vừa oai hùng bất khuất của Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cụ như một pho sách thơm, tài liệu quý “cảo thơm lần giở trước đèn” về văn hóa Hà Nội, văn hóa dân tộc.

Tết đến, ông bà ngồi 2 chiếc ghế song song, bố mẹ đứng hai bên và con cháu xếp thành hai hàng trước. Nếu ông bà già còn có tục quỳ lễ hay vái để ông bà cha mẹ mừng tuổi. Ngày Tết là ngày cúng tổ tiên long trọng nhất để mời các cụ về vui xuân với con cháu. Hai bên nhà thờ, đặt 2 cây mía để các cụ làm gậy chống về với con cháu. Tết còn có tục hoá vàng, đốt đồ dùng cho các cụ mang đi. Có thể nói, thờ cúng tổ tiên cho đến ngày nay vẫn là một tục lệ không bao giờ bỏ. Hầu như, gia đình nào cũng có bàn thờ cúng tổ tiên và lễ Tết nào cũng họp mặt.

Những ngày cuối tuần, nhiều gia đình có cuộc họp mặt ăn chung với đại gia đình lớn để tăng sự gắn bó. Hằng năm, có cuộc họp các gia đình của một dòng họ. Như dòng họ Nguyễn của tôi qua 30 năm chiến tranh và phân chia Nam Bắc, nhiều gia đình vào Nam thì từ những năm 90, cứ đến sau Tết lại có một cuộc tế tổ tập hợp các gia đình trong cả nước. Đây là dịp để con cháu trong các gia đình ôn lại truyền thống dòng họ, nhắc nhở và gắn kết nhau cùng đoàn kết, giúp đỡ và yêu thương lẫn nhau.

Khi ăn cơm thì phải mời hết cả người trên hết lượt thì mới được cầm đũa. Khi ăn phải tránh nhai tóp tép và khi gắp cũng phải để ý “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Khi ăn cơm mọi người thường ngồi vòng tròn quanh mâm trên chiếu. Người con dâu cả ngồi cạnh nồi xới cơm cho cả gia đình. Đối với chuyện mặc, gia đình dù nghèo đến đâu ra đường cũng không được mặc áo rách. Nếu quần áo cũ quá thì phải vá mới được ra đường.

Ở phố cổ Hà Nội tập trung gia đình ở cùng làng với nhau tạo nên phố. Các gia đình ở cùng một phố coi nhau như láng giềng gần, trông nom con cái cho nhau khi đi vắng. Tránh cãi cọ và giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong nhà. Không như ngày nay ở những khu chung cư mới, hiện đại, gia đình nào cũng đóng cửa kín mít. Có khi hàng tháng không gặp nhau. Gia đình trước đây tình làng nghĩa xóm gắn bó rất sâu sắc. Các gia đình ở gần nhau, giúp đỡ nhau còn tồn tại sau thời Điện Biên Phủ. Ở những khu tập thể mới ra đời như khu Kim Liên, Thành Công, Ba Đình… mới đầu vẫn còn tình làng nghĩa xóm có bếp chung, nhà vệ sinh chung nên láng giềng, hàng xóm rất thân mật, giữ được nét thanh lịch”.

Lối sống thanh lịch, văn minh của người trí thức như cụ Hữu Ngọc còn được thể hiện ở việc mỗi khi Tết đến, Xuân về, cụ thường tự tay làm hoặc “đặt hàng” những món quà chúc Tết rất... văn hóa để “mừng tuổi” con cháu, bạn bè. Chẳng hạn, Tết Đinh Hợi (2007), cụ đặt thợ nung vài chục chiếc đĩa gốm, viết chữ “Duyên” (chữ Hán) và vẽ vài cụm hoa đào rồi tráng men sứ trắng. Tết Mậu Tý (2008), cụ in bài thơ chữ Hán Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên lên góc tờ bìa rộng, bên cạnh bức vẽ hình nhành mai với đôi chim đang nép vào nhau. Hay như Tết Kỷ Sửu (2009), nhà văn hóa Hữu Ngọc tặng bạn hữu một tấm bưu thiếp khổ A4, mặt ngoài là chân dung của cụ, dưới in sẵn đôi chữ Mừng Xuân, khoảng trống đề tặng và dấu triện, chữ kí. Các mặt còn lại in ảnh chụp tranh sơn dầu của Phạm Tăng, bút tích và hai câu thơ chữ Hán của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hóa nổi tiếng của thế kỷ 20...

"Cây đại thụ" Hữu Ngọc vẫn đang phủ bóng xuống Hà Nội, miệt mài làm cầu nối đưa Hà Nội và văn hóa Việt ra thế giới.

Gắn bó với Thủ đô hơn một thế kỷ, nhưng tình yêu dành cho Hà Nội của cụ Hữu Ngọc ban đầu chỉ là cảm tính. Và, sự xa cách ngẫu nhiên giữa cụ với mảnh đất này, mới giúp tình yêu ấy thấm sâu vào khối óc và trái tim. Kháng chiến 1946, cụ rời Hà Nội, ở trong rừng sâu cô quạnh. Mỗi khi ăn củ sắn, nhắm củ khoai, cụ lại nhớ đến những hàng xôi lúa ở Hà Nội, nhớ đến mùi thơm của đỗ, mỡ hành như thế nào, nhớ đến phở của Hà Nội ra làm sao. Chính vì khi xa Hà Nội, nhớ những thức quà giản dị, đặc trưng nơi đây mới thấy thêm yêu Hà Nội nhiều hơn.

Tình yêu với mảnh đất Kinh kỳ này càng thêm sâu đậm và được hun đúc khi cụ bắt tay vào nghiên cứu văn hóa nơi đây. Trong sự nghiệp nghiên cứu văn hóa đồ sộ của nhà văn hóa Hữu Ngọc, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới mảng đề tài về Hà Nội. Có thể kể tới những tựa sách như “Hà Nội của tôi”, hay 10 tập “Hanoi, who are you?” (Hà Nội, bạn là ai?) viết cùng nhà văn Mỹ Lady Borton. Ngoài ra còn phải kể tới cuốn “Phác họa chân dung văn hóa Hà Nội”.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc kể, năm 1997, Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị văn hóa quốc tế lớn đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Chính quyền bang Québec (Canada) muốn có một cuốn sách ảnh về Hà Nội viết bằng tiếng Pháp để làm món quà văn hóa tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị. Khi đó cụ vinh dự được Bộ Ngoại giao lựa chọn để thực hiện công việc quan trọng này. Và trong vòng ba tháng, cụ đã hoàn thành cuốn sách hơn 200 trang gửi gắm nhiều tâm huyết.

Với những đóng góp bền bỉ, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được trao tặng nhiều huân chương, giải thưởng danh giá. Năm 2007, vượt qua nhiều tên tuổi khác, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được nhận Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Cây đại thụ ấy vẫn đang phủ bóng xuống Hà Nội, miệt mài làm cầu nối đưa Hà Nội và văn hóa Việt ra thế giới, bằng sự uyên bác, nghiêm cẩn và cầu thị của mình.

* Giữ nếp nhà, rèn nhân cách

Không phải thuộc người tiếng tăm như cụ Hữu Ngọc, bà Trần Thị Thuận - Nguyên Phó Chủ tịch xã Phú Diễn (nay là phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm) là một người Hà Nội bình thường như bao người nhưng lại mang đậm nét đẹp, cốt cách của người Tràng An. Cuộc đời dâu bể không làm họ biến mất mà chỉ lẩn khuất, cống hiến âm thầm đâu đó.

Đến thăm gia đình bà vào một chiều nắng nhạt, cánh cổng vừa mở ra là một không gian xanh yên bình và thư thái. Khoảng sân gạch đỏ au, hai cây cau thẳng đứng cùng giàn hoa giấy tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. Trò chuyện với bà, tôi được biết bà sinh ra ở vùng đất Tây Mỗ, huyện Từ Liêm cũ, nay thuộc quận Nam Từ Liêm. Nơi đây vốn là vùng đất có truyền thống khoa bảng “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” nổi tiếng của Thăng Long xưa.

Bước sang tuổi 75 nhưng bà Trần Thị Thuận nom vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, nói năng mạch lạc, minh triết. Gia đình bà có truyền thống cách mạng từ thời các cụ theo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Những năm tháng chiến tranh, chồng đi ra trận, bà Thuận ở nhà một tay nuôi nấng đàn con, nỗ lực tham gia công tác địa phương.

Bà Thuận kể về quá trình công tác 40 năm liên tục ở địa phương: “Từ một chiến sĩ du kích cơ động, tham gia trực chiến của những năm chống Mỹ; là một Bí thư Chi đoàn, tôi được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội Khoa học Kỹ thuật của Hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời làm chính trị viên trung đội trực chiến và đã được công nhận danh hiệu đơn vị “Quyết thắng” 3 năm liên tục. Năm 1967, tôi được sự tín nhiệm của Đảng bộ bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy và Hội đồng nhân dân xã. Tôi được phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ kiêm Ủy viên Thư ký Thường trực của xã Phú Diễn. Sau nhiều lần được phân công công việc khác nhau, đến năm 1985, tôi lại được quay về công tác tại xã, tham gia Ban Chấp hành Đảng ủy và Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân xã, được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban xã Phú Diễn và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy liên tục cho đến cuối năm 2004 tôi nghỉ hưu. Năm 2020, tôi được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng”.

Theo bà Thuận, với truyền thống đất Hà thành xưa, vẫn cần giáo dục con cháu “học ăn, học nói” sao cho đúng.

Lần giở tập tài liệu cũ, bà cho tôi xem những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp đã ố nhoè, cũ nát từ những năm 60 của thế kỷ trước, được bà giữ gìn cẩn thận. Thật vậy, tiếp xúc với bà, không ai là không nhận thấy sự lịch thiệp và tế nhị từ cử chỉ đến lời chào, cách tiếp chuyện, vẫn có tình cảm chân thật, cởi mở, gần gũi, nhưng vẫn có nét cao sang, quý phái khiến người ta có phần vị nể. Chất Hà Nội ẩn chứa trong chiều sâu tâm hồn và tính cách của bà. Từ lời ăn tiếng nói đến nền nếp gia đình, từ cách giáo dục con cháu đến cách thức tổ chức cuộc sống và cách làm cho sang trọng bản thân… Tất cả đều được bà Thuận thu xếp đâu vào đấy.

“Từ trước đến nay, trong công việc và trong cuộc sống, tôi luôn có ý thức và tự hào mình là người Hà Nội. Ca dao có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Vì thế, tôi rất coi trọng việc rèn giũa lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng, ăn mặc… cho con cháu mình, từ nhà ra ngõ”, bà Thuận nói.

Trong chuyện ăn uống, bà Thuận kể: Ngày xưa, trong gia đình, các cụ xưa luôn có câu cửa miệng “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, để răn con cháu rằng, ngồi cùng một mâm cơm phải biết kính trên nhường dưới, biết nhường biết nhịn, phải nhai nuốt từ tốn, trông trước nhìn sau, phải biết cùng nhau tạo dựng không khí ăn uống đầm ấm, chan hòa, vui vẻ... Có lẽ, với nhịp sống hối hả, bận rộn như hiện nay, chúng ta không thể đòi hỏi phải bảo tồn, lưu giữ nguyên vẹn nét ăn uống tỉ mẩn, chậm rãi, rỉ rả, thong thả... như các cụ ngày xưa. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta quên hết cái thanh, cái lịch trong từng lời ăn tiếng nói của truyền thống đất Hà thành xưa mà vẫn cần giáo dục con cháu “học ăn, học nói” sao cho đúng.

Bà bảo, cuộc sống vất vả, khó khăn, khéo co kéo lắm mới đủ ăn, đủ mặc, nhưng ông bà đặc biệt chú trọng việc dạy con và xây dựng nếp nhà. Đến nay các con, cháu đều thành đạt, kinh tế vững vàng và niềm vui và tự hào nhất của ông bà chính là đã xây dựng được một nếp nhà mẫu mực. Dù bận rộn công việc, học hành, nhưng đều đặn những dịp trọng đại, cả đại gia đình, con cái, dâu rể, cháu chắt lại về với ông bà, quây quần bên mâm cơm, cùng hỏi han, thăm hỏi sức khỏe và bàn chuyện giúp nhau khi ai đó có công, có việc... “Với xã hội bận rộn như ngày nay, rất cần duy trì những bữa cơm gia đình có bố mẹ, con cái sum vầy, dù chỉ với vài món ăn đạm bạc nhưng chan chứa tình cảm ấm áp. Và chính trong cái không gian thân thương ấy, từng lời răn dạy, gọt giũa của các ông bà, cha mẹ đến con cháu về đối nhân xử thế hay những chuyện nhỏ hơn như cách ăn, cách uống, cách đi đứng, chào hỏi... mới thấm và ngấm được”, bà Thuận chia sẻ.

Đặc biệt, những gia đình Hà Nội như bà Thuận coi việc thờ cúng tổ tiên là điều hệ trọng, nhất là vào ngày rằm, ngày đầu tháng, cuối tháng, giỗ chạp, tấm lòng thành, ý thức gia đình, ý thức dòng tộc vẫn không hề thay đổi suốt bao thời gian. Ngày giỗ là ngày kỷ niệm, là dịp sum họp gia đình, họ hàng được gắn bó với nhau bởi dòng tộc, huyết thống. Bà Thuận bảo: “Việc thờ cúng tổ tiên chu đáo thể hiện gia đình đó có nền nếp, gia phong, con cháu biết lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, thuận hoà, tôn sư trọng đạo. Chữ Lễ bao hàm ba nghĩa: Tôn giáo, xã hội và luân lý; gồm cả lễ nghĩa trong việc thờ cúng, nghi thức trong quan hệ xã hội, tác phong đúng mực của con người biết tự trọng, ngay cả khi ở một mình, con người cũng phải biết giữ lễ. Việc giữ lễ bao trùm cả đời sống cá nhân và xã hội, biết tự trọng danh dự bản thân”.

Thế mới thấy, nền tảng văn hóa gia đình được xây dựng và tiếp nối không phải bởi những gì cao siêu, mà bằng chính những bài học thực tiễn đời thường vô cùng giản dị. Đặc biệt, bà ít khi rơi vào cực đoan, quá khích mà thường có thái độ trung dung, “một vừa hai phải”. Một biểu hiện của nét tính cách này là sự “biết đủ”, bà không bon chen, ảo tưởng, tham vọng nhiều mà coi trọng sự bình an, yên ổn. Tính cách này của bà cũng là một trong những phẩm chất tiêu biểu tạo nên nếp sống thanh bạch, giản dị của người Hà Nội.

Không chỉ khéo cư xử với người ngoài, bà Thuận còn là người có mắt thẩm mỹ, khéo ăn mặc với những gam màu trang nhã được ưa chuộng. Các trang phục của bà luôn thể hiện sự gọn gàng, kín đáo, song không kém phần duyên dáng, lịch lãm. Không chỉ có vậy, với những cuộc họp có tính chất trang trọng, bà cũng còn rất lưu tâm đến vị thế xã hội của bản thân trong cách ăn vận trang phục. Khi đó, bà thường vận một chiếc áo dài nhung và đeo dây chuyền ngọc trai sang trọng. Trong quan hệ với bạn bè, khách khứa, bà bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, dù bận việc đến mấy cũng phải đứng dậy mời chào.

Mượn lời nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” để ví bà Trần Thị Thuận giống như hạt bụi vàng của Hà Nội. Người Thủ đô hôm nay như những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những ánh vàng.

Bài viết: Bùi Minh Phương

Đồ họa-Kỹ thuật: Hoàng Anh

Clip minh họa: Canva

Bài 2

Nơi lắng hồn núi sông…