Multimedia
25/10/2022 17:17
(E-magazin) Nơi dừng lại để giao tiếp với nhau

25/10/2022 17:17

Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương đầu tiên của Thủ đô và cả nước triển khai hiệu quả các không gian đi bộ trên địa bàn. Nổi bật là phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận - không gian vui chơi, tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư giao lưu, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhân dân và du khách khi đến với Hà Nội.

(E-magazin) Nơi dừng lại để giao tiếp với nhau

Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương đầu tiên của Thủ đô và cả nước triển khai hiệu quả các không gian đi bộ trên địa bàn. Nổi bật là phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận - không gian vui chơi, tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư giao lưu, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhân dân và du khách khi đến với Hà Nội. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm đã có những chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức thành công hoạt động này.


Phóng viên: Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đến nay đã trở nên thân thuộc với người dân Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội, ông có thể khái quát về hoạt động này?

Ông Phạm Tuấn Long: Hà Nội đã thử nghiệm tổ chức phố đi bộ trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân năm 2004; địa bàn khu bảo tồn cấp I năm 2014 (gồm: Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện).

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhauKhu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như hiện nay được đưa vào hoạt động ngày 1/9/2016. Thời gian hoạt động chính thức của khu phố là vào mỗi cuối tuần từ 19 giờ tối thứ Sáu đến 24 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần. Các tuyến phố được quy hoạch bao gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Nhà hát Lớn Hà Nội đến Hàng Bài), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Từ 31/12/2020, mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu Phố cổ Hà Nội kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, gồm các tuyến phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc.

Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có ý nghĩa văn hóa lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng giúp gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội.

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhau

Phóng viên: Thành ủy Hà Nội mới đây ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Nghị quyết này có ý nghĩa gì đối với quận Hoàn Kiếm, nhất là việc khai thác giá trị của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Long: Nghị quyết 09-NQ/TU thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Thành phố đối với việc quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô. Trong đó, Hoàn Kiếm luôn là trung tâm văn hóa của Thủ đô; một trong những nơi có giá trị văn hóa tiêu biểu của Hà Nội.

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhauNói về công nghiệp văn hóa hay để văn hóa thu được giá trị định lượng về tài chính, đấy là mục tiêu. Nhưng để làm văn hóa mà tính được chúng ta sẽ thu lại bao nhiêu, nó khác với một dự án kinh doanh, để biết được lợi nhuận thì nó phải có quá trình và thời gian theo dõi rất dài.

Đầu tư cho văn hóa thấp hơn rất nhiều so với các dự án xây dựng. Nhưng giá trị của dự án văn hóa nếu làm tốt thì tính lan tỏa và sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ.

Với kinh nghiệm của quận Hoàn Kiếm là kêu gọi các nguồn lực xã hội, làm để quảng bá văn hóa, chính vì vậy, hiện nay chúng ta chỉ cần có một môi trường thì chúng ta có thể thu hút được rất nhiều nguồn lực khác nhau để phục vụ cho phát triển văn hóa.

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhau

Trong nhiều năm qua, quận Hoàn Kiếm tập trung cho công tác trùng tu di tích, chỉnh trang, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, đô thị và triển khai các dự án nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, các lễ hội truyền thống… Nếu không có những dự án như vậy thì kinh tế và du lịch của Hoàn Kiếm không được như hiện nay.

Nhìn lại khoảng 20 năm trước đây, lượng khách đến Hà Nội để du lịch rất thấp. Lúc đó Hà Nội chỉ là đầu mối giao thông. Rất ít khách ở lại lưu trú và tìm hiểu. Khi đó quận Hoàn Kiếm có số lượng khách sạn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có hàng trăm khách sạn. Khách du lịch đến Hà Nội có qua quận Hoàn Kiếm cũng đến 75-80%. Chính vì vậy đã đóng góp lớn cho ngân sách của quận. Du lịch tăng trưởng khoảng 23%/năm (đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách trên địa bàn). Đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm cho người dân, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống cao, giá trị sinh lời từ bất động sản cũng lớn, giá đất của quận Hoàn Kiếm vẫn giữ mức cao nhất cả nước… bởi sự quan tâm đầu tư từ nhiều năm trước đó.

(E-magazin) Nơi dừng lại để giao tiếp với nhau

Nếu mình không làm các hoạt động đầu tư của 5-10-20 năm trước thì lấy đâu hiệu quả của ngày hôm nay. Minh chứng rõ nhất là mức ổn định thu ngân sách trên địa bàn quận ngày càng tăng. Tổng thu năm 2016 mới chỉ khoảng 8 nghìn tỷ đồng thế nhưng đến năm 2021, đã trên 14 nghìn tỷ đồng.

Ví dụ cụ thể hơn, là việc tổ chức phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ban đầu quận Hoàn Kiếm thực hiện theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, với cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa hiện hữu. Trong quá trình hoạt động được rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh dần.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã tính toán các phương án tổ chức và quy hoạch mở, chứ không cố định. Tùy theo từng thời điểm và tính chất của từng giai đoạn khác nhau để có mô hình hoạt động cho phù hợp. Trên nền tảng cơ bản là phát huy được giá trị về vật thể của hồ Hoàn Kiếm (cảnh quan mặt nước, lịch sử văn hóa gắn với thói quen sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa của người châu Á), đây là điểm khác biệt với những không gian đi bộ khác.

Qua triển khai thực tế, hoạt động này đã phát huy được giá trị cảnh quan hồ nước, cây xanh của hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận để phục vụ cho mục đích công. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, kinh tế của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia rất đông, trung bình ban ngày khoảng 3.000 đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 vạn đến 2 vạn người, những buổi có sự kiện lớn có trên 3 vạn người tham dự.

Từ việc mở không gian đi bộ mới thấy các mô hình kinh doanh mới xuất hiện, các cửa hàng, hộ kinh doanh hút vào khu vực này rất lớn. Đơn cử như, trước khi mở không gian phố đi bộ thì xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có 54 cửa hàng kinh doanh, nhưng chủ yếu bán cặp, túi, đồ nhái. Nhưng sau khi tổ chức phố đi bộ, các cửa hàng này đã mở các dịch vụ phục vụ cho du lịch, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống phục vụ cho nhu cầu của du khách đến phố đi bộ. Việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè từ đó đã giảm đi rất nhiều.

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhau

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong thời gian tới?

Ông Phạm Tuấn Long: Qua một thời gian hoạt động, chúng tôi xác định phải tiếp tục hoàn chỉnh không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Bởi kết quả có được mới chỉ là giai đoạn đầu, chúng ta phải luôn làm mới phố đi bộ chứ không thể hài lòng với những kết quả của ngày hôm nay. Có thể hôm nay phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đang tấp nập nhưng ngày mai có thể không còn đông nữa. Quan trọng là chúng ta phải lựa chọn cho được những sản phẩm và đưa vào đây những loại hình nào được chắt lọc phù hợp với không gian.

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhau

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã có kế hoạch mở thêm một số không gian đi bộ bổ trợ bên cạnh nữa để giảm áp lực cho khu vực này. Hiện tại đã có những lúc, một số khu vực trong không gian này bị quá tải. Có nhiều đơn vị mong muốn tổ chức sự kiện trong này, trong khi không gian cũng ngày càng chật hẹp.

Quận Hoàn Kiếm đang xác định như "bà đỡ" cho văn hóa, trước tiên là tạo ra không gian và điều kiện thuận lợi nhất cho văn nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật có thể trình diễn miễn phí cho bà con trong không gian công cộng; đồng thời sẵn sàng đón các đoàn khách, đoàn nghệ thuật quốc tế sang giao lưu, quảng bá văn hóa…

Chúng ta cũng chưa có một khu vực quảng trường đúng nghĩa của nó. Cho nên hồ Hoàn Kiếm có thể trở thành quảng trường mỗi dịp cuối tuần. Chúng tôi đang nghiên cứu, trong thời gian tới biến khu vực quảng trường phía trước Nhà hát lớn gắn với trục phố Tràng Tiền, hồ Hoàn Kiếm, khu vực Thọ Xương, Ấu Triệu, Ngõ Huyện để tổ chức phố đi bộ khu vực này với những đặc trưng, đặc điểm khác nhau, không xung đột với những không gian đi bộ sẵn có. Đồng thời có giải pháp để đảm bảo những không gian này phát triển bền vững.

Nói đến phố đi bộ không phải là chúng ta tạo ra một không gian để đi mà thực tế là tạo thêm không gian để mọi người dừng lại, để giao tiếp với nhau. Quận Hoàn Kiếm có lợi thế là có nhiều cơ sở là các thiết chế văn hóa của Trung ương, Thành phố và quận. Trong đó có nhiều thiết chế chất lượng cao như Nhà hát lớn, Thư viện Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử, các rạp chiếu phim, các nhà hát, các trung tâm văn hóa quốc tế… khẳng định Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa của Thủ đô cũng như cả nước. Chính vì vậy, việc kết nối, phát huy các hạ tầng này với nhau là một trong những điều kiện để quận Hoàn Kiếm phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Phúc

(E-magazin)Dừng lại, để giao tiếp với nhau

Thúc đẩy kết nối liên vùng vì tương lai phát triển Thủ đô và đất nước Thúc đẩy kết nối liên vùng vì tương lai phát triển Thủ đô và đất nước

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, không chỉ có ý nghĩa với địa ...

Dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ giữa năm 2023 Dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ giữa năm 2023

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế ...