Gia đình là điểm tựa tinh thần, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi người từ thuở còn thơ cho đến khi trưởng thành. Là nơi để chúng ta tìm về trong suốt cuộc đời. Không gì hạnh phúc hơn khi tổ ấm có đầy đủ cả cha và mẹ. Thế nhưng thiên tai, tai nạn giao thông, rủi ro và dịch bệnh đã khiến cho không ít trẻ em phải chịu đựng những nỗi đau to lớn, không thể bù đắp được khi mất đi cả cha và mẹ hoặc mất cha, mất mẹ. Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Trì đã vận động xã hội hóa để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. |
Căn nhà nhỏ của bé gái Nguyễn Minh Huyền, sinh năm 2012 ở thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp gần 3 năm nay đã đầm ấm hơn bởi sự quan tâm, giúp đỡ của “mẹ đỡ đầu” là ni sư Thích Đàm Hiếu. Thiệt thòi và kém may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa, bố mất khi e còn chưa đầy 1 tuổi, mẹ Huyền - chị Lưu Thị Hương bị thoát vị đĩa đệm làm công việc nấu ăn tại trường học nhưng đến hè khi các trường nghỉ, chị lại đi làm giúp việc theo giờ, thu nhập hàng tháng bấp bênh không ổn định. Anh trai của Huyền không may bị vẹo cột sống bẩm sinh, sức khỏe yếu, không thể tham gia lao động. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng hàng năm Huyền đều là học sinh giỏi của trường. Huyền rất thương mẹ, thương anh, cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để vừa học, vừa đỡ đần công việc cho mẹ. |
Sau khi nắm bắt được hoàn cảnh éo le của 3 mẹ con em Huyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tứ hiệp, huyện Thanh Trì đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên và đề xuất nhận “đỡ đầu” cho Huyền từ năm 2021 đến nay với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Từ đó, cuộc sống của 3 mẹ con đã bớt khó khăn, gia đình Huyền nay có thêm nhiều niềm vui khi em vừa là người con ngoan hiếu thảo lại có thành tích học tập tốt, em Nguyễn Minh Huyền đã trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu của trường, của xã cho sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập, nỗ lực không ngừng để trở thành công dân có ích cho xã hội. Xúc động trước tấm lòng của “mẹ đỡ đầu”, Minh Huyền chia sẻ: “Để được như ngày hôm nay, con may mắn được sự quan tâm của Hội LHPN xã Tứ Hiệp, đặc biệt là mẹ ni sư Thích Đàm Hiếu đã không ngừng động viên tinh thần cũng như giúp đỡ về vật chất để gia đình con có thêm chi phí sách vở, thuốc men”. Trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đã là thiệt thòi, nhưng với trẻ em mồ côi, khuyết tật còn bất hạnh hơn khi các em phải gánh chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần. Từ khi sinh ra, em Nguyễn Thị Thảo Nguyên ở Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã phải mang trong mình căn bệnh khó chữa, những ngày tháng nằm nôi của em cũng là những tháng ngày ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, dù vậy em vẫn chậm phát triển về mọi mặt so với các bạn đồng trang lứa. Năm vừa tròn 2 tuổi, căn bệnh của Thảo Nguyên được bác sĩ xác định là bệnh đao. Cùng năm đó, bố em bị cảm đột ngột và ra đi mãi mãi khi em mới được hơn 2 tuổi. Năm em 10 tuổi, không thể vượt qua được khó khăn, mẹ em để em ở lại với ông bà nội để đi xây dựng gia đình mới. Số phận trớ trêu hơn khi bà nội Thảo Nguyên mắc căn bệnh ung thư và ông nội mắc bệnh lao phổi. Khó khăn chồng chất, ông bà nội nay đã già yếu lại bệnh tật, không thể lao động, lại không có nhà ở, phải đi ở nhờ hàng xóm xung quanh. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình Thảo Nguyên, Hội LHPN xã Thanh Liệt đã nhận đỡ đầu và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc cho em với mức hỗ trợ hàng tháng 500 nghìn đồng/tháng. Cùng với đó, Hội đề xuất Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã vận động hỗ trợ vật chất cho ông bà nội của Thảo Nguyên. Hội cũng vận động cán bộ hội viên và hàng xóm láng giềng cùng chung tay hỗ trợ em và gia đình. |
Bà Nguyễn Thị Nhàn - bà nội của Thảo Nguyên chia sẻ: “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN xã Thanh Liệt đã góp phần san sẻ phần nào khó khăn của gia đình, đặc biệt là Thảo Nguyên, đem lại niềm vui cho cháu”. Đó là 2 trong số hàng trăm trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thanh Trì… Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại mất đi người thân là nỗi đau, sự thiệt thòi khó lấp đầy đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Hiểu được điều này, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, các cấp Hội phụ nữ huyện Thanh Trì đã nỗ lực tìm “Mẹ đỡ đầu” cho các con mồ côi, kết nối vận động nguồn lực hỗ trợ... |
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 10/2021 với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi do dịch Covid-19; trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện. Với ý nghĩa đặc biệt nhân văn đó, chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của 100% Hội LHPN các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc, đưa nội dung thực hiện chương trình là một trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Bằng tình thương, trách nhiệm, những người "mẹ đỡ đầu" đã trở thành điểm tựa, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện. Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", để mô hình đạt hiệu quả, Hội LHPN huyện Thanh Trì đã bám sát sự định hướng của Hội LHPN Thành phố Hà Nội, sự ủng hộ của các cơ sở Hội để tổ chức khảo sát các cháu là trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 216 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần nhận đỡ đầu. Từ đó chỉ đạo mỗi cơ sở hội căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, nguồn lực sẵn có và nguồn vận động xã hội hóa để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Gia đình là điểm tựa tinh thần, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi người từ thuở còn thơ cho đến khi trưởng thành. Là nơi để chúng ta tìm về trong suốt cuộc đời. Không gì hạnh phúc hơn khi tổ ấm có đầy đủ cả cha và mẹ. Thế nhưng thiên tai, tai nạn giao thông, rủi ro và dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho không ít trẻ em phải chịu đựng những nỗi đau to lớn, không thể bù đắp được khi mất đi cả cha và mẹ hoặc mất cha, mất mẹ, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. |
Dân gian có câu “Còn cha gót đỏ như son/Không cha không mẹ như đàn đứt dây”. Các em rất cần điểm tựa về mọi mặt đề đồng hành cùng các em trong quá trình lớn lên, trưởng thành sau những biến cố lớn. Sự hỗ trợ từ những người thân còn lại, thầy cô, cộng đồng và xã hội sẽ là động lực để các em vượt lên trên hoàn cảnh, trở thành công dân có ích cho đất nước, cho xã hội. Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung chia sẻ: "Tôi nghĩ việc đỡ đầu không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất mà mỗi người "Mẹ đỡ đầu" còn là điểm tựa tinh thần của các con trong cuộc sống. Khi tiếp nhận chủ trương từ Trung ương hội, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi có thêm một chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, lo vì là một chương trình mới và việc tìm “Mẹ đỡ đầu” đối với một huyện còn khó khăn trong khi đó, số lượng trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn còn nhiều. Tuy nhiên, thử thách vẫn không lớn bằng quyết tâm, với sự đồng lòng, đồng sức, các cấp Hội đã nhanh chóng kết nối yêu thương. Ngoài cán bộ, hội viên nhận là mẹ đỡ đầu, thông qua kết nối, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng tình nguyện hỗ trợ, tham gia. Cứ như vậy, bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN huyện Thanh Trì, cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới như thế. Kế thừa truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc, chương trình “Đồng hành cùng con”, “Mẹ đỡ đầu” do cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Thanh Trì thực hiện trong thời gian qua đã thành lập 35 nhóm “Mẹ đỡ đầu” từ huyện tới cơ sở đã kết nối, nhận đỡ đầu 75 trẻ mồ côi. Chương trình đã trở thành chỗ dựa cho nhiều trẻ em không may ở vào hoàn cảnh mồ côi, khó khăn. Không chỉ hỗ trợ về vật chất mà các “Mẹ đỡ đầu” còn giúp các con có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống. Các mẹ, các chị dù hoàn cảnh còn trăm bề khó khăn, có mẹ tuổi đã cao, có chị kinh tế chưa mấy dư dả nhưng đều có chung một trái tim nhân hậu, sẵn sàng đón nhận, không những một mà thêm nhiều đứa con, để yêu thương, sẻ chia, đồng hành, giúp các con vững bước trên hành trình viết tiếp những ước mơ tươi sáng. |
Năm 2021, sau khi Hội LHPN huyện triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, 100% Hội cơ sở đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã nhận đỡ đầu 35 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 2 cháu mồ côi do dịch Covid 19, với mức đỡ đầu là 200 nghìn đồng/cháu/tháng. Đến nay, Hội đã kết nối cán bộ Hội, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 75/216 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó 35 cháu nhận mức đỡ đầu từ 500 nghìn đồng/cháu/tháng trở lên; 40 cháu được nhận mức 200-300 nghìn đồng/cháu/tháng; thường xuyên giúp đỡ được 216/216 cháu. Để đạt được những kết quả ấy, hằng năm, các cấp hội đã tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động Vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu cho các cháu mồ côi, khuyết tật như: Tổ chức các chương trình Ngày Hội “Gia đình kết nối yêu thương - Chắp cánh ước mơ cho con”, Vui Tết Thiếu nhi 1/6, Ngày hội “Đồng hành cùng con”, “Đêm hội trăng rằm”, “Vầng trăng cho em”; Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt trong năm học vào các dịp Tết cổ truyền dân tộc, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, khai giảng năm học, với trên 1.380 suất quà, bao gồm điện thoại thông minh, xe đạp, hằng trăm bộ đồ dùng học tập và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ Quỳnh Hoa, xã Hữu Hòa. Các cấp Hội phối hợp Công an, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường tổ chức 7 buổi tập huấn, chia sẻ thông tin, giúp đỡ các con về kiến thức cũng như kỹ năng sống, về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, phòng chống cháy nổ trong thời gian nghỉ hè tại gia đình; 8 buổi truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, xây dựng môi trường an toàn và bình đẳng cho phụ nữ yếu thế và trẻ em mồ côi tới trên 2300 hội viên phụ nữ có con em dưới 16 tuổi tham dự; 16 diễn đàn trẻ em với chủ đề "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động", "Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện lành mạnh cho trẻ em”. |
Có thể nói, chính sự yêu thương, nâng đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Thanh Trì đã mở rộng con đường đến trường cho các em và là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các em vượt lên hoàn cảnh, học tập, rèn luyện, trở thành những con ngoan, trò giỏi, người công dân có ích cho xã hội. Không dừng lại ở đó, việc hỗ trợ trẻ mồ côi, khuyết tật còn được định hướng duy trì thường xuyên đến hết nhiệm kỳ bằng nhiều nguồn lực, năm 2023 Hội LHPN huyện phát động chương trình thu gom phế liệu, gây quỹ từ thiện: triển khai Mô hình Thu gom rác thải nhựa xây dựng quỹ tình thương và Biến rác thải thành tiền tại 16 xã, thị trấn tạo nguồn quỹ cho chương trình Mẹ đỡ đầu, “Đồng hành cùng con” tại các địa phương. Qua 3 năm triển khai, Chương trình “Đồng hành cùng con”, “Mẹ đỡ đầu” do hội LHPN huyện Thanh Trì phát động đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em mồ côi được sống trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ em khó khăn không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà đã trở thành nét đẹp truyền thống nhân văn của người Việt Nam. Tin rằng với những hiệu ứng tích cực từ Chương trình, những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi sẽ được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương nhiều hơn nữa, để các em sẽ mạnh mẽ, tự tin viết tiếp những ước mơ của mình. |
Cuộc sống là sự nối tiếp, những mất mát của ngày hôm nay sẽ trở thành động lực để các em cố gắng cho ngày mai tươi sáng. Bước qua những khó khăn, giờ đây, những niềm hi vọng và những ước mơ đang lớn dần lên trong mỗi đứa trẻ. Khi hướng về phía trước, bóng tối sẽ dần khuất sau lưng. Cha hay mẹ của các em dù không còn nữa nhưng chắc chắn tình yêu và những mong mỏi, hy vọng của những người cha, người mẹ đỡ đầu sẽ được các em nâng niu trân trọng cất giữ. Đó sẽ là hành trang lớn nhất, để các em mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, để bước tiếp, vươn lên kiêu hãnh như những đoá hướng dương dưới ánh nắng mặt trời. |
Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Quốc Nam |
|