44 tác phẩm đạt giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”

18:59 | 14/11/2019
(LĐTĐ) Trong số 71 tác phẩm nổi trội về đề tài, nội dung, hình thức thể hiện lọt vào vòng Chung khảo giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, đã có 44 tác phẩm đạt giải, trong đó có: 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C và 20 giải Khuyến khích; 1 giải Đặc biệt được Ban Giám khảo chọn từ 4 giải A và 2 nhân vật tiêu biểu được chọn trong các tác phẩm đạt giải.
44 tac pham dat giai bao chi toan quoc vi su nghiep giao duc viet nam Phát động Giải Báo chí với Phát triển bền vững năm 2019
44 tac pham dat giai bao chi toan quoc vi su nghiep giao duc viet nam Hai Giải báo chí của Thành phố: Lan toả những giá trị tốt đẹp
44 tac pham dat giai bao chi toan quoc vi su nghiep giao duc viet nam Họp báo giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Họp báo Tổng kết kết quả Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019.

Thông tin tại buổi họp báo, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại - cho biết: Năm 2019, năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những thành quả, mô hình đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trên mọi miền Tổ quốc. Qua đó, phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể điển hình, tiêu biểu thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học; những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

44 tac pham dat giai bao chi toan quoc vi su nghiep giao duc viet nam
Toàn cảnh Họp báo.

Sau một thời gian phát động đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm của 4 thể loại báo chí tham dự giải, gồm: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Các tác phẩm dự giải có chất lượng tăng so với năm ngoái, đề tài khá toàn diện, có sự đầu tư công phu về cách thức thể hiện, văn phong, bút pháp.

Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng giám khảo là những nhà báo giàu kinh nghiệm đã hoàn thành tốt việc chấm các tác phẩm báo chí tham dự Giải. Kết quả, trong 71 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo, đã có 44 tác phẩm đạt giải, trong đó có: 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C và 20 giải Khuyến khích; 1 giải Đặc biệt được Ban Giám khảo chọn từ 4 giải A và 2 nhân vật tiêu biểu được chọn trong các tác phẩm đạt giải.

Theo Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, công cuộc đổi mới toàn ngành Giáo dục đang triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc ủng hộ chung tay góp sức của nhân dân và toàn xã hội, đặc biệt sự đồng hành của báo chí. Để tiếp tục động viên, khuyến khích những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm viết về giáo dục có chất lượng, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức phát động Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" trong những năm tiếp theo.

“Chúng tôi rất mong nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước, các tác giả đã góp phần tạo sức làm lan tỏa những tấm gương, điển hình tiên tiến của ngành giáo dục và tạo, sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội với công cuộc đổi mới giáo dục” - Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ.

44 tac pham dat giai bao chi toan quoc vi su nghiep giao duc viet nam
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại Họp báo.

Phát biểu tổng kết giải, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019, cho biết: Ban Tổ chức giải đã mời nhiều giám khảo có uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tấn, báo chí lớn và uy tín tham gia Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo.

Ban Giám khảo đã làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc chấm và xét chọn giải thưởng. Các thành viên Ban Giám khảo Hội đồng Chung khảo đã thống nhất 100% trao giải cho 44 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình, cơ cấu giải thưởng cho mỗi loại hình bao gồm: 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Nếu như năm 2018, các tác phẩm dự thi thường chỉ viết về cuộc sống và nghị lực vượt khó vươn lên của các giáo viên vùng khó khăn, về đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục phổ thông mới thì năm nay, các tác giả dự thi đã đi sâu phân tích, mổ sẻ những vấn đề nóng của Ngành.

Nhiều tác phẩm đã lột tả những câu chuyện đầy cảm xúc của các nhà giáo cắm bản, bám làng nơi rẻo cao mây mờ; những câu chuyện xúc động, nghẹn ngào của nữ nhà giáo đã nguyện hy sinh rất nhiều trong cuộc sống đời tư để cống hiến cho nghề trên điểm trường xa xôi; hay như nữ nhà giáo già mấy chục năm nay mở lớp dạy chữ không công cho nhóm trẻ bụi đời…

Các tác giả đã có sự đầu tư công phu với mảng đề tài đã chọn; đầu tư thời gian, công sức và dấn thân đến tận những hang cùng ngõ hẻm, đến những nơi khó khăn nhất của miền sơn cước, những vùng biên cương, núi cao hay các đảo tiền tiêu xa xôi để quay những thước phim quý, chụp những bức hình đẹp, phỏng vấn thầy, cô giáo để có tư liệu sinh động cho “đứa con tinh thần” tham dự Giải.

“Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được phát động thường niên thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đã luôn sát cánh cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc nên đã nhận được sự quan tâm và tham gia rất tích cực của các cơ quan báo chí, báo giới trong cả nước. Thành công của Giải hôm nay cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp giáo dục và vai trò đặc biệt quan trọng của GD&ĐT trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông Hồ Quang Lợi khẳng định.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này