Tràn lan quân trang nhái, hệ lụy khôn lường!

11:31 | 21/11/2019
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, báo Lao động Thủ đô nhận được phản ánh của một số người dân về việc các trang phục, phụ kiện được nhái giống hệt của trang phục trong ngành công an, quân đội được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí ở nhiều nơi, các loại quân trang “nhái” còn được bày bán như một mặt hành thời trang thông thường dễ mua và dễ mặc. Đáng lo ngại là những trang phục này đang bị một số người lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
tran lan quan trang nhai he luy khon luong Giả danh sỹ quan quân đội để lừa đảo
tran lan quan trang nhai he luy khon luong Vừa ra tù đã giả cảnh sát để cho... oai

Dễ dàng mua được quân trang trên mạng

Theo quy định, quân trang bao gồm: Phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu và trang phục của quân đội, công an. Quân dụng cho lực lượng vũ trang là những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, tuy nhiên trong thời gian qua, những sản phẩm quân tư trang vẫn được bày bán trôi nổi trên thị trường và hầu như không có sự kiểm soát.

tran lan quan trang nhai he luy khon luong
Nhiều nơi, các trang phục “nhái” gần giống với quân trang dễ gây hiểu nhầm.

Được biết, trong năm 2018, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh trên phố Lê Duẩn, Nguyễn Thiệp thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm quân hiệu, thắt lưng, giầy da, ve hàm… có phù hiệu của lực lượng công an.

Kể từ đó đến nay, mặc dù cơ quan chức năng đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể, cũng có những hoạt động kiểm tra xử lý nhưng ở một số nơi, tình trạng buôn bán này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Những hành vi vi phạm còn đang được thực hiện rất công khai, tinh vi và ngày càng nghiêm trọng hơn. Để tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, thay vì kinh doanh, giao dịch tại các cửa hàng cố định, nhiều đầu nậu đã sử dụng các trang mạng xã hội, diễn đàn trên mạng Internet làm công cụ, phương tiện để tổ chức kinh doanh quân trang, quân dụng lực lượng, quân đội, công an trái phép.

Cụ thể, lên mạng tìm kiếm, chỉ cần gõ từ khóa “mua đồ công an” thì hàng loạt cửa hàng online trên Facebook hiện ra với các quân trang, quân dụng ngành công an như giày, quần áo, quân hàm..., thậm chí có cả còng số 8 và gậy cao su chuyên dụng. Phóng viên chọn vào fanpage có tên “Đồ công an chính hãng” thấy rao bán hàng loạt quân trang, quân dụng, từ trang phục Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động… đến cầu vai cấp úy, cấp tá, kèm lời chào mời “giá hợp lý, uy tín, an toàn”.

Bên cạnh đó, có nhiều nơi quảng cáo, giới thiệu chi tiết giá cả cho từng loại quân trang, quân phục. Chẳng hạn, thắt lưng có 4 loại, giá loại thấp nhất là 190.000, cao nhất là 280.000 đồng. Áo khoác 280.000 đồng/cái, áo thun 190.000 đồng/cái. Áo khoác có in logo, mũ thêu logo ngành 120.000 đồng. Ví khắc logo ngành 350.000 đồng/cái. Thậm chí, quần áo lễ phục đại lễ của quân đội cũng chỉ có giá khoảng 500.000 đồng/bộ, giày cấp úy 300.000 đồng/đôi, cấp tá 400.000 đồng/đôi, dây lưng công an 150.000 đồng, quân đội 170.000 đồng…

Trong vai một người mua giày và thắt lưng sĩ quan, chúng tôi vào trang facebook “Giày da sĩ quan” với lời quảng cáo: “Hàng chính hãng Công ty CP 32-Bộ Quốc phòng sản xuất-Chuyên cung cấp giày sĩ quan quân đội”. Trang này còn treo lô gô của Công ty Cổ phần 32. Trao đổi với người bán hàng, người này cho biết “có người quen làm ở Công ty Cổ phần 32 nên có nguồn hàng xịn, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Người này còn báo giá và gửi hình ảnh giày da, thắt lưng cấp tướng có in kèm nhãn mác, lô gô với dòng chữ “Tổng cục Hậu cần” trên sản phẩm. Đặc biệt, người này cho biết khi mua không cần phải xuất trình chứng minh thư quân đội theo quy định.

Nguy hiểm, cần dẹp bỏ

Trên nhiều trang web khác, thậm chí phóng viên còn bắt gặp rất nhiều địa chỉ “chuyên may bán và cho thuê trang phục biểu diễn lính, hải quân” đăng tải nhiều mẫu quân phục qua các thời kỳ. Có nơi còn rao bán cả quân hàm, quân hiệu, còng số 8, trang phục công an. Không chỉ có trên mạng xã hội, các loại trang phục làm “nhái”, gần giống với quân trang còn được bày bán công khai trên các tuyến đường ở Thủ đô. Các loại trang phục này nhìn sơ qua rất giống với quân trang trong quân đội, khiến nhiều người nhầm lẫn. Thậm chí, trong thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh sĩ quan công an, quân đội, với những chiêu trò tinh vi, nhằm chiếm đoạt tài sản và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác. Đây là một thực trạng đáng báo động.

Ông Nguyễn Văn Phú (50 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ lâu nay, nhiều người vì thích oai nên đã mua quân phục để mặc. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều đối tượng đã sử dụng các trang phục này để đánh lừa người dân. Tôi cũng đã từng gặp nhiều người mặc trang phục quân đội rất nghiêm chỉnh, đàng hoàng vào nhà dân để điều tra cái này cái nọ, nhưng trên thực tế là lợi dụng lòng tin để ăn cắp của dân. Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này, để đảm bảo an ninh trật tự đồng thời giữ vững hình ảnh đẹp cho lực lượng công an, bộ đội”.

Việc sử dụng các loại trang phục dễ gây hiểu nhầm với công an, quân đội cũng sẽ bị xử phạt theo pháp luật. Mới đây, đầu tháng 11/2019, Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản, xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ B.A (trụ sở tại Hà Nội) với lỗi vi phạm “Trang bị các đồng phục cho nhân viên dịch vụ bảo vệ trái quy định”. Theo đó, Công an thành phố Hà Nội nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ B.A có dấu hiệu vi phạm trang bị đồng phục cho nhân viên bảo vệ giống trang phục lực lượng Cảnh sát Cơ động. Ngoài việc xử phạt hành chính, Công an thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty B.A cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật trong việc trang cấp và sử dụng đồng phục bảo vệ.

Theo luật sư Lê Quyên – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Quân phục, cảnh phục của lực lượng Quân đội nhân dân hay Công an nhân dân là những mặt hàng được Nhà nước sản xuất riêng và trang bị, cấp cho các đơn vị, cá nhân trong lực lượng vũ trang để thực thi nhiệm vụ; thuộc danh mục cấm kinh doanh, buôn bán. Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang thiết bị này. Do vậy việc mua, bán, lưu thông, sử dụng những bộ cảnh phục, thiết bị chuyên dùng này thực chất là mua, bán “Hàng cấm”.

Theo đó, khoản 3 Điều 4 Nghị định 82/2016 quy định về Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: Cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm giả, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo khoản 5, Điều 1, Nghị định số 29 năm 2016, Nghị định của Chính phủ đã sửa đổi bổ sung Nghị định 160 năm 2007 cũng đã quy định rõ về cấp hiệu, phù hiệu, trang phục của Công an nhân dân. Nghiêm cấm các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Công an nhân dân.

“Như vậy, người bình thường không được tự ý mua quần áo công an hay bộ đội để mặc vì đây là hàng cấm lưu thông trên thị trường, tùy theo mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Lê Quyên nhấn mạnh.

Có thể nói việc bày bán các trang phục gần giống với công an, quân đội tràn lan như trên thị trường hiện nay khiến cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng để làm việc phi pháp. Đây là những hành vi vi phạm không chỉ gây nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt tài sản của người dân mà trong bộ quân phục đó, các đối tượng cũng làm xấu đi hình ảnh của lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, tăng cường phối hợp rà soát, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng trái phép quân trang, quân phục.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này