Chuỗi di sản trục sông Hồng, chùa Hương; Sơn Tây - Ba Vì xét trên bản đồ di sản, văn hóa, du lịch giống như thế “kiềng ba chân”. Nhưng hiện cả ba chuỗi di sản này vẫn ở dạng tiềm năng. Bởi thế, nên chăng Thành phố và các cấp, ngành cần đưa 3 trục di sản này vào kế hoạch phát triển để quy hoạch bài bản, sau đó kêu gọi hợp tác đầu tư, đặc biệt hợp tác công tư (PPP). Đây cũng có thể là điều kiện cần và đủ để công nghiệp văn hóa cất cánh trên nền di sản? |
Trục sông Hồng là một trong những chuỗi di sản “khổng lồ” nhất thành phố Hà Nội. Năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; là trục không gian đặc trưng hành lang xanh. Thay vì “quay lưng” vào dòng sông, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển Thành phố theo hướng “nhìn sông, tựa núi”. Đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên. |
Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành từ Cổ Loa cho đến Vạn Xuân, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh và cho đến cả thời kỳ đầu khi Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước. Sông Hồng chỉ trở thành xa lạ và không còn gắn bó máu thịt với đời sống cư dân Thủ đô kể từ khi người Pháp đặt ách đô hộ trên đất nước Việt Nam và tổ chức thành phố nhượng địa thủ phủ của Liên bang Đông Dương theo một mô hình khác trước. Từ sau năm 1954, Hà Nội trải qua nhiều biến đổi nhưng trên cơ bản theo hướng lấy khu đô thị cổ truyền làm trung tâm và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, theo đủ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sự phát triển của đô thị như thế, xét về mặt hình thức là bình thường, tự nhiên nhưng đi vào thực chất của từng kế hoạch, từng thời đoạn thì lại bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn, lúng túng. Trong đó có vấn đề xử lý vai trò, vị trí của sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô là hết sức phức tạp và nan giải. |
Không kém phần “huy hoàng”, di sản trục Sơn Tây - Ba Vì mà điển hình là quần thể di tích Thành cổ Sơn Tây đã và đang lộ rõ tiềm năng vượt trội của “lá phối di sản tâm linh Thủ đô”. Nói đến di sản của thị xã Sơn Tây không phải chỉ có Thành cổ mà còn là làng cổ Đường Lâm, là Văn Miếu Sơn Tây cùng nhiều di tích mang giá trị văn hóa, lịch sử khác. Mang trong mình những giá trị to lớn về nhiều mặt, song nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây được đánh giá còn “khiêm tốn”, chưa tương xứng với vị thế của di tích. Hiện nay, các hạng mục trong quần thể di tích được bảo tồn và phát huy thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về di sản với công chúng còn hạn chế, số lượng người biết đến di tích không nhiều. Các phương tiện hỗ trợ, hệ thống bia, biển hầu như chưa có gì. Di tích chưa có cán bộ chuyên môn, chuyên trách, hướng dẫn tham quan cũng như chưa được đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân, du khách. Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học uy tín; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”… Thị xã Sơn Tây với thế mạnh có 244 di tích, trong đó có 80 di tích đã xếp hạng với 19 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp tỉnh, Thành phố. Đối với Ba Vì, ngoài di tích lịch sử Đá Chông, vườn Quốc gia Ba Vì là nơi có khi hậu lý tưởng nhất Thủ đô với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú. Dư địa chí cho phát triển quần thể du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực là rất lớn. |
Đối với quần thể di tích chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 13/4/2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương). Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học. Làm căn cứ pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và làm cơ sở khoa học trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương gắn với phát triển du lịch; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống và tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân trong khu vực. |
|
Khi đã xác định được trục phát triển, Thành phố tiến hành quy hoạch, đầu tư hạ tầng sau đó mời gọi các tập đoàn lớn đến đầu tư. Hợp tác công tư - Nhà nước đầu tư phần hạ tầng cơ bản, tư nhân tham gia đầu tư các dự án khai thác giá trị gia tăng là một trong những hình thức được các chuyên gia đánh giá cao. Theo đó, trục sông Hồng liên kết với các địa phương phát triển du lịch tham quan. Hình thành các bến cảng, phát triển các đội du thuyền vừa để vãn cảnh, vừa để tham quan các di sản dọc sông Hồng như Làng gốm Bát Tràng, di tích An Dương Vương... Tại đây, khi có quy hoạch các nhà đầu tư sẽ xây dựng các điểm du lịch tầm cỡ. Với trục chùa Hương có thể xây dựng khu vực du lịch văn hóa tâm linh gắn kết với quần thể Bái Đính, Tam Chúc,… từ các tỉnh lân cận. |
Đặc biệt, khu du lịch văn hóa trục Sơn Tây - Ba Vì gắn với phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh tầm cỡ. Nếu trục Ba Vì - Sơn Tây được quy hoạch bài bản, những tập đoàn lớn sẽ đổ cả tỷ đô la vào đầu tư tạo thành quần thể du lịch đẳng cấp. Tâm linh có, lịch sử có, thiên nhiên có, vui chơi có... Khi đó mới có thể nói đến chuyện thu tiền. Công nghiệp văn hóa mới thực sự là ngành. Còn nếu chỉ nói nào làng nghề, nào hệ thống di tích dùng để bán vé... không thể tạo bước đột phá. Theo chuyên gia tài chính Vũ Văn Thọ, Hà Nội có rất nhiều di tích, thu hút khách du lịch cũng rất đông, nhưng giá trị thu được về ngân sách là chưa lớn, đặc biệt nguồn thu từ việc “bán vé” các di tích lịch sử, văn hóa trên quy mô kinh tế của Thành phố còn quá bé nhỏ. Do đó, khi nói đến công nghiệp văn hóa, điều quan trọng Thành phố cần phải ra đầu đề (bài toán) để cùng cộng đồng doanh nghiệp giải bài toán đó. Bởi thế, trong dư địa chí lên đến trên 3.300km2, Thành phố phải đưa ra lộ trình cụ thể như 5 năm tới, công nghiệp văn hóa đóng góp bao nhiêu phân trăm vào cơ cấu GRDP? 10, 15 tới là bao nhiêu? Muốn đạt được mục tiêu, phải bắt đầu từ đâu? Bảo tồn, phát huy và khai thác tiềm năng di tích ra sao? Trên tinh thần đó, chuyên gia tài chính Vũ Văn Thọ cho rằng, chỉ khi và khi lựa chọn không gian dựa trên các chuỗi di tích văn hóa để “hoạch định chính sách”, nhằm tạo ra những vùng du lịch tầm cỡ, đa dạng về bản sắc để người dân, du khách vừa tham quan, trải nghiệm, vãn cảnh, sinh hoạt tâm linh, vừa là chỗ nghĩ ngơi, tiêu tiền và đáng để tiêu tiền thì khi đó công nghiệp văn hóa mới thành công. “VinGroup, SunGrpup - những tập đoàn này đâu tư du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng rất nhiều nơi, ở Thủ đô mới là những khu đô thị, tại sao họ chưa mặn mà. Có cách gì để giúp các tập đoàn đầu tư vào du lịch để khai thác công nghiệp văn hóa của Thủ đô là điều phải sớm tìm ra lời giải”, vị chuyên gia này nói. |
Nội dung: Bảo Thoa - Đồ họa: Đức Hà |
|