Tư nhân cùng đầu tư xây dựng sân bay Long Thành: Tại sao không?

11:39 | 19/11/2019
(LĐTĐ) Tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trước đó, ngày 24/10 báo cáo về dự án trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể (GTVT) cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng). Các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
tu nhan cung dau tu xay dung san bay long thanh tai sao khong Bộ Giao thông Vận tải: Tập trung phát triển các dự án giao thông kết nối vùng miền
tu nhan cung dau tu xay dung san bay long thanh tai sao khong Đảm bảo tiến độ dự án sân bay Long Thành
tu nhan cung dau tu xay dung san bay long thanh tai sao khong Tăng cường quản lý đất đai xung quanh sân bay Long Thành

Từ sự thành công của các dự án do tư nhân tiến hành

Mặc dù Bộ GTVT nêu quan điểm để ACV làm chủ đầu tư một số hạng mục quan trọng của dự án sân bay Long Thành, song một số đại biểu Quốc hội cho rằng, với một đại dự án có quy mô vốn siêu lớn như vậy, liệu để mình ACV đầu tư thì có kham nổi không? Tại sao không tiến hành xã hội phân khúc đầu tư để các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia? Nhìn lại các dự án do tư nhân đầu tư cũng nên rút ra những bài học về triển khai dự án.

tu nhan cung dau tu xay dung san bay long thanh tai sao khong
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư chỉ mất hơn 2 năm đã đi vào khai thác giai đoạn 1 (ảnh Sun)

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng- hợp tác- chuyển giao) là ví dụ điển hình. Được khởi công đầu năm 2016 với quy mô lên tới 325 ha, tổng số tiền đầu tư giai đoạn 1 lên tới 7.463 tỷ đồng (tỉnh Quang Ninh hỗ trợ 734 tỷ đồng), đường băng dài 3,6km, rộng 45m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hóa và hành khách lớn, hiện đại như Boeing 787, 777 và Airbus A 350, có 6 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay… chỉ trong vòng 2 năm thi công ngày 30/12/2018 dự án đã hoàn thiện và đi vào khai thác. Theo các chuyên gia, với dự án này nếu là doanh nghiệp Nhà nước triển khai, chỉ tính phân kỳ đầu tư ít nhất 5 năm chưa xong, trong khi doanh nghiệp tư nhân triển khai chỉ trong vòng 2 năm đã xong, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo thời gian. Được biết, ngoài cảng hàng không Vân Đồn, hiện Tập đoàn này cũng đang rất quan tâm đến dự án Cảng hàng không Lào Cai đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Không chỉ Sun Group, đầu năm 2019, Tập đoàn FLC cũng gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Hay trước đó không lâu, nhà đầu tư này cũng đã đề xuất xin đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình theo hình thức PPP. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) được xem như là đơn vị tư nhân đi tiên phong trong phong trào đầu tư hạ tầng hàng không.

Tháng 7/2018, đã đưa vào hoạt động nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh với vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn 1 là 2,5 - 4,5 triệu hành khách/năm sẽ nâng lên 6 - 8 triệu hành khách trong giai đoạn 2. Cùng với nhà ga sân bay Cam Ranh, IPP đã đề xuất thực hiện 2 dự án tại sân bay Phú Quốc và Tuy Hòa. Còn hãng hàng không Vietjet Air là một trong những hãng mong muốn đầu tư làm sân bay nhất. Cụ thể ngay năm 2015, hãng đã xin Bộ GTVT đầu tư nhà ga T1, Nội Bài. Đến tháng 3/2017, Vietjet gửi tới Bộ GTVT đề xuất được xây dựng, nâng cấp sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Tháng 1/2018, hãng này lại đề xuất Bộ GTVT cho phép đầu tư sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Gần đây cũng mong muốn chi 4.000 tỷ đồng nâng cấp sân bay Tuy Hòa (Phú Yên). Tương tự ông lớn là Vin Group hiện cũng đã đầu tư vào lĩnh vực hàng không… Điều này chứng tỏ, năng lực của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở nước ta là rất dồi dào.

Vậy Long Thành thì sao?

tu nhan cung dau tu xay dung san bay long thanh tai sao khong
Mô hình sân bay Long Thành

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Và mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng đã trình Quốc hội về giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục: Theo đó, hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Theo cách trình bày của Bộ trưởng Bộ GTVT, điều này có nghĩa ACV đã gần như “độc quyền” trong đầu tư các mục giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Doanh nghiệp chủ lực làm dự án chủ lực thuộc ngành vì sự phát triển của đất nước cũng không thành vấn đề, song nếu nhìn nhận góc độ “nội lực”, nguồn vốn tài chính liệu ACV có đủ sức đảm đương. Nên nhớ, căn cứ theo Quyết định 236 được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, đến 2030, cả nước sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế. Hiện Việt Nam có 22 sân bay, ngoại trừ cảng Vân Đồn là do tư nhân đầu tư, 21/22 cảng còn lại đều do ACV quản lý, khai thác.

Như vậy, trong vòng 10 năm tới ít nhất sẽ có thêm 6 cảng hàng không mới. Điều đáng nói, nhìn lại hệ thống hạ tầng các cảng hàng không thì gần như sân bay nào cũng cần phải nâng cấp hoặc mở rộng. ACV xoay nguồn vốn để đầu tư cho các cảng hàng không đang quản lý đủ “mệt nhoài”, huống gì thực hiện chủ đầu tư các hạng mục quan trọng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đơn giản, theo thống kê, chỉ các dự án: Đầu tư mới nhà ga hành khách T3 (Tân Sơn Nhất), với công suất thiết kế 15 triệu hành khách/năm, có tổng mức đầu tư lên đến 9.800 tỷ đồng; nhà ga Cảng hàng không Phú Bài với suất đầu tư là 2.900 tỷ đồng; nhà ga Cảng hàng không Cát Bi là 2.900 tỷ đồng, nhà ga Cảng hàng không Chu Lai 2.850 tỷ đồng…ACV thu xếp nguồn vốn cũng không đơn giản.

Bởi vậy, để dự án sân bay Long Thành không bị chậm tiến độ và rủi ro về đội vốn như các dự án giao thông khác, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng nên xã hội hóa các phân khúc đầu tư để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia đầu tư.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này