Khi dịch Covid-19 bùng phát, đời sống của đoàn viên Công đoàn và người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong tình hình đó, tổ chức Công đoàn càng khẳng định vị trí là chỗ dựa tin cậy cho họ. Ghi nhận công tác phòng, chống dịch và các hoạt động chăm lo thiết thực, nghĩa tình của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) là minh chứng sinh động cho điều này.
|
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các doanh nghiệp trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã phải hạn chế hoạt động để đảm bảo an toàn phòng dịch theo phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”. Nhiều đơn vị phải sắp xếp lại phương án sản xuất và cắt giảm nhân sự. Các công sở, trường học không thể mở cửa do biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan của Thành phố. Điều này dẫn tới việc nhiều người lao động mất đi nguồn thu nhập lớn, chỉ có thể trang trải các nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình. |
Lên Hà Nội từ khi mới 15 tuổi, sau nhiều năm làm lao động tự do, chị Nguyễn Thị Chung, 38 tuổi, quê Hải Dương may mắn được nhận vào làm nhân viên tạp vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O Việt Nam, trực thuộc LĐLĐ quận Nam Từ Liêm. Chị Chung chia sẻ, trước những tác động của dịch Covid-19, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã phải cho người lao động làm luân phiên. Từ khi làm luân phiên, thu nhập của chị giảm còn khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu như mọi khi chị đi làm thêm vào ngày Chủ nhật được 400 nghìn đồng/ngày thì tổng cộng mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng. Thế nhưng vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, không ai thuê chị lau dọn vào mỗi Chủ nhật nữa. Bố chồng chị bị tai biến đã 20 năm nay, đi lại ngày càng khó khăn; còn mẹ chồng lại bị K hạch, tốn nhiều chi phí thuốc men, khám chữa. Hai con nhỏ nhà chị một lớp 7, một lớp 3 đang tuổi ăn học. Hoàn cảnh đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Bình thường chồng chị làm bảo vệ, mỗi tháng cũng được thêm vài ba triệu, nhưng ảnh hưởng của dịch nên đã nghỉ làm 2 tháng nay và không có thu nhập. Cả gia đình 6 người chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chị Chung để duy trì cuộc sống sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Chung là ví dụ cho rất nhiều lao động ở quận Nam Từ Liêm đang phải sống tằn tiện, chạy cơm ăn áo mặc từng ngày. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của họ. Trong hoàn cảnh đó, chính những nghĩa cử cao đẹp, sự san sẻ, yêu thương đã làm vơi bớt phần nào gánh nặng mưu sinh của những công nhân lao động nghèo, thắp lên tình nhân ái, đoàn kết, niềm tin vượt qua đại dịch. Hơn lúc nào hết, tổ chức Công đoàn quận Nam Từ Liêm lúc này càng thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình, là điểm tựa cho công nhân lao động. Những ngày Thủ đô giãn cách, hàng loạt “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã đi đến các trường học, đơn vị, doanh nghiệp. Hơn 1.000 “Túi An sinh Công đoàn” đã được chuyển đến tận tay hàng ngàn đoàn viên, người lao động khó khăn của quận. Đây thực sự là điểm tựa của công nhân, giúp họ yên tâm “ai ở đâu ở đấy” trong giai đoạn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Trực tiếp trao “Túi An sinh Công đoàn” (mỗi túi trị giá 200 nghìn đồng, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, muối, lạc...) tới từng đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận, bà Lê Thị Kim Điệp, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã động viên người lao động giữ gìn sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Đồng thời, đề nghị các Công đoàn cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để kịp thời báo cáo, đề xuất LĐLĐ quận về các trường hợp đặc biệt khó khăn. Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Những túi quà tuy nhỏ nhưng là tình cảm, sự động viên của LĐLĐ quận đối với các đoàn viên Công đoàn, người lao động trong thời điểm hiện nay. Tôi cũng mong muốn đoàn viên Công đoàn, người lao động tiếp tục an tâm, tin tưởng và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần chung tay cùng với quận, Thủ đô và đất nước chiến thắng dịch bệnh Covid-19”. |
“Trong lúc khó khăn, Công ty và các cấp Công đoàn đã có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Tôi thực sự rất xúc động và biết ơn. Tôi mong rằng, người lao động khó khăn sẽ luôn được tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo; đồng thời mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và người lao động có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống”, chị Chung, nhân viên tạp vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O Việt Nam bày tỏ. Hơn cả nhu yếu phẩm, những “Túi An sinh Công đoàn” gửi đi thông điệp về sự sẻ chia, chăm lo để tiếp thêm sức mạnh cho đoàn viên Công đoàn, người lao động nghèo của quận Nam Từ Liêm. Điều quan trọng là sau khi dịch bệnh đi qua, tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục duy trì, phát huy để những người lao động nghèo tiếp tục cống hiến, quay lại với công việc. |
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã sớm triển khai các biện pháp bảo vệ người lao động. Trong đó, khẩn trương thành lập “Tổ An toàn Covid-19” với tinh thần mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài” phòng, chống dịch. Tại Công ty Cổ phần Thú Y Xanh Việt Nam, ngay khi có chỉ đạo từ LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, với vai trò, trách nhiệm của mình, Công đoàn cơ sở đã tham mưu Ban lãnh đạo Công ty kịp thời thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, gồm 11 thành viên. Trong đó, đích thân Phó Tổng Giám đốc Công ty là Tổ trưởng để thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Cùng với đó là đại diện Tổ Công đoàn, Tổ An toàn vệ sinh lao động, Phòng Hành chính nhân sự, Tổ Bảo vệ và Khối giao nhận của Công ty. “Đây đều là những người lao động đang trực tiếp làm việc tại Công ty, am hiểu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có tác phong gương mẫu và có uy tín đối với người lao động. Mỗi thành viên của “Tổ An toàn Covid-19” đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng dựa trên hướng dẫn phòng, chống dịch của Công ty ban hành. Tất cả các khâu hoạt động đều được mọi người phối hợp với nhau nhịp nhàng, thuận lợi” - bà Nguyễn Phương Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Thú Y Xanh Việt Nam cho biết. Từ nhiều tháng nay, ông Nguyễn Văn San, nhân viên bảo vệ - một thành viên của “Tổ An toàn Covid-19” không cho người lạ ra vào tự do, chỉ mở cổng cho các phương tiện ra vào theo đúng quy định ban hành. Ông San cũng thực hiện phun sát trùng xe ô tô trước khi vào khuôn viên Công ty, ghi tên đầy đủ khách ra vào, đo thân nhiệt và nhắc nhở đeo khẩu trang đối với toàn bộ 100% cán bộ, người lao động. Ông San cho biết: “Tổ bảo vệ của tôi có 4 người, 2 người 1 ca. Tôi kiểm soát người ra vào ngay từ cổng, nếu người lạ đến gặp ai hay có việc gì thì phải đứng ở ngoài và giữ khoảng cách đúng quy định. Đã 2 tháng nay, Công ty không có người lạ lên văn phòng. Chúng tôi luôn xác định dịch bệnh rất nguy hiểm, nếu có vấn đề thì chính chúng tôi sẽ có nguy cơ đầu tiên nên càng phải giữ gìn cẩn thận cho chính mình và mọi người”. |
Nhờ có “Tổ An toàn Covid-19”, hơn 200 người lao động của Công ty Cổ phần Thú Y Xanh đã quá quen với việc đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong suốt quá trình làm việc. Chính sự giám sát của “Tổ An toàn Covid-19”, mỗi bộ phận, phòng ban là hoàn toàn tách biệt và không chạm mặt nhau. Thậm chí, lối đi trong Công ty cũng được thiết kế dạng một chiều, vào một đường và ra là một đường khác để giảm thiểu việc tiếp xúc với nhau. Nhiều khi nhân viên làm chung cả một thời gian dài nhưng chẳng bao giờ chạm mặt. Với họ, những việc làm đó không chỉ bảo vệ an toàn cho chính bản thân, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng. “Tổ An toàn Covid-19” cũng đã tổ chức lại nhà ăn và bếp ăn để phục vụ người lao động trong Công ty. Không chỉ tuân thủ khoảng cách, tại khu vực ăn còn làm những vách ngăn đảm bảo an toàn cho người lao động. Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Phương Hà cho biết: “Khi làm vách ngăn thì sẽ không nói chuyện và hạn chế việc bắn nước bọt sang nhau, hạn chế lây nhiễm Covid-19. Thậm chí, tại khu vực ăn chúng tôi còn cẩn thận không bật điều hoà vì trong môi trường kín, điều hòa, vi rút lơ lửng trong không khí, dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn. Mọi người ngồi ăn sẽ khẩn trương, không kề cà”. |
Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch thì Công ty cũng chú trọng tăng cường sức đề kháng cho người lao động qua khẩu phần ăn. Thực đơn được chú trọng hơn về dinh dưỡng, có thêm hoa quả để tăng cường vitamin. Bên cạnh đó, “Tổ An toàn Covid-19” cũng trực tiếp tham gia giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh bữa ăn ca; đồng thời giám sát việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại bếp ăn Công ty. “Là người phụ trách nấu ăn cho Công ty, tôi luôn giữ an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo phòng, chống dịch. Khi vào khu bếp, tôi phải mặc đồ bảo hộ, mũ trùm đầu, đeo găng tay và khẩu trang đúng quy định. Ngoài ra, toàn bộ khuôn viên nhà ăn bao gồm cả hành lang, lối đi, chiếu nghỉ cũng được chúng tôi vệ sinh trước và sau khi ăn. Bàn ăn, ghế ngồi cũng được khử khuẩn sạch sẽ. Bát đũa, dụng cụ nấu bếp được tráng lại với nước sôi trên 70 độ C. Đặc biệt, chúng tôi quy định không phục vụ cùng lúc quá đông người, giờ ăn ca cũng đã tổ chức lại thành 4 ca, mỗi ca 15 phút. Thùng đựng rác có nắp đậy, đạp chân để mở nắp và có bao túi bên trong”, bà Hợi, người làm bếp của Công ty Cổ phần Thú Y Xanh Việt Nam chia sẻ. |
Một đơn vị khác cũng thực hiện tốt “Tổ An toàn Covid-19” và đã được LĐLĐ quận Nam Từ Liêm khen thưởng đó là Công đoàn Khách sạn JW Marriott Hà Nội. Là một trong những khách sạn 5 sao có chất lượng dịch vụ tốt nhất Thủ đô, JW Marriott Hà Nội có công suất phục vụ lên tới hàng trăm phòng nghỉ. Hiện, Khách sạn vẫn đang phục vụ hơn 200 chuyên gia đang làm việc tại Công ty Samsung Việt Nam nên việc bảo đảm an toàn cho khách lưu trú càng được chú trọng. Và “Tổ An toàn Covid-19” đã thực hiện rất tốt điều này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Khách sạn JW Marriott Hà Nội cho biết, ngay khi có hướng dẫn từ LĐLĐ quận Nam Từ Liêm về việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19”, Công đoàn cơ sở đã khẩn trương thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Những thành viên của “Tổ An toàn Covid-19” cũng luôn giám sát công tác phòng dịch tại bếp ăn Khách sạn, sắp xếp bàn ghế có khoảng cách phù hợp, bảo đảm an toàn cho du khách và người lao động. Bà Đàm Thị Hương Ngần, Bếp phó Bếp Trung Hoa, thành viên “Tổ An toàn Covid-19” cho biết: “Các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Khách sạn được thực hiện rất nghiêm ngặt, yêu cầu đặt ra rất cao đối với nhân viên bếp. Cụ thể, các nhân viên tham gia chế biến thực phẩm phải có hồ sơ khám sức khỏe và có xác nhận được tập huấn kiến thức về đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải có hồ sơ hợp đồng nguồn gốc thực phẩm đầy đủ, sổ kiểm thực phẩm 3 bước được ghi chép cẩn thận các món ăn hàng ngày... Ngoài ra, tại bếp ăn, các trang thiết bị, dụng cụ được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, khử khuẩn liên tục. Các đầu bếp tham gia chế biến thực phẩm đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách và mang trang phục bảo hộ theo đúng quy định”. Ngoài phòng, chống dịch hiệu quả, “Tổ An toàn Covid-19” còn làm rất tốt công tác chăm lo, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động. Tại Công đoàn Công ty Cổ phần FECON, một trong các dấu ấn hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” đến nay là chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho toàn bộ cán bộ, người lao động của Công ty. “FECON hiện là nhà thầu của nhiều công trình trọng điểm tại Thủ đô và nhiều tỉnh thành trên cả nước, do vậy để đảm bảo công tác thi công, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, lãnh đạo Công ty rất coi trọng công tác tiêm phòng. “Tổ An toàn Covid-19” chúng tôi đã tham gia tích cực vào công tác điều phối tiêm phòng, đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên được tiêm phòng đầy đủ”, ông Vũ Cao Cường, Trưởng ban Truyền thông, Tổ phó “Tổ An toàn Covid-19” Công ty Cổ phần FECON cho hay. Là nhà thầu của nhiều công trình lớn, trong đó có nhiều dự án điều hành bởi các tập đoàn quốc tế, do vậy đảm bảo tiêu chuẩn an toàn quốc tế là một trong những yêu cầu quan trọng để được tham gia các dự án. Một trong những quy chuẩn là có cán bộ an toàn chuyên trách tại dự án. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ của các cán bộ an toàn càng được đặc biệt nâng cao trong công tác phòng dịch. Ví như tại mỗi dự án, họ phải lập kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, gửi Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương. Sau đó, phải có văn bản cam kết chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường đều phải tuân thủ quy định giãn cách, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế hằng ngày. |
“Tổ An toàn Covid-19” cùng những cán bộ an toàn này chính là cánh tay nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Công ty. Nhờ vậy, hàng nghìn công nhân, người lao động Công ty được đảm bảo đời sống việc làm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Hiện, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm đã thành lập được 455 “Tổ An toàn Covid-19” với 1.447 người tham gia. Đặc biệt, LĐLĐ quận đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo về việc khẩn trương kích hoạt, hướng dẫn nâng cao hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19” ngay tại các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm với đầy đủ Hướng dẫn, Quy chế hoạt động, Bảng chấm điểm của “Tổ An toàn Covid-19”. Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp chia sẻ: “Chúng tôi chủ động phối hợp với các đơn vị Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thuế quận vận động 147 doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn thành lập được 283 “Tổ An toàn Covid-19” với 773 người tham gia”. Bà Lê Thị Kim Điệp đánh giá, Ban lãnh đạo các doanh nghiệp và các Công đoàn cơ sở trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cơ quan cấp trên trong việc thành lập và hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” tại đơn vị, doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp trên địa bàn quận đã thực hiện nghiêm chỉnh quy trình hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ quận. Nhờ triển khai hiệu quả “Tổ An toàn Covid-19”, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn quận đã bảo vệ được “vùng xanh” của mình để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh”. Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, đặc biệt là người đứng đầu LĐLĐ quận, cùng sự vào cuộc khẩn trương, kịp thời của Công đoàn cơ sở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận đã và đang tô thắm thêm màu áo xanh Công đoàn, lan tỏa những hình ảnh đẹp của tổ chức Công đoàn Thủ đô. Đây là sự khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn khi dang rộng vòng tay giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn. |
Nội dung: Bùi Phương Thiết kế: Đức Hà - Clip: Lương Hằng |
|