Phùng Xá: Gìn giữ thương hiệu làng nghề dệt

13:14 | 16/11/2019
(LĐTĐ) Từ Hà Nội đi về phía nam 40km, làng Phùng Xá, Huyện Mỹ Đức, đẹp như một bức tranh phong thuỷ hữu tình với sự uốn lượn duyên dáng của dòng sông Đáy. Đi khắp thôn làng, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt, thứ âm thanh đặc trưng của làng Phùng Xá , thứ tiếng để người xa quê nguôi ngoai nhớ về, tiếng làng.  
phung xa gin giu thuong hieu lang nghe det Làm giàu từ nghề truyền thống
phung xa gin giu thuong hieu lang nghe det Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Sức bật trong xây dựng nông thôn mới
phung xa gin giu thuong hieu lang nghe det Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống may comple kết thúc tốt đẹp

Nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Ðức hình thành từ năm 1929, được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Trong làng hiện có 28 doanh nghiệp tư nhân, 13 công ty cổ phần với quy mô sản xuất lớn, các hộ sản xuất tư nhân, nghệ nhân.

Cùng với việc cải tiến công nghệ sản xuất và mẫu mã, nghề dệt ở đây không chỉ cung cấp các sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản… tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và lao động các vùng lân cận.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, làng Phùng Xá được mệnh danh là một vựa dâu tằm của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài ven sông Đáy.

phung xa gin giu thuong hieu lang nghe det
Huyện Mỹ Đức đang quyết tâm xây dựng thương hiệu làng nghề Dệt Phùng Xá (Ảnh: Trung Thành)

Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến năm 1984, cây dâu con tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hầu hết diện tích trồng dâu phải chặt bỏ, chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.

Tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường khiến có thời điểm làng chỉ còn vài ba hộ còn làm nghề. Nhưng từ truyền thống một làng nghề lâu đời, bằng lòng yêu nghề, người làng Phùng Xá đã nỗ lực sáng tạo vượt khó đi lên, tìm hướng đi mới, tạo ra nhiều cách thức sản xuất mới, các sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình, phát triển kinh tế hiệu quả từ nghề truyền thống.

Làng Phùng Xá như một sự kết hợp tinh tế của nét đẹp hiện đại đô thị hoá và nét đẹp đậm đà bản sắc Việt. Đường làng ngõ xóm khang trang sạch sẽ, trục đường chính rải nhựa với đèn đường vàng.

Bên dòng sông Đáy, hàng tre vẫn ngân nga trong gió, một màu xanh thanh bình thôn quê chẳng lẫn vào đâu được. Cuộc sống dân làng sung túc, con người nồng hậu, chất phác. Bên cạnh nông nghiệp, chăn nuôi, có thể nói nghề dệt khăn đã nuôi sống ngôi làng này bao năm nay.

Đến nay, Phùng Xá vẫn còn hàng chục doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, các hộ sản xuất tư nhân, nghệ nhân. Từ nghề truyền thống Phùng Xá không hiếm các triệu phú.

Có xưởng sản xuất rộng hàng trăm mét vuông với vài chục công nhân,, mỗi ngày xuất xưởng hàng nghìn khăn mặt bông các loại, trừ chi phí, thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Phùng Xá có 2 thôn Thượng và Hạ thì 1500/1900 hộ làm nghề, trong đó trên 50 hộ kinh doanh lớn. Bình quân thu nhập của công nhân 4-5 triệu đồng/tháng, với các chủ cơ sở sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp thu lãi 1-2 tỷ đồng/năm.

Trong xu hướng tiêu dùng tìm về sự khôi nguyên, tìm về với thiên nhiên… những sản phẩm thủ công, có nguồn gốc tự nhiên được người tiêu dùng đề cao và lụa Phùng Xá, tơ sen Phùng Xá tìm được chỗ đứng trong thị trường trong, ngoài nước. Người tiêu dùng yêu thích những sản phẩm mềm mượt thơm mùi nắng gió, của lụa tơ xứ này mà tìm về…

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này