Hà Nội:

Xem xét chuyển hồ sơ 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang Công an

15:44 | 10/11/2019
(LĐTĐ) Liên ngành về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của thành phố Hà Nội vừa có buổi làm việc với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lên tới trên 22 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm lao động.
tiep tuc xem xet chuyen ho so 10 doanh nghiep no bao hiem xa hoi sang cong an Quyết liệt hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao
tiep tuc xem xet chuyen ho so 10 doanh nghiep no bao hiem xa hoi sang cong an Tiếp tục công khai doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội
tiep tuc xem xet chuyen ho so 10 doanh nghiep no bao hiem xa hoi sang cong an Tổ chức 241 cuộc tuyên truyền, tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Liên ngành: Công an Thành phố - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Liên đoàn Lao động thành phố và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa có buổi làm việc với đại diện với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trước khi chuyển hồ sơ và đề nghị cơ quan Công an xử lý theo Nghị quyết số 05/2019-HĐTP hướng dẫn về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến bảo hiểm xã hội của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao

tiep tuc xem xet chuyen ho so 10 doanh nghiep no bao hiem xa hoi sang cong an
Liên ngành làm việc với đại diện với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: T.V

10 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC, Công ty TNHH MTV Cơ khí - Điện - Điện tử Tàu thủy, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp phẩm, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bắc Bộ, Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết bị và Xây dựng Hồng Hà, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng công trình Đại An, Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Thăng Long, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Đại cơ Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Tín.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Tổng số tiền 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lên tới trên 22 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm lao động.

Các doanh nghiệp này đều đã bị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính, nhưng phần lớn các doanh nghiệp hiện vẫn không nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, không đóng hoặc chậm đóng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố cho biết: Mặc dù ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc thu nợ, trong đó có việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng 10 doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc cam kết về lộ trình trả nợ và khắc phục số nợ theo kết luận thanh tra. Thậm chí, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm để nợ kéo dài, dẫn đến số tiền nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm.

Trước thực trạng trên, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã củng cố hồ sơ 10 doanh nghiệp trên chuẩn bị chuyển sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội để xử lý theo Luật Hình sự.

Tại buổi làm việc, bà Hoàng Thu Hương - Đội phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố Hà Nội) nêu rõ: "Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, 10 doanh nghiệp nói trên đã có dấu hiệu phạm tội”.

Tuy nhiên, trước khi chuyển hồ sơ, Liên ngành làm việc với đại diện 10 doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, lắng nghe nguyện vọng và hướng giải quyết từ các doanh nghiệp. Đội phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng nhấn mạnh: Đây là việc làm nhân văn của Liên ngành, nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để khắc phục số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Tại buổi làm việc, đại diện 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cũng đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh do bị thu hẹp, đầu tư thua lỗ, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn…

Đồng thời, bày tỏ mong muốn cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng giảm lãi suất nợ bảo hiểm xã hội, để doanh nghiệp có thêm thời gian cho đơn vị nộp tiền, cũng như tạo điều kiện, xem xét chưa khởi tố để duy trì việc làm cho người lao động.

Trước những đề nghị trên, nhằm chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, ông Vũ Đức Thuật – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề nghị: Trước ngày 14/11, các doanh nghiệp có văn bản cam kết trả đủ số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện đóng trước bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. Qua đó, làm cơ sở để Liên ngành thống nhất đưa ra thông báo chính thức về việc chuyển hồ sơ các doanh nghiệp trên sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này